Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không để hình thành lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống
Thứ tư: 08:32 ngày 06/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), cần phải tập trung phát hiện và ngăn chặn từ gốc, lấy phòng ngừa để đẩy lùi nạn tham nhũng ngay từ lúc manh nha trong tư tưởng của mỗi cá nhân, tổ chức.

Sáng ngày 5/11, thảo luận tại Hội trường Quốc hội về báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) thẳng thắn nêu: Một cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ trong thực thi nhiệm vụ công vụ nhũng nhiễu thì gọi là tham nhũng vặt, loại tham nhũng này tạo nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Nhưng nếu hành vi này có sự chỉ đạo, làm ngơ, thậm chí có sự ăn chia của người lãnh đạo, quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn gặp vô cùng khó khăn.

ĐB Sinh lưu ý, tham nhũng vặt được nêu trong Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng tình hình tham nhũng mà thôi, thực tế tệ nạn tham nhũng còn rất nghiêm trọng.

“Hãy nhìn vào hiệu quả công tác quản lý của nhà nước sẽ thấy điều gì tạo nên một hiện trạng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế nếu không xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ?. Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng, nếu không phải là tham nhũng làm ngơ trong công tác quản lý? Tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, kể cả lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tràn lan đâu chỉ là quản lý yếu kém. Gian lận trong thi cử, gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua cũng là hậu quả của nạn tham nhũng mặc dù cơ quan điều tra chưa thể kết luận một cách rõ ràng…”, ĐB nêu vấn đề.

Nhấn mạnh tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn, ĐB Nguyễn Tiến Sinh kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo, tài sản liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có.

Đồng thời, xây dựng quy trình quy định về thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ, các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền, thực hiện dân chủ, công khai quy định quy trình về công tác cán bộ, công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm bầu cử cán bộ, công chức không chỉ trong các tổ chức đảng, cơ quan mà cần rộng rãi để nhân dân tham gia đánh giá và giám sát.

ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận). Ảnh: quochoi.vn.

Đồng quan điểm, ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho hay: Cử tri cho rằng lò lửa chống tham nhũng đang cháy, sức nóng của dư luận đang dâng cao và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nhưng thực tế nạn tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.

Do vậy, theo ĐB Xuân Linh, chúng ta phải tập trung phát hiện và ngăn chặn từ gốc, lấy phòng ngừa để đẩy lùi nạn tham nhũng ngay từ lúc manh nha trong tư tưởng của mỗi cá nhân, tổ chức. Muốn vậy cần phải nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch tài sản của tất cả cán bộ công chức để giảm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giảm việc lợi dụng thủ tục hành chính để sách nhiễu, vòi vĩnh.

“Không để hình thành lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống”, ĐB Linh nói. Đồng thời, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ án lớn mà nhân dân quan tâm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

ĐB Nguyễn Văn Được (TP Hà Nội) đề nghị nhà nước, cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh cán bộ thiếu trách nhiệm gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.

“Có những vụ án chúng ta chỉ xử lý nội bộ, nhưng tiền của có thể họ ăn cả đời không hết. Do vậy, tôi đề nghị phải công khai, minh bạch trường hợp xử lý nội bộ. Vậy, không biết họ học Bác Hồ ở chỗ nào? Người đứng đầu nêu gương ở chỗ nào?. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần phải suy ngẫm”, ĐB thẳng thắn nói.

Đề cập tình trạng người dân làm nhà, sửa nhà, làm kinh doanh, dịch vụ buôn bán được Nhà nước cho phép, nhưng lại bị lực lượng chức năng khác nhiều lần “hỏi thăm sức khỏe”, ĐB Nguyễn Văn Được cho hay: Đây là một vấn đề nhức nhối, người dân rất bức xúc nhưng dân không dám phản hồi, không dám phản ánh.

“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần giáo dục đạo đức cho lực lượng chức năng thật tốt, thật kỹ để lấy lại lòng tin và tín nhiệm với dân, nếu không chúng ta mất lòng tin của dân”, ĐB nói.

Nguồn CPV

Tin cùng chuyên mục