Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không có nhu cầu ra ngoài, giới trẻ chọn làm việc tại nhà
Thứ ba: 10:47 ngày 21/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Dù bạn bè hay rủ mình đi uống trà sữa, xem phim, mình vẫn cảm giác lười và không muốn đi cho lắm. Nhưng mình sẽ cố gắng ra đường nhiều hơn xem sao".

Gần 2 tuần nay, Như Mỹ (26 tuổi, designer tự do) chỉ ra đường được vài ngày. Việc ăn uống, cô nhờ vào dịch vụ giao hàng tận nhà. Người mà cô gặp nhiều nhất không phải là bạn bè, đồng nghiệp chung ngành mà là shipper.

“Ra đường làm gì? Không phải mình lười mà căn bản là không có nhu cầu”, Mỹ nói.

Với một số người, việc ra đường thư giãn, gặp gỡ bạn bè, đó là nhu cầu không cần thiết. “Nhốt mình” trong nhà, dán mắt vào màn hình máy vi tính là điều thường xuyên xảy ra. Những lúc rảnh rỗi, họ đến siêu thị mua một số thứ căn bản. Xong xuôi, họ lại về nhà, tiếp tục với công việc còn dang dở.

Bận và không có nhu cầu

Sau thời gian tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TP.HCM, Thanh Cường (25 tuổi, Kiên Giang) quyết định gắn bó với nghề thiết kế đồ họa. Công việc của anh không cần phải đi đâu xa xôi, chỉ cần vẽ và chỉnh theo ý khách hàng. Nói quá bận rộn thì không phải, nhưng để nói rảnh rỗi thì lại không hẳn.

Đã nhiều lần, Cường từ chối những lời rủ rê của bạn bè. Lần ra ngoài gần đây nhất của chàng trai 25 tuổi là khoảng 1 tuần trước. Anh hẹn với khách hàng để hoàn thiện bản vẽ.

Giải quyết xong công việc, anh tranh thủ ghé siêu thị gần đó mua vài chai nước, mấy bịch bánh snack dự trữ. Khi được hỏi lý do không ra khỏi nhà, Cường chỉ nói: “Mình bận”.

Lý giải về cái được cho là bận, Cường nói anh luôn dành phần lớn thời gian cho công việc. Lúc rảnh, Cường tranh thủ lướt mạng xã hội một chút xem có chuyện gì xảy ra.

Khi nhìn lại, công việc của anh vẫn chưa hoàn thành xong. Cường tiếp tục vật lộn với đống bản vẽ chưa đâu vào đâu. 

Nhiều người cho biết không có nhu cầu ra đường, kể cả việc dạo phố. Ảnh: Dribbble.

Hoàng Dương (24 tuổi, Sóc Trăng) vừa kết thúc hợp đồng trước thời hạn với công ty bất động sản cách đây không lâu. Lý do anh đưa ra là bản thân không thích ngồi 8 tiếng làm văn phòng.

"Tôi quyết định nghỉ ở công ty để làm công việc freelance. Thời gian rảnh nhiều hơn, tôi có thể chọn cách làm việc linh động thời gian", Dương nói.

Cũng theo Dương, anh hạn chế việc ra đường vì cảm thấy không cần thiết. Sáng ngủ 9 giờ dậy, làm việc đến khi thấy đói thì đặt đồ ăn trên mạng. Chiều tối cũng vậy, nếu có bạn bè rủ đi chơi, anh sẽ xem xét, nhưng số lần đi cũng không nhiều. 

Suốt ngày ngồi trong nhà đối mặt với chiếc laptop, anh cho rằng đến cả việc yêu đương cũng lười nói chi ra ngoài dạo chơi, hóng mát.

"Căn bản, mình không có nhu cầu để ra đường", Dương nói.

Ít bạn bè và ngại giao tiếp

"Thôi, chưa làm xong proposal, tụi bây đi đi". Mỗi lần được bạn rủ đi chơi, Lan Thanh (25 tuổi, TP.HCM, nhân viên tổ chức sự kiện) đều lấy lý do chưa hoàn thành xong công việc.

9X nói, đến nỗi bạn bè cô mỗi lần rủ rê đều rất khó chịu, cân nhắc có nên rủ "con Thanh bận rộn" ra ngoài không. 

"Đấy là sự thật. Công việc của mình không có thời gian ổn định. Lúc thì chẳng có gì để làm, lúc thì bận đến mức không thở nổi. Đôi khi đặt lịch hẹn trước rồi, cuối cùng phải bấm bụng hủy vì phải hoàn thành gấp proposal để gửi cho khách hàng", Lan Thanh cho biết.

Cô gái 25 tuổi nói thêm, thời gian ngủ nghỉ của cô cũng khác với người thường. Buổi tối Lan Thanh thức xuyên đêm để làm việc, đến giờ người khác đi làm cô lại ngủ bù.

Thanh cho rằng, mỗi khi xong công việc, cô như bị vắt kiệt sức, vì vậy cô cũng không muốn ra đường. "Bạn bè thì ít, thời gian nghỉ ngơi không có, tôi không muốn ra đường để làm gì", Thanh nói.

Với nhiều bạn trẻ, khi hoàn thành công việc cũng là lúc kết thúc một ngày. Ảnh: Fast Company.

Zing.vn đã thực hiện cuộc khảo sát ngẫu nhiên với 120 người (độ tuổi từ 20 - 25 tuổi) có xu hướng làm việc tại nhà.

Theo đó, có 45% số người khảo sát cho rằng, công việc và thời gian linh động là nguyên nhân khiến họ không thích ra ngoài.

Câu trả lời cho rằng công việc của họ bận đến nỗi không có thời gian ra đường, hoàn thành xong đã là đêm muộn chiếm 30,8%.

17,5% người lại nói vẫn muốn xuống đường thư giãn nhưng khi giải quyết xong công việc, hành động lướt web, xem phim đã chiếm phần lớn quỹ thời gian.

6,7% người lại cho rằng họ không có nhiều bạn bè, có quá ít sự lựa chọn để dạo phố cuối tuần.

Liêu Hà Ngọc Nữ (23 tuổi, Đồng Nai) nói: "Mình vừa tốt nghiệp đại học không bao lâu, chưa vội đi làm công ty mà nhận job tự do. Làm được hơn 1 năm, công việc ổn định, thu nhập khá nên mình chưa có ý định apply vào một công ty chính thức nào".

"Không phải không muốn ra đường mà là guồng quay công việc, sinh hoạt dần khiến mình bị lười. Mỗi lần muốn đi chơi phải suy nghĩ ngày mai làm gì, nếu đi chơi công việc không giải quyết xong thì phải làm sao? Nghĩ đến đó mình chỉ muốn ở nhà", Hoàng Thanh Bình (26 tuổi, Bến Tre) nói với Zing.vn.

'Khó có cơ hội trải nghiệm'

Xu hướng làm việc tại nhà từ lâu được các nhóm xã hội học, tiến sĩ khoa học mang ra nghiên cứu.

Trong một cuộc điều tra của ĐH Arkon năm 2018, nhóm khảo sát đưa ra quan điểm: "Ngồi ở nhà làm việc là cách thông minh nhất".

Nghiên cứu khác từ Gallup (Mỹ), công ty tư vấn và phân tích số liệu toàn cầu cho thấy hầu hết nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi không phải thường xuyên đến công ty. Theo đó, người làm việc tại nhà từ 3-4 ngày/tuần sẽ cảm giác thỏa mãn hơn đến 33% khi đến công ty.

Trao đổi với Zing.vn, TS tâm lý Bùi Hồng Quân (cố vấn khoa học, giảng viên cao cấp Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) cho biết việc giới trẻ thích làm freelance hay làm việc tại nhà suy cho cùng cũng là lựa chọn cá nhân.

Theo tiến sĩ, mọi nghiên cứu là quan điểm của nhóm tác giả, khó mà lấy một khảo sát hay một bảng số liệu làm đại diện cho nhiều trường hợp. Nếu có, điều này chỉ mang tính tương đối.

Bàn về nhóm đối tượng có xu hướng thích làm việc tại nhà, ông cho rằng: "Mô hình làm việc này có ưu điểm giúp các bạn trẻ không đi đâu vẫn có thể thực hiện công việc yêu thích và có mức thu nhập ổn định. Nếu so sánh với đối tượng văn phòng thì làm việc qua mạng có ưu thế hơn về mặt thời gian, địa điểm".

Theo Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, việc hạn chế ra đường khiến nhiều bạn trẻ khó có cơ hội trải nghiệm. Ảnh: Mosaic Science.

Tuy nhiên, tiến sĩ cũng cho rằng việc người trẻ không ra đường, ngại tiếp xúc lại có những hạn chế nhất định.

"Nếu chỉ làm việc ở nhà và giao tiếp thông qua mạng, người trẻ khó có cơ hội trải nghiệm với nhiều tình huống và các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Khi đó, bạn không có nhiều mối quan hệ, trải nghiệm và cả kinh nghiệm sống", ông Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.

Trước đó, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa từng nói với Zing.vn cuộc sống của chúng ta đang bị chi phối bởi màn hình máy tính, di động. "Công nghệ gây ra hạn chế nhiều về mặt giao tiếp của giới trẻ, nhất là tình trạng lười trò chuyện. Họ không quan sát đối phương, không thấy được tâm tư người đối diện".

Đối với Như Mỹ, cô gái được bạn bè gọi với biệt danh "bạn thân shipper" vẫn khẳng định rằng mình không có nhu cầu để ra đường. "Dù bạn bè hay rủ mình đi uống trà sữa, xem phim, mình vẫn cảm giác lười và không muốn đi cho lắm. Nhưng mình sẽ cố gắng ra đường nhiều hơn xem sao", Như Mỹ nói.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục