Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không có việc lập trạm để thu phí leo núi Bà Đen
Thứ tư: 11:24 ngày 29/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với vẻ đẹp hoang sơ, nhiều cung đường mạo hiểm, núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà của miền Đông Nam bộ”, trở thành nơi lý tưởng để nhiều nhóm bạn tìm đến đây khám phá, chinh phục.

Hiện núi Bà Đen có tất cả 7 đường lên đỉnh, nhưng đi nhiều nhất là đường cột điện (hay còn gọi là đường cáp quang) và đường đi từ chùa Bà. Do đây là hai cung đường có lối mòn, tương đối dễ đi, không cần người dẫn đường các nhóm vẫn có thể tự tổ chức leo.

Trạm quản lý tại đường leo núi khu vực đường cột điện.

Tuy nhiên, trước việc ngày càng nhiều du khách, các bạn trẻ tìm đến núi Bà Đen trải nghiệm leo lên đỉnh núi, từ giữa tháng 11.2017, Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (BQL núi Bà Đen) đã cho thành lập hai trạm gác tại khu vực leo đỉnh bằng đường cột điện và một trạm tại khu vực hồ Núi Đá để quản lý lượng khách leo núi cũng như để giữ gìn an ninh, trật tự nơi đây.

Sau khi BQL núi cho lập trạm, tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng một số bạn cho rằng BQL núi Bà Đen sẽ thu phí đối với những người leo đỉnh núi bằng con đường này.

Một bạn chia sẻ trên trang mạng xã hội facebook “Ờ! Phượt đi!” thông tin: BQL Núi Bà Đen lập chốt để kiểm soát người leo và người dẫn đường; đội cứu hộ sẽ không cứu hộ khi đội, nhóm đó không mua vé leo núi.

Trong các bình luận về nội dung này, có bạn còn cho rằng, vé được bán ra với giá 150 ngàn đồng/vé.

Trạm quản lý tại khu vực hồ Núi Đá.

Thông tin trên đã làm nhiều người hoang mang, gây dư luận không tốt. Tuy nhiên, qua liên hệ với ban quản lý, chúng tôi nhận được câu trả lời không có chuyện thu phí đối với những người leo núi Bà Đen.

Bà Trần Thị Thu Hằng- Phó Chánh Văn phòng BQL núi Bà Đen cho biết, việc lập trạm để quản lý lượng khách lên xuống núi, nhằm hạn chế tối đa những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi leo núi. “Tại các trạm, khi các nhóm leo núi, nhân viên bảo vệ ở trạm sẽ hướng dẫn đường đi, nhắc nhở cho du khách, nhất là những người lần đầu tiên leo núi có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi leo cũng như cho số điện thoại để có thể liên lạc khi gặp sự cố. Về vấn đề thu phí chúng tôi khẳng định hoàn toàn không có. Việc lập trạm chỉ với mục đích quản lý, theo dõi các nhóm leo núi chặt chẽ hơn, hạn chế những sự cố xảy ra cho du khách khi tham gia leo núi mà thôi”, bà Hằng khẳng định.

Về an toàn khi leo núi, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, không tìm hiểu kỹ trước khi leo, núi Bà Đen sẽ trở thành nỗi ám ảnh của không ít người về độ khó và vẫn có nguy cơ đi lạc hay gặp sự cố do đá lăn, trượt chân…

Anh Nguyễn Văn Phúc (áo đen)- nhân viên bảo vệ tuần tra canh gác kiêm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ thuộc BQL Khu du lịch núi Bà Đen nhắc nhở các nhóm một số lưu ý khi leo núi.

Theo báo cáo của Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trung tâm, thuộc Phòng PCCC-CNCH Công an tỉnh Tây Ninh, mỗi năm có hàng chục vụ cứu nạn, trong đó có nhiều trường hợp đội phải hỗ trợ các bạn leo từ trên đỉnh núi Bà Đen xuống.

Cụ thể, trong năm 2017, đến thời điểm này Đội đã hỗ trợ cứu nạn 7 vụ.

Vào ngày 27.8, nhóm 4 bạn nữ từ TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị leo núi Bà Đen. Trong nhóm có 2 bạn từng leo đến chùa Bà. Thấy đường dễ đi, các bạn đã rủ thêm 2 người bạn cùng chinh phục đỉnh Bà Đen. “Bọn em bắt đầu leo lúc 10 giờ sáng, dự định đến đỉnh khoảng 12 giờ nhưng không nghĩ đường khó đi như vậy. Đến 14 giờ bọn em mới lên đến nơi. Nghỉ ngơi một chút chừng nửa tiếng là bọn em xuống liền. Nhưng vì đi trong đoàn có một bạn bị đau chân nên tụi em đi bị chậm lại. Nên lúc đi xuống núi trời đã tối, điện thoại lại sắp hết pin nên tụi em phải gọi 114 để nhờ hỗ trợ. Lúc đó khoảng 20 giờ, tụi em xuống đến cột điện số 25”, một bạn trong nhóm cho biết.

Hay lúc 18 giờ ngày 13.10, một nhóm học sinh gồm 4 người từ TP.Hồ Chí Minh lên Tây Ninh leo núi gặp cũng  sự cố. Trước đó, khoảng hơn 13 giờ các bạn đến chân núi và bắt đầu xuất phát. Khi đến nơi, trời tối, mưa to, các bạn lại không mang theo thức ăn, nước uống và không có lều bạt để trú qua đêm nên buộc phải báo cho lực lượng cứu hộ.

Một nhóm leo núi khám phá những cung đường mạo hiểm lên đỉnh núi Bà Đen.

“Số trường hợp bị lạc, mất phương hướng cũng có nhưng phần nhiều cần hỗ trợ là do các bạn không ước lượng được thời gian lên và xuống núi nên không có sự chuẩn bị trước. Do đó giữa đường hết nước uống, thức ăn hoặc trời tối, không có đèn đi xuống nên gọi điện nhờ hỗ trợ”, thiếu tá Nguyễn Thanh Hòa- Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát chữa cháy và CNCH trung tâm cho biết.

Không chỉ lỗi do chủ quan, với địa hình dốc đứng, cây cối rậm rạp, núi Bà Đen còn tiềm ẩn nhiều tai nạn do đá lăn, trượt chân, thậm chí gặp phải rắn độc.

Chuột rút cũng là sự cố khiến người leo núi gặp khó khăn.

Mới đây, trong những ngày chịu ảnh hưởng của cơn bão số 14, một đoàn du khách người Hàn quốc từ Bình Dương đến leo núi Bà Đen. Trên đường xuống (đường Chùa Bà) một du khách đã bị trượt chân và té. “Chúng tôi nhận tin báo lúc 2 giờ chiều nhưng phải đến hơn 3 tiếng sau mới đưa nạn nhân xuống được chân núi. Hôm đó do ảnh hưởng của bão, mưa suốt, đường đi lại rất trơn, dễ bị té ngã”, anh Nguyễn Văn Phúc- nhân viên bảo vệ tuần tra canh gác kiêm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ thuộc BQL núi Bà Đen cho biết.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hòa cũng cho biết thêm, từ trước đến nay việc cứu nạn do Đội Cảnh sát PCCC-CNCH trung tâm phụ trách, hoàn toàn không thu phí hay nhận bất kỳ khoản bồi dưỡng của ai. “Mạng người là quan trọng nhất. Do đó, khi có thông tin cần cứu nạn, chúng tôi luôn cố gắng đến sớm nhất để đưa nạn nhân xuống. Mặc dù những trường hợp cứu nạn thường rơi vào buổi tối, nhiều trường hợp ở giữa rừng rất khó tiếp cận, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình. Hoàn toàn không có việc không mua vé sẽ không được cứu nạn khi gặp sự cố”, thiếu tá Hòa khẳng định.

Về vấn đề lập trạm quản lý khách leo đỉnh núi Bà Đen, anh Thiên Phúc Lâm – Quản trị viên của nhóm facebook “Ờ! Phượt đi!” góp ý: Để đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ, khi leo núi, các nhóm sẽ khai báo với cơ quan chức năng tại trạm, và khi về sẽ thông báo 1 lần nữa. Sau 24 giờ nếu chưa nhận được thông báo của nhóm, bản thân người phụ trách tại trạm chủ động liên lạc bằng số điện thoại hoặc tổ chức tìm kiếm, như vậy mới thực sự an toàn.

Bên cạnh đó, các trạm cũng cần cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người leo núi có thể liên lạc khi nguy cấp.  

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục