Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không có việc doanh nghiệp lập bến bãi khai thác cát trên đất rừng
Thứ hai: 09:58 ngày 29/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo UBND huyện Tân Châu, Công ty Liên Hoàng được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát vào năm 2016, trong khi con đường này được hình thành trước đó khá lâu, chiều ngang 4m, có đoạn 6m. Đây là con đường tuần tra, bảo vệ rừng, đồng thời là đường ranh phân định khoảnh 11, 12 của tiểu khu 47 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Bãi khai thác cát của Công ty Liên Hoàng.

Những ngày qua, dư luận trong tỉnh quan tâm đến việc chuyên mục Thời sự 60S của trang Tin Online Đời sống & Xã hội cho rằng, Công ty TNHH Liên Hoàng có hành vi mở đường và lập bến bãi khai thác trên đất rừng. Thực hư sự việc như thế nào, chính quyền huyện Tân Châu đã có động thái gì trước những thông tin trên?

Con đường vào bãi cát Liên Hoàng được hình thành khi nào?

Tin Online Đời sống & Xã hội phản ánh, Công ty Liên Hoàng được cơ quan chức năng cho mở đường xuyên qua rừng phòng hộ 4m để vận chuyển cát. Tuy nhiên, doanh nghiệp này tự ý xâm chiếm đất rừng, mở rộng con đường lên đến 8m, có đoạn hơn 10m.

Theo UBND huyện Tân Châu, Công ty Liên Hoàng được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát vào năm 2016, trong khi con đường này được hình thành trước đó khá lâu, chiều ngang 4m, có đoạn 6m. Đây là con đường tuần tra, bảo vệ rừng, đồng thời là đường ranh phân định khoảnh 11, 12 của tiểu khu 47 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoà bức xúc, con đường dẫn vào bãi cát không phải chỉ phục vụ cho hoạt động khai thác, vận chuyển cát của doanh nghiệp. Trước khi có doanh nghiệp hoạt động, con đường phục vụ cho các hộ dân nhận trồng rừng khoán đi chăm sóc rừng, vận chuyển lâm sản khi được phép tỉa thưa cây phụ trợ theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, con đường này còn dành cho việc vận chuyển của người dân làm nghề cá khu vực hồ Dầu Tiếng. Cuối con đường, ngay phía trước bãi cát là chốt bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng. “Việc con đường này hình thành từ khi nào, những người sống lâu năm ở khu vực này rất rõ. Hiện nay, trên con đường này còn có nghĩa địa của người dân địa phương nên hằng ngày có khá nhiều người qua lại- ông Tùng nói.

Phó Chủ tịch xã Tân Hoà cho rằng, việc trang Tin Online Đời sống & Xã hội đăng tải thông tin doanh nghiệp được cơ quan chức năng cho mở đường xuyên rừng hoàn toàn sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng của cơ quan chức năng. Khi doanh nghiệp mượn con đường này để vận chuyển cát, ngày 15.1.2016, Sở NN&PTNT đã có văn bản chấp thuận.

Tuy nhiên, UBND huyện Tân Châu cho biết, năm 2017, trong quá trình đổ đất, lu lèn, giặm vá những đoạn có ổ voi, ổ gà, doanh nghiệp có tự ý chặt cây rừng tự nhiên hai bên đường để mở rộng thêm tuyến đường mà không có sự cho phép của cơ quan chức năng. Ban Quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã lập hồ sơ xử lý hành vi phá rừng trái pháp luật trên diện tích 1.403,01m2 đất rừng phòng hộ và 402,872m2 rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng IC tại khoảnh 11, 12, tiểu khu 47.

 Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp này và 2 cá nhân với số tiền 76 triệu đồng. Sau đó, diện tích rừng bị vi phạm nêu trên đã được tiếp tục bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và quản lý theo quy định đến nay.

Chốt trưởng chốt bảo vệ rừng khoảnh 11, 12 tiểu khu 47 Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng khẳng định, đây chính là con đường đi vào chốt bảo vệ rừng. Hằng ngày, lực lượng bảo vệ rừng tổ chức tuần tra nên thông tin cho rằng doanh nghiệp chặt phá cây rừng là chuyện không thể xảy ra. Năm 2017, khi doanh nghiệp vi phạm đã bị phát hiện và xử lý ngay lập tức. Hơn nữa, trên con đường có nhiều đường nhánh để người dân vào thăm rừng trồng khoán nên không thể cho rằng những con đường nhánh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phá rừng.

Gần đây nhất, do mưa giông, một cây rừng cặp con đường bị gió quật ngã đổ, người dân vào cưa lấy củi, đây là cây trâm trắng, không phải là gỗ quý. Còn những gốc có dấu cưa đã cũ, có thể đây là những cây rừng bị doanh nghiệp tác động vào năm 2017.

Chốt bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng nằm ngay phía trước khu vực khai thác cát của Công ty Liên Hoàng.

Doanh nghiệp có lập bãi cát trên đất rừng?

Trang Tin Online Đời sống & Xã Hội còn cho rằng, khu vực mà doanh nghiệp này “chiếm đóng” làm điểm khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng rộng hàng hec-ta cũng thuộc đất rừng phòng hộ. Trong quá trình bơm cát lấn vào rừng phòng hộ ngoài toạ độ, ngoài mốc giới đã làm hai bờ sạt lở nghiêm trọng.

UBND huyện Tân Châu cho biết, theo giấy phép khai thác khoáng sản mà UBND tỉnh cấp cho Công ty Liên Hoàng, diện tích khu vực khai thác khoáng sản là 54,2 ha, được giới hạn bởi các mốc ranh từ số 208 đến 218 theo toạ độ VN2000 thuộc đoạn suối Bồ Hum, hồ Dầu Tiếng, đoạn đi qua xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp này trong hồ Dầu Tiếng cũng được Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chấp thuận bằng văn bản ngày 6.7.2016.

Ngày 20.9.2018, Sở NN&PTNT đã có văn bản thống nhất chủ trương tạm thời đặt trạm cân trên diện tích 128m2 tại khoảnh 11, tiểu khu 47, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng; đồng thời đề nghị doanh nghiệp cam kết di dời trạm cân ra khỏi đất lâm nghiệp, trả lại đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Trước đó, tháng 6.2018, doanh nghiệp đã bơm cát tại khu vực thuộc diện tích 0,8 ha phải trồng rừng do doanh nghiệp sang nhượng lại của người dân địa phương. Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã phát hiện kịp thời và yêu cầu di dời ngay. Đến nay, công ty đã chấp hành xong.

Do đó, thông tin cho rằng, doanh nghiệp lập bãi cát trái phép trên đất lâm nghiệp được đăng tải vào tháng 7.2019 là hoàn toàn không khách quan, không đúng với sự việc xảy ra. 

Con đường rẽ vào bãi cát của Công ty Liên Hoàng đã hình thành từ trước khi Công ty Liên Hoàng được cấp phép hoạt động khai thác cát.

UBND huyện Tân Châu thông tin thêm, mới đây, ngày 14.7.2019, qua kiểm tra thực tế khu vực khai thác khoáng sản của Công ty Liên Hoàng, ghi nhận có 2 phương tiện máy múc không hoạt động và 4 tàu neo đậu. Trong 4 tàu, có tàu biển số TN 0512 (đã được Sở TN&MT xác nhận), 1 tàu không biển số, 1 tàu biển số BTr 7637 và 1 tàu biển số VR 04022365.

Được biết, vấn đề di dời các tàu khai thác cát không nằm trong danh sách xác nhận của Sở TN&MT đang được các ngành chức năng tiến hành. Qua những đợt kiểm tra của tỉnh, những tàu neo đậu trong khu vực hồ Dầu Tiếng không nằm trong danh sách xác nhận đã được cơ quan chức năng niêm phong chờ xử lý.

UBND huyện Tân Châu cho biết, trước việc trang Tin Online Đời sống & Xã hội nêu nhiều thông tin không khách quan, thiếu chính xác về lịch sử hình thành con đường, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh và sẽ có văn bản phản hồi đối với trang tin Online Đời sống & Xã hội.

Thế Nhân 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh