Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không chủ quan trong chống dịch bệnh truyền nhiễm
Chủ nhật: 15:15 ngày 08/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh y tế trong khu vực.

Trẻ mắc bệnh truyền nhiễm được điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Tây Ninh. Ảnh: Tâm Giang

Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời

Để hoàn thành đồng thời thực hiện tốt kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm, giảm tỷ lệ tử vong- đặc biệt một số bệnh nguy hiểm mới nổi tại các cửa khẩu quốc tế, không để xâm nhập vào Việt Nam đối với các bệnh như Covid-19, cúm A (H5N1), cúm A (H7N9), MERS-CoV và các bệnh mới nổi khác.

Phát hiện sớm và xử lý kịp thời, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là một số bệnh dịch nguy hiểm đã và đang lưu hành trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, như cúm A (H5N1), cúm mùa, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh tả, bệnh tiêu chảy, bệnh dại…

Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng đối với một số bệnh có nguy cơ bùng phát và quay trở lại, như: não mô cầu, viêm não Nhật Bản, viêm gan virus, sởi, thương hàn, Rota virus, thuỷ đậu, quai bị, bệnh liên cầu lợn ở người, bại liệt và các dịch bệnh mới nổi.

Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các tuyến, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch; triển khai giám sát trọng điểm bệnh cúm, SARI, sốt xuất huyết, tay chân miệng, dịch hạch. Duy trì đội đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh tại các tuyến để đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp. Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới. Giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khoẻ tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; phối hợp liên ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương.

Phối hợp Viện Pasteur trong việc tăng cường năng lực phòng xét nghiệm trong thu thập, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh nguy hiểm và mới nổi bảo đảm chính xác và hiệu quả.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra

Một số chỉ tiêu chuyên môn được đề ra như: 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng, không để dịch lớn xảy ra.

Giảm 5%-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời.

Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 95% quy mô cấp xã.

100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và áp dụng hệ thống báo cáo điện tử.

100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan. Toàn bộ cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.

Tất cả nhân viên y tế làm việc tại các khoa Nội, Khám bệnh, Truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.

Nâng cao trách nhiệm các địa phương

Đối với công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội trong công tác phòng, chống dịch.

 Củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở; đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến.

 Chỉ đạo tổ chức triển khai chủ động, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là với dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ, cúm gia cầm...) với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ người dân; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với công tác dự phòng, các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế các trường hợp chuyển nặng, tử vong do Covid-19.

Triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, tránh bỏ sót. Tổ chức triển khai tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả cho các nhóm đối tượng.

Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương để rà soát, vận động các đối tượng đồng thuận tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm đúng kế hoạch đề ra theo yêu cầu của Chính phủ.

 Tăng cường chỉ đạo và kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp nhập cảnh từ các khu vực bùng phát dịch, nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của SARS-CoV-2.

Đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng và các cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm biến thể mới của SARS-CoV-2. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để chủ động giám sát các biến  thể/biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các huyện, thị xã, thành phố gửi về Viện Pasteur để xét nghiệm giải trình tự gen xác định biến thể mới.

Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn. Thực hiện nâng cao năng lực giám sát dịch tễ; triển khai đồng bộ giám sát trọng điểm và giám sát thường xuyên; tăng cường năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và tại địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Tất cả các cấp chính quyền có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng và triển khai các phương án phòng chống dịch; nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh để kịp thời đáp ứng, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống dịch bệnh.

Đức An

Tin cùng chuyên mục