Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 1.9, Đoàn ĐHQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy giai đoạn 2009 - 2019 đối với UBND tỉnh Tây Ninh và Công an tỉnh. Ông Huỳnh Thanh Phương - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐHQH đơn vị tỉnh chủ trì buổi giám sát.
Ông Huỳnh Thanh Phương - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐHQH đơn vị tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Buổi giám sát có sự tham dự của ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Đại tá Lý Hồng Sinh - Phó Giám đốc Công an tỉnh.
Tình hình hoạt động tội phạm ma túy trên biên giới diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng sử dụng vũ khí nóng, mua bán, vận chuyển với số lượng lớn, phạm vi hoạt động rộng liên quan nhiều tỉnh, thành phố và xuyên quốc gia.
Trong nội địa, hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy và người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy tăng, đối tượng sử dụng có xu hướng trẻ hóa. Nguồn ma túy chủ yếu được mua từ thành phố Hồ Chí Minh hoặc Campuchia về.
Đại tá Lý Hồng Sinh-Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy giai đoạn 2009 - 2019 trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2009 – 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh phát hiện, bắt giữ: 1.769 vụ 5.115 đối tượng, tổng tang vật thu giữ: 243,9 kg ma túy các loại. Số vụ phạm tội sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy từ mức độ nghiêm trọng trở lên được phát hiện, xử lý tăng hơn 5% so với năm trước.
Viện kiểm sát truy tố 1.561 vụ/ 2.137 bị can; ngành Tòa án đã đưa ra xét xử 2.382 vụ/ 3.571 bị cáo phạm tội liên quan đến ma túy, ban hành 1.820 quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tổ chức 697 phiên tòa xét xử lưu động ở các xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách pháp luật về phòng chống ma túy phù hợp, sát với tình hình, điều kiện thực tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn triển khai 100% các văn bản của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, UBND tỉnh về ma túy; trực tiếp tham mưu ban hành nhiều văn bản thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước thực hiện có hiệu quả, đạt chỉ tiêu, yêu cầu của Trung ương giao. Từ năm 2009 đến nay, đã ban hành 28 văn bản chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, mở các đợt cao điểm Tháng hành động phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy dưới nhiều hình thức đa dạng, nội dung dễ hiểu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Từ năm 2009 đến nay, các sở, ngành, đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền hơn 64.000 cuộc, cấp phát 1.162.005 tài liệu, tổ chức sân khấu hóa và chiếu phim tại các khu công nghiệp; thành lập 94 Tổ công tác cai nghiện ma túy trên 94 xã, phường, thị trấn, Đội thanh niên tình nguyện Thắp sáng niềm tin, mô hình “Khu dân cư không có thanh niên mắc các tệ nạn xã hội”; mô hình “Zalo tuyên truyền phòng chống tội phạm”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4.101 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 3.564 người so với năm 2009). Trong đó, người nghiện ma túy là 2058, người sử dụng là 2.044 người. Tất cả người nghiện ma túy đều được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện.
Từ năm 2009 đến nay, tổng số người cai nghiện tự nguyện là 720 người. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, nguồn nhân lực làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn.. nên iệu quả đạt được chưa cao. Công tác cai nghiện bắt buộc thực hiện đúng quy trình, từ năm 2009 đến ngày 30.6.2020, đã đưa 2.888 lượt người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hàng năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh gọi hỏi, răn đe, giáo dục, thuyết phục các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện. Những đối tượng không tham gia cai nghiện tự nguyện, được cơ quan chức năng đưa vào hồ sơ quản lý, thường xuyên thử nhanh với chất ma túy, để kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện.
Chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2015 với 2 cơ sở ở TP.Tây Ninh và huyện Gò Dầu. Tính đến ngày 31.7.2020, có 791 hồ sơ đăng ký điều trị và bảo đảm đúng tiêu chí; có 556 lượt bệnh nhân ra khỏi chương trình, chủ yếu là tự bỏ, vi phạm pháp luật và vi phạm nội quy điều trị cơ sở; tuy nhiên qua vận động có 162 trường hợp tự nguyện trở lại điều trị.
Công an, Biên phòng, Hải quan làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống ma túy theo chức năng, nhiệm vụ, kịp thời đấu tranh, triệt phá các đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy; thường phối hợp trao đổi thông tin, kịp thời đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Campuchia vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh. Lực lượng chức năng phối hợp với Công an nước bạn Campuchia bắt giữ 25 vụ/ 37 đối tượng về hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 79,2 kg ma túy các loại.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh một số vấn đề về hoạt động của tổ công tác cai nghiện ma tuý; các văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau; công tác phòng, chống ma tuý còn khoán trắng cho lực lượng Công an; các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; những khó khăn trong việc quản lý sau cai nghiện; chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng, chống ma tuý; việc điều trị cai nghiện cho đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp; công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý ở cơ sở, vận động đúng đối tượng; hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện; quản lý người nghiện ma tuý sống lang thang, không có nơi cư trú…
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐHQH đơn vị tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng hiệu quả các mô hình, công tác tuyên truyền.
Công an tỉnh tăng cường đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm về ma túy; tập trung chuyển hóa địa bàn, mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy, triển khai các giải pháp phòng ngừa; chủ động kiểm soát các loại tội phạm về ma túy, nguồn cung cấp ma túy, người nghiện ma túy ngoài xã hội, tiền chất ma túy trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, để Tây Ninh không là điểm nóng, nơi trung chuyển về ma túy, nơi tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp…
Phương Thảo - Thiên Di