Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không gian mạng – “mặt trận” không tiếng súng
Thứ bảy: 12:28 ngày 09/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Khi những lá thư được thay bằng e.mail, người dân không sử dụng tiền mặt và việc cô lập một nhóm khủng bố được mở đầu bằng việc… ngắt internet”.

Hội chứng Hoa Tulip…

Mùa thu năm 1636, điều mà các các nhà đầu tư tại Hà Lan quan tâm nhất vào thời điểm, không phải là chỉ số chứng khoán Dow hay NASDAQ, mà là giá… hoa tulip. Lúc đó, doanh nhân, thợ nề và cả… mục sư đều là doanh nhân, và họ chọn hoa tulip, với niềm tin là loại “cổ phiếu” mới này sẽ tăng trưởng trong tương lai. Một nhà văn đã so sánh số tiền để mua được 1 củ hoa tulip vào lúc đó là: 8 con lợn, 4 con bò, 12 con cừu, 24 tấn lúa mì, 453kg pho mát hoặc 5 ha đất. Tuy nhiên, đến tháng 2.1637, giá hoa tulip giảm đi 99%, xoá đi toàn bộ lợi nhuận trên giấy, nhà đầu tư phá sản và nền thương mại Hà Lan phải chịu một cú sốc nặng nề.

Persiflage auf die Tulpomanie (Châm biếm về cơn sốt hoa tulip), tranh vẽ của họa sĩ Hà Lan Jan Breughel (II) vào khoảng năm 1640

Khi đó, chưa có internet.

Điều cần nói ở đây, chính là sự chênh lệch giữa giá cả và giá trị. Giá hoa tulip giảm 99%, chỉ đơn giản là về mức mà giá cả bằng giá trị đích thực của nó. Vậy điều gì đã bù đắp lại khoảng chênh lệch quá lớn giữa giá cả và giá trị của hoa tulip, đồng thời che mắt toàn bộ nhà đầu tư lúc bây giờ, cho rằng mức giá điên rồ đó là xứng đáng?

Lòng tham và hiệu ứng đám đông.

Sự tham lam che mờ mắt họ, niềm tin mù quáng vào thứ tài sản mà sau một đêm, sẽ gấp đôi giá trị - điều đó đã xảy ra vào những ngày “thăng hoa” của hoa tulip. Một nhà đầu tư không thể nào đẩy giá lên cao như vậy được, nó cần nhiều, rất nhiều người tin rằng, hoa tulip nắm giữ bí mật của sự bất tử - người ta thật sự đã tin vào điều này, hoa tulip trở thành biểu tượng của quyền lực và cuối cùng… giá của nó sẽ tăng lên rất nhiều. Và, niềm tin đó đã được lan truyền, y như một con virus mà không một ai muốn ngăn chặn. Niềm tin đó mạnh đến mức, nó đã trở thành một sự thật không thể nghi ngờ, và mọi mức giá đều được chấp nhận, bất kể nó có “điên rồ” đến mức nào.

Peloton, bitcoin và…

Peloton, một start-up công nghệ được thành lập vào năm 2012, chuyên về lĩnh vực úng dụng công nghệ vào các loại máy tập chạy bộ. Khi mới thành lập, Peloton kêu gọi đầu tư được 400.000 USD, cho đến khi mở bán công khai cổ phiếu lần đầu tiên (IPO) vào năm 2019, giá trị công ty đã đạt được là 1,16 tỷ USD, tức gấp 3335 lần giá trị ban đầu.

Bitcoin, một sản phẩm của công nghệ Blockhain, lần đầu tiên ra mắt vào năm 2008 với giá là 1 bitcoin = 0,00076 USD, mứa giá được đặt ra, dựa theo số tiền điện mà máy tính cần để “đào” 1 bit. Đến tháng 10.2021, giá 1 bitcoin là 49.551USD, tức gấp 65.198.684 lần giá ban đầu và chắc chắn đây không phải là sồ tiền điện để đào được 1 bit.

Tạm thời bỏ qua việc Internet là khởi nguyên cho các giá trị mà hai ví dụ trên đề cập, hãy xem xét một khía cạnh làm nên “giá cả” của chúng, sự lan truyền.

Khi Peloton IPO, tài sản của nó không có giá là 1 tỷ USD, toàn bộ tiền mặt của nó không đến 500 triệu USD. Các chuyên gia, cùng những phân tích và số liệu của họ, đã định giá nó là 1 tỷ USD. Họ định giá và thông báo qua các chương trình truyền hình, các báo cáo tài chính và qua… Internet. Họ lan truyền rằng: “Peloton đang trên đà phát triển, nó sẽ còn tăng giá, hãy mua nó”. Và người dân tin điều đó, họ bỏ tiền ra cổ phiếu mua Peloton, nó đắt đến mức khiến công ty bùng nổ và vượt qua con số 1 tỷ USD.

Tương tự với Bitcoin, chính sự lan truyền về một loại tiền “tự do”, “phi chính phủ”, “tương lai của nền kinh tế”… đã đẩy mức giá của bitcoin đến mức khủng khiếp như vậy.

Chính Internet, cùng với sự vô hạn của nó, đã đẩy sự lan truyền đến một mức độ mới – không thể kiểm soát. Không một tổ chức truyền thông nào có thể cạnh tranh lại với Internet, bất cứ thông tin nào, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, đều cũng có thể cập nhật gần như lập tức. Không gì có thể giấu diếm trên Internet, nó xoá đi tất cả mọi rào cản, như ngày mà Bức tường Berlin sụp đổ.

Sự lan truyền vô hạn, xoá bỏ rào cản, không kiểm duyệt, ô nhiễm thông tin và…

Những mặt tối

Việc một thông tin được lan truyền quá nhanh trên Internet, đôi khi không phải lúc nào cũng là một điều tốt. Nó có thể trở thành công cụ mà đối tượng lừa đảo sử dụng để “săn mồi”. Cộng với sự lan truyền của nó đem lại, số lượng “con mồi” sa lưới không phải là ít.

Điển hình như, cuối tháng 5, Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm lợi dụng không gian mạng kinh doanh ngoại hối (Forex) trái phép, trong đó có nhóm Lion Group và sàn giao dịch ngoại hối trái phép FXTradingmarkets. Các đối tượng này có thể đánh sập hệ thống, hạ giá đồng tiền kỹ thuật FXT Token để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Theo lời quảng cáo của nhóm Lion Group, chỉ cần bỏ ra tối thiểu là 1.000 USD, sau đó "ngồi chơi xơi nước" cũng hưởng lãi "khủng" lên tới 1%/ngày. Giao dịch đã có Ban chuyên gia của Sàn FX Trading Markets làm hộ, với cam kết chỉ có thắng, không bao giờ có ai bị lỗ. Mức lãi suất cao đến khó tin, nhưng đến nay, ít nhất gần 60.000 người tại Việt Nam tham gia và bỏ tiền vào Lion Group để đầu tư Forex. Ước chừng số tiền mà các nhà đầu tư đổ vào 2 sàn này cũng lên tới vài ngàn tỷ đồng. Bởi họ ham lãi suất cao khi các sàn này quảng cáo chi trả tới 25-40 %/tháng.

Sau khi dừng hoạt động, nhóm Lion Group của sàn FX Trading Markets không cho nhà đầu tư rút tiền, mà yêu cầu phải đưa đồng tiền ảo FXT lên sàn để tự thanh khoản. Nhưng sau khi lên sàn, đồng tiền ảo FXT này lại rớt giá một cách thảm hại, làm nhà đầu tư mất đến 95- 99% tài sản. Có nghĩa là ngày trước đầu tư 1 tỷ đồng thì nay rút ra chỉ được vài triệu đồng, thậm chí bán còn không có người mua.

Một ví dụ khác, theo Công an tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương nhận được nhiều đơn tố cáo liên quan đến việc lừa đảo của các trang website “kiếm tiền online” như http://app.goldfingeronline.com...

Nhiều bị hại đã bị dụ dỗ, truy cập vào các trang web kiếm tiền qua mạng với lợi nhuận cao để rồi tiền kiếm về chưa thấy, chỉ thấy “tiền mất, tật mang”. Với những lời quảng cáo hấp dẫn rằng chỉ cần bỏ vài phút mỗi ngày xem, like video trên mạng là tiền tự chảy về túi, thực hiện nhiệm vụ theo ngày để hưởng tiền thưởng... nhiều người đã tự đưa chân vào những chiếc bẫy tinh vi được những kẻ trục lợi giăng sẵn trên mạng.

Không ít nhà đầu tư Lion Group rơi vào cảnh mất trắng số tiền bỏ ra, đã làm đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng

Sau khi lấy được lòng tin của người tham gia, những đối tượng đứng sau các trang web mở bán các gói “VIP” với trị giá cao và yêu cầu người tham gia phải mua các gói này mới rút được tiền. Một số trang web còn dụ dỗ các thành viên mời người thân, bạn bè cùng tham gia để được nhận chiết khấu theo hình thức đa cấp. Tuy nhiên, sau khi người tham gia nạp tiền vào các dịch vụ trên trang web hoặc chuyển khoản vào số tài khoản được chỉ định thì không liên lạc được với nhóm đại lý của trang web, cũng không thể truy cập vào các trang web trên, dẫn đến chủ tài khoản bị mất tiền.

Ngoài ra, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là chiếm đoạt tài khoản (hack) của những người dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản. Có trường hợp, các đối tượng hack các tài khoản Facebook, Zalo của người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài rồi giả danh chủ tài khoản nhắn tin về cho người thân, nhờ chuyển khoản gấp...

Một số đối tượng người nước ngoài sử dụng thủ đoạn tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, gắn mác là người giàu có, thành đạt và muốn làm quen, gửi tiền, quà tặng giúp đỡ những người Việt Nam đang gặp khó khăn hoặc hứa hẹn yêu đương với bị hại để họ tin tưởng. Sau khi khai thác được thông tin, nhóm này sẽ gửi cho nhóm thứ hai là các đối tượng người Việt Nam đóng giả là nhân viên của đơn vị vận chuyển, sử dụng sim rác gọi xác nhận đã được nhận quà, hàng hóa, yêu cầu bị hại nộp các loại phí, sau đó cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt tiền của bị hại...

Cần phải làm gì?

Nhìn chung, các đối tượng tội phạm lừa đảo thời công nghệ 4.0 đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân. Trong tương lai, các hoạt động lừa đảo qua Internet sẽ trở nên ngày càng tinh vi hơn, một phần là do đời sống nhân dân được nâng cao, sự phổ cập của điện thoại thông minh, các ví điện tử xuất hiện ngày càng nhiều. Để có thể hạn chế và ngăn ngừa được các loại tội phạm trên, tối thiểu là không để xảy ra trong cán bộ, đảng viên, cần làm tốt các mặt sau đây.

Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên; Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, phổ biến các loại hình lừa đảo qua mạng cho cán bộ, đảng viên nắm, nhất là các đường dây, tổ chức đã triệt xoá trong thời gian gần đây.

Đưa ra thực tế vi phạm và những điều đảng viên không được làm. Cán bộ đảng viên cần làm tốt công tác tuyên truyền đối với người thân, quần chúng nhân dân; phổ cập các thông tin về các loại hình tấn công, lừa đảo qua mạng và cách thức phòng chống.

Tóm lại, các loại hình tấn công, lừa đảo qua mạng này đều sẽ thất bại một khi người dùng biết suy nghĩ thấu đáo, có sự tìm hiểu cũng như kìm nén lòng tham của mình.

Vì suy cho cùng, Internet là một viên nam châm, nhưng nó hút tiền của ai và trả cho ai thì thật khó nói.

Thành Nam

 

 

Tin cùng chuyên mục