Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không có di chúc, chia di sản thừa kế thế nào?
Thứ tư: 09:32 ngày 15/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bố mẹ của ông Nguyễn Vĩnh Phúc (Bình Thuận) có 3 người con, nay bố mẹ đã chết, không có di chúc. Ông Phúc hỏi, di sản bố mẹ ông để lại là quyền sử dụng đất được chia thừa kế như thế nào?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản bao gồm cả quyền sử dụng đất (nếu có) của người đã chết cho người còn sống, tài sản của người chết để lại được gọi là di sản. Người thừa kế gồm có người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người chết không có di chúc, hoặc có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp.

Theo Điểm a Khoản 1 và Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc phản ánh, cha mẹ ông Phúc đều đã chết, không có di chúc. Di sản của cha mẹ ông Phúc là quyền sử dụng đất. Hàng thừa thứ nhất theo pháp luật chỉ có 3 người là con đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của bố, mẹ ông Phúc đều đã chết; bố mẹ ông Phúc không có con nuôi, con riêng. Như vậy, 3 người con được hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng, những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

Những người thừa kế phải ký tên, điểm chỉ vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế trước mặt công chứng viên.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Nguồn baochinhphu

Tin cùng chuyên mục