Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Triển khai dự án điện mặt trời:
Không có chuyện “cưỡng chế” đất của dân
Thứ hai: 06:14 ngày 23/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về việc thực hiện Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 tại một số xã thuộc các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, trong đó có nhiều thông tin sai sự thật, đặc biệt có video clip quay lại hình ảnh rất phản cảm... Sự thật như thế nào? Ðể hiểu rõ bản chất của sự việc, phóng viên Báo Tây Ninh đã tìm hiểu và làm rõ một số vấn đề.

Phối cảnh Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng. Ảnh: Tấn Hưng

KHAI THÁC TIỀM NĂNG PHÍA ÐÔNG TÂY NINH

Hồ Dầu Tiếng là công trình thuỷ nông nhân tạo lớn nhất nước ta hiện nay với diện tích 270km2 (27.000 ha), dung tích chứa 1,5 tỷ m3 nước, hiện do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, vận hành, với công năng chính là phục vụ tưới tiêu cho trên 170.000 ha đất nông nghiệp của các địa phương: Tây Ninh, Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, hồ Dầu Tiếng đang phát triển theo hướng đa chức năng như cung cấp nước sạch, phát triển du lịch sinh thái, tài nguyên khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng tái tạo là năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, đang được nhiều quốc gia khuyến khích phát triển, trong đó có Việt Nam). Ðây là một trong những lợi thế lớn của Tây Ninh nói chung và hồ Dầu Tiếng nói riêng.

Khu vực vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch “Ðiện VII điều chỉnh”) 6 dự án đầu tư điện mặt trời với tổng công suất 610MW.

Trong đó, có 5 dự án tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, đang khẩn trương triển khai để kịp hoàn thành và vận hành trước 30.6.2019, đó là các dự án: Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2, Dầu Tiếng 3, Dự án điện mặt trời Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1.

Ðây là những dự án tiên phong, có quy mô và vốn đầu tư lớn nhất nước hiện nay được đầu tư tại Tây Ninh, theo chủ trương khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Chính phủ.

Các dự án điện mặt trời được triển khai tại các khu vực bán ngập hồ Dầu Tiếng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung cấp ổn định điện năng cho tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đóng góp ngân sách; đồng thời cũng tạo nên điểm du lịch hấp dẫn cho du lịch Tây Ninh.

Ðể bảo đảm tiến độ dự án phải hoàn thành trước 30.6.2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (là đơn vị chủ hồ) tiến hành các bước bàn giao đất vùng bán ngập cho nhà đầu tư để triển khai dự án.

Ðến nay, chủ hồ đã bàn giao trên 60% diện tích đất cho chủ đầu tư. Công tác bàn giao đất giữa chủ hồ và nhà đầu tư gặp một vài trở ngại- nguyên do, một số hộ dân tận dụng đất bán ngập để sản xuất theo thời vụ chưa kịp thu hoạch hoa màu nên dẫn đến chưa giao đất.

Ngoài ra, một số hộ cố tình không giao trả đất, buộc chính quyền phải xây dựng phương án bảo vệ việc bàn giao đất giữa chủ hồ và chủ đầu tư. Ðể dự án thực hiện kịp tiến độ, lãnh đạo tỉnh và chủ hồ quyết tâm trong tháng 8 phải cơ bản hoàn thành xong việc bàn giao đất bán ngập cho nhà đầu tư.

Thông báo thu hồi đất của UBND xã Tân Hưng được công bố từ đầu năm 2018.

QUYỀN LỢI CHÍNH ÐÁNG CỦA NGƯỜI DÂN ÐÃ ÐƯỢC BẢO ĐẢM

Công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng được khởi công từ năm 1981 và đưa vào sử dụng năm 1985, đây là công trình thuỷ lợi đặc biệt cấp quốc gia, chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Thuỷ lợi, Pháp lệnh Ðê điều, Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH ngày 4.4.2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và Luật Thuỷ lợi số 08/2017/QH14 ngày 19.6.2017.

Từ việc có một số hộ dân tự ý sử dụng đất thuỷ lợi sai quy định bị thu hồi mà có người người “nhào nặn” biến thành các video clip chính quyền cướp đất của dân là sự xuyên tạc quá đáng. Có clip “rêu rao” rằng, vào ngày 15.7.2018, chính quyền mời các hộ dân 14 giờ đến UBND xã Tân Hưng để đơn vị thực hiện dự án thống nhất thời gian thu hoạch mì, nhưng mới 13 giờ đã cho cày bỏ mì của dân. Qua tìm hiểu của phóng viên, thông tin này hoàn toàn không đúng, vì khi mời các hộ dân đúng 14 giờ ra xã, nhưng đến 14 giờ cùng ngày, chỉ có 2 hộ đến trụ sở UBND xã Tân Hưng (ông Lê Hoàng Vũ và vợ ông Nguyễn Văn Sưởng), các hộ còn lại không đến trụ sở UBND xã Tân Hưng mà ở lại hiện trường để tiếp tục la lối. Qua làm việc, hộ ông Vũ và đơn vị thực hiện dự án đã thống nhất phương án giải quyết (cho 7 ngày để thu dọn tài sản trên đất, phía công ty sẽ hỗ trợ thu dọn). Ðến 16 giờ cùng ngày, đoàn công tác trở lại hiện trường để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và bắt đầu việc giải toả mặt bằng. Như vậy, việc giải toả mặt bằng được thực hiện lúc gần 17 giờ cùng ngày, nên không có việc như một số đối tượng rêu rao là mời ra xã lúc 14 giờ để giải quyết mà 13 giờ đã cho cày đất.

Căn cứ cơ sở pháp lý, toàn bộ diện tích 27.000 ha- trong đó có vùng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng do Nhà nước quản lý. Ngoài ra, Căn cứ Nghị định 143/2002/NÐ-CP năm 2002 của Chính phủ, Quyết định 55/2004/QÐ-BNN của Bộ NN&PTNN, mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Theo đó, toàn bộ diện tích đất bán ngập trong khu vực hồ Dầu Tiếng là đất công, do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hoà, đại diện Nhà nước quản lý. Mặt khác, vào năm 1981, khi Nhà nước xây dựng hồ Dầu tiếng, thời điểm đó chưa có Luật Ðất đai nên người sử dụng đất chưa có quyền cơ bản về sử dụng đất.

Nhà nước đã tổ chức di dời dân và thực hiện kế hoạch hỗ trợ hoạt động di dời, sản xuất cho các hộ có đất trong khu vực xây dựng hồ Dầu Tiếng, từ đó đến nay, các hộ dân đã an cư lạc nghiệp.

Hiện tại, có một số hộ dân tận dụng đất bán ngập để trồng mì hay các loại nông sản ngắn ngày khác, và cho rằng, đây là đất của gia đình họ từ bao đời nay là không có cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, các hộ dân lại không có giấy tờ hay các căn cứ pháp lý để chứng minh nguồn gốc đất thuộc sở hữu của mình.

Như vậy, họ không phải là người sử dụng đất hợp pháp theo quy định pháp luật, căn cứ khoản 1 Ðiều 75 của Luật Ðất đai 2013, không phải là đối tượng bị thu hồi đất (đối tượng bị thu hồi đất thực hiện dự án là chủ hồ).

Nói cách khác, trường hợp của các người dân đang canh tác trên đất dự án không thuộc đối tượng được đền bù hỗ trợ.

Các trang MXH xuyên tạc sai sự thật về dự án điện mặt trời.

Tuy nhiên, trên tinh thần phát triển hài hoà giữa doanh nghiệp và người dân địa phương, giữa phát triển kinh tế xã hội đi đôi với cải thiện đời sống của người dân, chủ đầu tư đã chủ động đề xuất các phương án hỗ trợ và được UBND tỉnh chấp thuận.

Cụ thể, toàn bộ diện tích các hộ đang tận dụng sản xuất theo thời vụ trong vùng dự án, được chia thành hai mức: mức 1 từ cao trình 24,44m trở xuống 23m, mức 2 từ cao trình 23m đến cao trình 22m. Mức 1 có giá hỗ trợ là 5.220 đồng/m2 (52.200.000 đồng/ha). Mức 2 có giá hỗ trợ là 2.900 đồng/m2 (29.000.000 đồng/ha).

Diện tích được hỗ trợ căn cứ trên diện tích canh tác, sản xuất thực tế. Các hộ dân có liên quan cũng sẽ được vận dụng xem xét hỗ trợ về nhà, công trình, vật kiến trúc (nếu có) hình thành trước khi có thông báo bàn giao mặt bằng với mức bằng 40% mức bồi thường, hỗ trợ xây dựng mới nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo đơn giá tại Quyết định số 81/QÐ-UBND ngày 31.12.2014 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng, vật kiến trúc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ về cây trái, hoa màu hình thành trước khi có thông báo bàn giao lại mặt bằng với mức bằng 100% theo đơn giá tại Quyết định số 62/QÐ-UBND ngày 29.12.2015 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá bồi thường, hỗ trợ hoa màu, cây trái và vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, những chính sách hỗ trợ trên thể hiện sự chia sẻ rất lớn của chủ đầu tư với các hộ dân, vì luật không buộc chủ đầu tư phải hỗ trợ. Mặt khác, nếu hỗ trợ cho đối tượng không thuộc diện đền bù, hỗ trợ theo quy định thì chi phí hỗ trợ đó không được khấu trừ vào tiền thuê đất như các dự án thu hồi đất khác.

Ðây là một thiệt thòi về tài chính cho chủ đầu tư. Ngoài ra, căn cứ vào tiến độ triển khai dự án ở từng khu vực, nhà đầu tư còn gia hạn thời gian thu hoạch, để người dân tận thu hoa màu, và cũng giúp người dân có thêm thu nhập- mặc dù diện tích hoa màu đó đã được nhà đầu tư hỗ trợ hoặc vận dụng đền bù.

Ðối với những hộ chưa nhận hỗ trợ đền bù hoa màu thì nhà đầu tư đã gửi số tiền vào quỹ tín dụng theo quy định.

Như vậy, mọi quyền lợi chính đáng của người dân đã được chủ đầu tư quan tâm đúng mức, không có sự thiệt thòi hay ảnh hưởng quyền lợi như một số thông tin trên mạng xã hội.

KHÔNG CÓ CHUYỆN CHÍNH QUYỀN CƯỠNG CHẾ ÐẤT CỦA DÂN

Trong quá trình triển khai công tác bảo vệ bàn giao đất và thi công dự án, có một số hộ dân (có cả đối tượng không có liên quan hay chịu sự tác động của dự án) đã có những hành vi quá khích như kích động, xúi giục, gây mất an ninh trật tự, phá hoại tài sản doanh nghiệp (đạp đổ hàng rào)… thậm chí, một số đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ, buộc ngành chức năng phải có giải pháp ngăn chặn và tiến hành điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Hoàn toàn không có chuyện chính quyền tự ý bắt bớ người dân.

Việc một số người dân quỳ lạy van xin được quay thành video clip lan truyền trên mạng là những hành vi có dụng ý xấu, muốn thông qua mạng xã hội gây áp lực với chính quyền thực hiện yêu sách không chính đáng, thậm chí trái pháp luật.

Về thông tin cho rằng chính quyền “cưỡng chế” thu hồi đất đang trồng mì của dân với giá rẻ mạt là không có căn cứ về pháp lý, vì lẽ đất cần thu hồi để thực hiện dự án là đất được Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý, không phải đất của người dân. Ðối với các phần đất đã được cấp giấy CNQSD đất tại khu vực đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, UBND huyện đang thực hiện công tác rà soát đối chiếu, qua đó làm rõ tính pháp lý của các giấy chứng nhận QSD đất và báo cáo xin ý kiến chủ trương của tỉnh.

Hiện nay, nhà đầu tư chưa triển khai thi công trên các phần đất đã được cấp giấy CNQSDÐ. Ngoài ra, theo thông tin từ ngành chức năng, có trường hợp người dân nói là có giấy CNQSDÐ, thực chất đây là giấy CNQSDÐ của mảnh đất khác, không phải của mảnh đất trong dự án. Do đó, việc người dân đòi đền bù thoả đáng là bất hợp lý.

Thi công xây dựng trạm điện của Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng trên đất bán ngập thuộc địa bàn xã Tân Hưng. Ảnh: Ðại Dương

Về thông tin chính quyền cày phá bỏ hoa màu trên đất của người dân ở huyện Tân Châu, qua tìm hiểu được biết, sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của tỉnh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và phía đơn vị thực hiện dự án đã thông báo yêu cầu người dân không trồng hoa màu trên đất sau ngày 15.1.2018, nếu trồng sau ngày 15.1.2018 sẽ không được xem xét giải quyết. Nhưng, có nhiều trường hợp người dân vẫn cố tình trồng mì.

Trước khi giải toả mặt bằng, chính quyền và đơn vị thực hiện dự án đã thông báo nhiều lần cho các hộ dân thu hoạch hoa màu (chủ đầu tư nhiều lần dời thời gian giải toả mặt bằng từ 25.5 sang đến 25.6, và đến ngày 14.7 lại chấp nhận lùi đến 21.7). Tuy nhiên, các hộ dân này vẫn không chấp hành.

Nhìn chung, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị của tỉnh nhà; trong đó, có việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia khai thác hiệu quả tiềm năng của tỉnh.

Tất cả đều vì mục tiêu để mỗi người dân Tây Ninh được làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Muốn làm được điều đó, rất cần sự chung tay góp sức của toàn hệ thống chính trị và nhân dân.

Việc thực hiện thành công Dự án điện năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất nước này, chắc chắn sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Tây Ninh.

LÊ DUY

Tin cùng chuyên mục