Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mỗi nhà mỗi cảnh
Không điểm tựa
Thứ bảy: 18:00 ngày 20/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khi tôi đến thăm, bà đi giao mít chưa về. Người chồng tai biến của bà đang được chòm xóm giúp vịn tay chân cho bác sĩ tiêm thuốc, vô nước biển. Cạnh bên giường nằm của người bệnh là anh con trai 39 tuổi bị tai nạn giao thông làm móp một mảnh xương sọ từ hơn 10 năm trước đang ngồi nói u ơ gì đó.

Bà Phấn bên người chồng bệnh tật.

Nhà vắng tiếng người. Bếp núc lạnh tanh nhưng sạch sẽ, không hề có mùi xú uế dù cả chồng và con trai bà chủ nhà đều phải tiêu tiểu tại chỗ.

Rồi tiếng xe cũng đã xoành xoạch ở sân nhà. Người phụ nữ tuổi sáu mươi cùng chiếc xe máy cà tàng vừa đi giao hàng cho cơ sở mít sấy đã về. Bà phân trần: “Ðể cháu đợi lâu thiệt ngại quá. Mình vụng chèo thì phải khéo chống chứ biết sao giờ? Thằng con bị tai nạn giao thông từ hồi 27 tuổi. Xương sọ nát nên không lắp lại được. Từ đó ngày nào nó cũng phải uống thuốc, nếu không sẽ lên cơn co giật. Mấy chục năm qua, hai vợ chồng cô cùng đi mua mít, ổng leo giật trái, cô lượm vô cân, cũng đắp đổi qua ngày. Nhưng hai tháng trước, ổng bị tai biến sau một đêm ngủ dậy”.

Người phụ nữ tảo tần ấy là bà Lý Thị Phấn, năm nay 61 tuổi, ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Rạng, 66 tuổi. Chồng và con trai- những trụ cột gia đình giờ đều bệnh tật, nằm một chỗ, không còn điểm tựa nên một ngày của người phụ nữ đã ngoài sáu mươi ấy thật vất vả, không phải ai cũng chịu đựng được như bà.

Bốn giờ sáng bà Phấn đã dậy, bắc nồi cháo gạo rang lên đó xong quay sang làm vệ sinh cá nhân cho chồng. Rồi lại quay qua kè dắt anh con trai ra nhà vệ sinh, bởi hơn 10 năm nay cứ ngồi một chỗ chân anh ngày một yếu thêm. Sau đó bà lại loay hoay đút từng muỗng nước cháo cho chồng…

Chồng ăn xong bà lại lo phục vụ bữa cho anh con trai. Xong mới lo chạy đi giao mít đã lột từ tối hôm qua. Giao 10kg mít, chỉ được 150.000 đồng, trong đó tiền vốn mua mít trái đã hết phân nửa. Giao mít xong, thì đáo một vòng về xem chồng con thế nào rồi mới lên đường đi mua mít trái. Trong khi bà đi mua mít, vài người hàng xóm tốt bụng sẽ thay phiên nhau trông chừng giúp anh con trai kẻo anh lần dò, xịch lụi đi đâu đó, bà về lại phải mất công đi tìm.

Trưa lại, bà tiếp tục khâu vệ sinh và đút ăn cho chồng con. Bà bắt đầu lột mít ngay sau bữa cơm chiều- lúc chồng và con đã yên giấc. Cặm cụi lột mít tới 11 giờ đêm, bà cho chồng uống ly sữa, thay tấm tã để ông ngủ được yên giấc, xong mới ngả lưng trên chiếc ghế tre đặt cạnh giường của chồng. Ðể rồi 4 giờ sáng hôm sau lại tiếp tục cái thời gian biểu quen thuộc.

Bà nói, vẻ cam chịu: “Có tuổi, nên sức khoẻ cô cũng yếu rồi cháu ơi! Ráng chèo chống tới đâu thì hay tới đó chứ không dám mơ ước gì. Chỉ dám mong kiếm đủ tiền tã cho chồng. Còn cơm gạo thì bà con chòm xóm cho gì nhận nấy. Chỉ lo nhất là lúc ổng lên cơn mệt phải đưa vào bệnh viện mà không có bảo hiểm, thật khốn khó vô cùng”.

Tiễn tôi về, dường như bà đang cố giấu những giọt nước mắt xót xa trước nghịch cảnh đời mình.

TRANG ÐÀO

Tin cùng chuyên mục