Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
'Không chuyển đổi mạnh mẽ sẽ bị tụt hậu, thậm chí là chết'
Thứ tư: 15:46 ngày 13/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc thực hiện chuyển đổi các ngành, nghề là điều bắt buộc nếu Việt Nam không muốn tụt hậu.

Trong năm 2020, Việt Nam có nhiều thành tựu về công nghệ thông tin, truyền thông. Các nền tảng chuyển đổi số được ứng dụng để giúp nước ta vượt qua đại dịch, công nghệ 5G được thử nghiệm thương mại, cải thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thông tin, truyền thông là những điểm nhấn của năm.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Bộ Thông tin & Truyền thông, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là những thành công ban đầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tiếp tục chuyển đổi, đi nhanh hơn thì vẫn có thể đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu.

"Không thay đổi mạnh mẽ hơn thì nhiều ngành sẽ chết"

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thay đổi mạnh mẽ, dứt khoát là yêu cầu tiên quyết với mọi bộ, ngành. Nếu không có sự thay đổi, nhiều ngành thậm chí có thể sẽ chết.

"Nếu chúng ta không thay đổi, đổi mới mạnh mẽ hơn thì không chỉ không tận dụng được cơ hội, tụt hậu, mà nhiều ngành sẽ chết", Phó thủ tướng khẳng định.

Phó thủ tướng dẫn chứng mức tăng trưởng của ngành viễn thông trong năm vừa rồi chỉ 0,3%, dù trước đó đã nhiều năm phát triển rất mạnh. Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin như Viettel, VNPT, MobiFone càng phải đi tiên phong về chuyển đổi số.

"Đây không chỉ là cơ hội, mà còn là sự thúc ép. Nếu không thay đổi thì sẽ rất nguy hiểm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam vẫn cần tiếp tục chuyển đổi nhanh chóng nếu không muốn bị tụt hậu.

Theo nhận định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đã đi nhanh so với thế giới ở công nghệ 2G, nhưng đến 3G thì chỉ ở nhóm trung bình. Tới thế hệ 4G, Việt Nam đã đi chậm.

"5G hiện nay thuộc loại nhanh ở quy mô thí điểm. Nếu chúng ta cũng đi nhanh như 2G thì thời cơ lại quay về tay chúng ta. 5G không chỉ đơn thuần là tốc độ, mà sẽ thay đổi toàn bộ", Phó thủ tướng nhận xét.

Trong giai đoạn 5 năm qua, đặc biệt là qua chương trình Make in Vietnam, các doanh nghiệp trong nước đã chứng tỏ khả năng sản xuất, tạo ra các nền tảng phục vụ cho người Việt.

Nếu chúng ta không thay đổi, đổi mới mạnh mẽ hơn thì không chỉ không tận dụng được cơ hội, tụt hậu, mà nhiều ngành sẽ chết.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Ở lĩnh vực viễn thông, Việt Nam đã có thể làm ra những thiết bị 5G. Các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, an toàn thông tin cũng ngày càng phổ biến và tốt hơn.

"Hai năm trước, chúng ta rất căng thẳng về câu chuyện tin xấu độc, sự lấn lướt gần như hoàn toàn, tuyệt đối của các công ty đa quốc gia nước ngoài trên thị trường Internet Việt Nam. Thời điểm đó, tôi phát biểu trước Quốc hội là an toàn, an ninh mạng ở Việt Nam đứng thứ 100, có nhiều chỉ tiêu quan trọng tồi nhất thế giới như thư rác, mã độc. Sau đó, chúng ta đã bàn nhau, gọi tất cả doanh nghiệp, nhà mạng lớn, chuyên gia an toàn, an ninh mạng. Cuối cùng, chúng ta quyết định, đã là an toàn thông tin thì Việt Nam phải tự làm. Rất nhiều ý kiến lúc đó không tin, nhưng đến giờ có thể nói là cơ bản làm được", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Chuyển đổi số giúp công việc 5 năm làm trong một năm

Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Dịch Covid-19 tuy là thách thức lớn, nhưng cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên toàn quốc, trong nhiều lĩnh vực.

Thách thức mới, cơ hội mới sẽ tạo ra sứ mệnh mới, không gian mới.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Phát biểu về câu chuyện chuyển đổi số ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bỉ thư Tỉnh ủy cho rằng khi người dân đã quen với các quy trình đã chuyển đổi số thì sẽ không còn muốn quay lại những thói quen cũ nữa.

"Chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu tự thân của nhân dân trong xã", bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Trong năm 2020, Bộ TT&TT đã lựa chọn, giới thiệu 38 nền tảng chuyển đổi số Make in Vietnam. Đây là các nền tảng giúp người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số.

"Sự khác nhau cơ bản giữa ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số là khái niệm nền tảng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

 

Nhiều nền tảng chuyển đổi số trong các lĩnh vực cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Hùng, một nền tảng có thể dùng chung cho 63 tỉnh, 700 huyện, 11.000 xã tại Việt Nam. Việc sử dụng các nền tảng giúp chuyển đổi số nhanh, tiết kiệm. Kể cả việc đào tạo sử dụng các nền tảng cũng đơn giản hơn, khi chúng ta có thể đào tạo con trẻ, học sinh, sau đó chính các con sẽ về hướng dẫn cha, mẹ, người nhà sử dụng.

Tại hội nghị, Cục Tin học hóa, thuộc Bộ TT&TT cũng công bố chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, sử dụng các nền tảng Make in Vietnam.

Các nền tảng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bao gồm nhiều lĩnh vực, từ tài chính, thanh toán trực tuyến, tiếp thị, kế toán, quản lý doanh nghiệp, bảo mật, tuyển dụng...

Để giúp các cơ quan báo chí , Bộ TT&TT đã hỗ trợ 3 nền tảng chuyển đổi số cho cơ quan báo chí, bao gồm nền tảng toà soạn điện tử, nền tảng phân tích thông tin trên mạng xã hội và nền tảng hỗ trợ, ứng cứu bảo mật thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ cũng công bố Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tại địa chỉ tingia.gov.vn. Đây là cơ quan thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử,có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, dán nhãn tin giả.

Nguồn Zing.vn

 

Tin cùng chuyên mục