Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Không có câu thần chú nào hữu hiệu cho TKV. Và những gì đặt ra ngày hôm nay cũng là lời cảnh báo rằng đừng trông chờ vào các biện pháp giải cứu, bởi không ai cứu mình bằng chính mình.
Năm 2017, TKV sản xuất 35,5 triệu tấn than, phấn đấu đạt doanh thu 110.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 12.600 tỉ đồng với mức lợi nhuận trên 2.000 tỉ, tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với năm 2016 để đóng góp 0,8% cho tăng trưởng.
Đó là kế hoạch. Còn theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm lượng than xuất khẩu đạt 877.000 tấn, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước, trở thành mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất và là mức tăng kỷ lục từ năm 2010 tới nay. Tuy nhiên, than nhập dù có giảm về lượng nhưng cũng lên đến hơn 5,2 triệu tấn, trị giá khoảng 548 triệu USD.
Tăng xuất khẩu nhưng TKV đang tồn kho 9,3 triệu tấn than, cần được “giải cứu” với cảnh báo 4.000 lao động của TKV có nguy cơ mất việc. Áp lực càng lớn khi bạn hàng truyền thống của tập đoàn này là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến giảm mua khoảng 2 triệu tấn, trong khi chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành than năm nay phải khai thác thêm 2 triệu tấn.
Đâu là câu thần chú cho “ông thần than” trước nghịch cảnh “tăng xuất” kỷ lục mà “tồn kho vẫn nhiều”? Giải bài toán “xuất - nhập” than bên cạnh “bàn tay vô hình” của thị trường, lại cần bàn tay “hữu hình” của cơ chế, chính sách nhưng vẫn phải tôn trọng các nguyên tắc và quy luật thị trường, quả là bài toán cực kỳ khó.
Phát triển ngành than, từ góc nhìn “giải phóng” 9,3 triệu tấn than tồn kho không chỉ là câu chuyện của TKV, mà nó cần được tiếp cận đa ngành và sự phối hợp liên ngành.
Cho đến nay, khi chúng ta đã trải qua 8 lần quy hoạch với Quy hoạch điện lực VII (điều chỉnh) thì ngành điện, than, khí vốn có mối liên hệ mật thiết nhau vẫn là những bản quy hoạch riêng lẻ, thiếu kết nối để trở thành một chiến lược hay quy hoạch năng lượng hoàn chỉnh.
Thị trường tiêu thụ than rất lớn. Theo Quy hoạch điện lực VII (điều chỉnh) đến năm 2020, 3 nguồn điện quan trọng nhất của quốc gia vẫn là: nhiệt điện than chiếm 49,3%, thủy điện 29,5% và nhiệt điện sử dụng khí chiếm 16,6%. Đến năm 2020 tiêu thụ 63 triệu tấn than; năm 2025 là 95 triệu tấn...
Đến năm 2020, Việt Nam thiếu khoảng 48 triệu tấn than, vượt cả năng lực sản xuất hiện nay của TKV. Nhưng bi kịch ở chỗ lượng than đó là từ đâu, trong nước hay phải nhập khẩu? Liệu ai chấp nhận mua than trong nước khi giá luôn cao hơn than nhập?
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát các vấn đề cốt lõi của TKV. Việc tiêu thụ một lượng lớn “hàng tồn kho” không thể trông chờ vào sự ưu ái cho một tập đoàn kinh tế nhà nước, hay vận động “giải cứu”.
Một nền kinh tế thị trường không thể vận hành trên cơ sở lòng hảo tâm phi thị trường. Nếu chỉ dựa vào chia lửa, ủng hộ hàng nội, kêu gọi EVN phải mua than giá cao của TKV để sản xuất điện, có khác nào đẩy khó từ “ông than” sang “ông điện” và cuối cùng là người tiêu dùng lãnh đủ.
Không có câu thần chú nào hữu hiệu cho TKV. Tập đoàn này phải vươn lên để đóng góp cho nền kinh tế và tự cứu mình. Và những gì đặt ra ngày hôm nay cũng là lời cảnh báo rằng đừng trông chờ vào các biện pháp giải cứu, bởi không ai cứu mình bằng chính mình.
Nguồn TTO