Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
Thứ ba: 16:34 ngày 09/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Họ cho rằng thực chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay chẳng qua chỉ là cuộc đấu đá nội bộ giữa phe này và phe khác (!?).

Trong những năm qua, để xuyên tạc chủ trương chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm mạnh mẽ từ người đứng đầu cao nhất của Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch đã không ngừng xuyên tạc công cuộc này. Họ cho rằng thực chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay chẳng qua chỉ là cuộc đấu đá nội bộ giữa phe này và phe khác (!?). Rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng vì Việt Nam chỉ do một đảng duy nhất lãnh đạo, rằng chỉ có một đảng thì không thể có dân chủ và vì vậy không thể chống được tham nhũng, lãng phí, quan liêu (?!).

Không bao giờ bao che, dung túng cho tham nhũng, lãng phí

“…Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, vì vậy chỉ những người có chức vụ mới có thể lợi dụng chức vụ để tham nhũng. Tham nhũng chính là một hành vi tha hoá đạo đức cá nhân để làm những việc bất chính nhằm biến tài sản Nhà nước, tài sản của nhân dân thành tài sản riêng hoặc của một nhóm lợi ích…”. Đó là những ý kiến của các thế lực thù địch nói về tham nhũng; đồng thời cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống được tham nhũng vì tất cả những người có quyền lực trong bộ máy của Nhà nước đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy nên, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam chống tham nhũng là ta đánh ta nên không dám làm và vì vậy sẽ không chống được tham nhũng.

Đây là ý kiến không mới nhưng lại được không ít người phụ hoạ và cổ xuý. Tuy nhiên, ý kiến này sai toàn bộ, bởi quyền lực của đảng cầm quyền, quyền lực của nhà nước được phân công, uỷ quyền cho từng nhóm cơ quan, tổ chức, từng cá nhân trong bộ máy, mỗi người, tuỳ cương vị khác nhau đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao phó khác nhau. Vì vậy, chỉ có những cán bộ thoái hoá, biến chất mới lợi dụng quyền lực được Đảng giao phó, mà thực sự là quyền lực được nhân dân uỷ thác để tham nhũng, lãng phí làm thiệt hại của công và làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vậy nên, không phải tất cả mọi người khi được giao quyền lực đều tham nhũng, lãng phí. Bằng chứng là có những nơi cũng người có chức vụ ấy tham nhũng, lãng phí, nhưng có những nơi, cũng những người giữ chức vụ ấy lại luôn tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả. Điều ấy chứng tỏ rằng cùng là cán bộ, cùng được giao quyền lực như nhau nhưng chỉ có những người thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, cộng với việc thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực đã dẫn họ tới con đường tha hoá và tham nhũng. Chính những kẻ đục khoét của công ấy sẽ tìm cách vô hiệu hoá tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị để dễ bề thao túng nhằm thực hiện mưu đồ tham nhũng, làm suy thoái tổ chức Đảng.

 Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi việc chống tham nhũng không chỉ để bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà còn để bảo vệ uy tín của Đảng trước nhân dân. Cụ thể, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12.1986) đã chỉ rõ: "Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước chưa bị trừng trị nghiêm khắc (1)". Đảng thừa nhận và coi tham nhũng là nguyên nhân gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 5 bài học kinh nghiệm rút ra về cơ bản vẫn giữ nguyên như Cương lĩnh 1991. Tuy nhiên, Cương lĩnh đã bổ sung vào bài học kinh nghiệm thứ 2 nội dung rất quan trọng: "Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng (2)". Đây có thể xem là một cam kết chính trị trước nhân dân về công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Việc đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ mà tệ tham nhũng gây ra thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận, nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật để có các biện pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả.

Không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam

Trong các Văn kiện Đại hội VIII, IX, XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đều tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng (3)". Đại hội XII của Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và coi đây là nhiệm vụ cấp bách đối với Đảng. Vấn đề xây dựng Đảng, phòng chống quan liêu, tham nhũng được đề cao. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ: "Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (4)" và "xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu (5)". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (6)”. Đại hội XIII của Đảng cũng đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng và đề ra nhiều giải pháp trong kiểm soát quyền lực, hoàn thiện pháp luật, kê khai tài sản, bảo vệ người tố cáo tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp (7)”.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng xác định là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không nóng vội, không chủ quan, với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm; phòng chống tham nhũng cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp; phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, các hành vi bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng; không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam…

Những quan điểm chỉ đạo của Đảng được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh hoàn toàn đúng đắn với các bước đi phù hợp, hiệu quả trong một quyết tâm chính trị cao nhằm tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng. Với sự quyết tâm và nghiêm khắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều vụ tham nhũng được xét xử, nhiều cán bộ tha hoá, biến chất ở mọi cấp, mọi ngành, “không có vùng cấm” đã chịu sự trừng phạt của pháp luật; đã thu hồi, đề nghị thu hồi tài sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tính từ năm 2013 (năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN- tháng 2.2013) đến hết năm 2020, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm... Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương, 4 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị)… Các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể và nhiều cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hơn 650 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (8). Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tiến hành quyết liệt, đồng bộ. Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, “các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra trên 7.800 vụ án/hơn 15.200 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Riêng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đến nay đã khởi tố 30 vụ án, 109 bị can (trong đó 25 địa phương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can), thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng; vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đã khởi tố 80 vụ án, 613 bị can tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 98 trung tâm và chi cục Đăng kiểm; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã khởi tố 54 bị can; vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB, tập đoàn Vạn Thịnh Phát thiệt hại ước tính trên 9.000 tỷ đồng… (9)”. Không chỉ đề cao chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, Đảng ta còn đẩy mạnh chống tiêu cực, đánh vào cái gốc sinh ra tệ tham nhũng. Vì vậy, ngoài những cán bộ cấp cao vi phạm, phạm tội đến mức bị xử lý kỷ luật và bị truy tố vì các vi phạm thì cũng có nhiều cán bộ cấp cao đã phải xin thôi giữ chức vì trách nhiệm người đứng đầu…

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng được hiến định là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vì vậy, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tất cả các quyết định của mình. Trong bộ máy nhà nước, đa phần cán bộ đều là đảng viên của Đảng. Vì vậy, nếu để một bộ phận cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất dẫn tới quan liêu, tham nhũng, lãng phí sẽ làm mất lòng dân, gây ra tác hại khôn lường và đe dọa nguy cơ cầm quyền của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định các quan điểm về đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đảng luôn coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ, đe doạ sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Vậy nên, để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền, để nâng cao uy tín trước nhân dân, để thực sự xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể không quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn của Đảng. Luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thực tâm chống tham nhũng là luận điệu xuyên tạc nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.17
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 22, 26.
(4) Đảng Cộng sản, Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành  Trung ương khoá XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 51-52.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr.145.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr.146.
(8)https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/202102/ket-qua-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-giai-doan-2013-2020-309186/
(9)https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202308/nhung-diem-moi-dot-pha-trong-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-tu-dau-nhiem-ky-dai-hoi-xiii-cua-dang-den-nay-312868/

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục