Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cách ly toàn xã hội 15 ngày:
Không lo thiếu lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu
Thứ tư: 15:39 ngày 01/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Báo Tây Ninh đã trao đổi với đại diện nhiều doanh nghiệp lớn là các nhà phân phối, cung ứng hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm có uy tín ở địa phương và trong nước. Tất cả doanh nghiệp này đều khẳng định: không có chuyện thiếu hàng hoá, lương thực, thực phẩm trong những ngày tới.

Người dân mua hàng hoá, thực phẩm tại Co.opMart Tây Ninh.

Trước chủ trương cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020 trên phạm vi toàn quốc, nhiều người dân lo sợ thiếu lương thực, thực phẩm nên tranh thủ đi mua hàng về dự trữ.

Một bộ phận khác không đi mua hàng nhưng tâm trạng bất an, không biết trong những ngày tới liệu có khan hiếm lương thực, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu khác hay không.

Về vấn đề này, Báo Tây Ninh đã trao đổi với đại diện nhiều doanh nghiệp lớn là các nhà phân phối, cung ứng hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm có uy tín ở địa phương và trong nước. Tất cả doanh nghiệp này đều khẳng định: không có chuyện thiếu hàng hoá, lương thực, thực phẩm trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh và Co.opMart SCA Tây Ninh cho biết, chiều 31.3, sau khi có thông tin cách ly toàn xã hội, nhiều người dân “lo xa” đã đến hai siêu thị trên (tọa lạc trên địa bàn phường 2 và phường 3, thành phố Tây Ninh) tiếp tục mua hàng dự trữ.

“Tôi cho rằng người dân không cần thiết phải đổ xô đi mua hàng hoá như vậy. Giả dụ như Tây Ninh bị cách ly hoàn toàn với các địa phương khác thì chỉ riêng hệ thống Co.opMart vẫn có đủ hàng hoá cung ứng cho nhu cầu thiết yếu của người dân trong hơn 10 ngày.

Hơn nữa, phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm vẫn được phép vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nên không phải lo thiếu. Tôi chỉ lo là nhiều người mua quá nhiều hàng hoá về dùng không hết đến khi hết hạn sử dụng phải bỏ đi thì lãng phí!” - ông Bảo nói.

Hệ thống Co.opMart trên địa bàn tỉnh đã tăng cường lực lượng nhân viên giao hàng hoá đến tận nhà cho khách đặt mua hàng hoá qua điện thoại.

“Khi lượng khách đến siêu thị giảm vì hạn chế tập trung chỗ đông người nhằm phòng, chống dịch Covid-19 thì lượng khách mua hàng qua điện thoại tăng. Do đó, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã chủ động xây dựng một đội ngũ nhân viên giao hàng đủ để phục vụ nhu cầu của khách hàng” - ông Bảo cho biết thêm.

Trong khi đó, bà Lê Minh Trúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thương mại công nghệ vận tải Hùng Duy khẳng định: “Lượng hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm được công ty dự trữ để phục vụ nhu cầu của người dân trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19 lên đến 120 tỷ đồng.

Lượng hàng hoá này đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân trong tỉnh không chỉ trong 15 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội mà đến một tháng rưỡi. Do đó, người dân không phải hoang mang, lo lắng thiếu hàng hoá trong những ngày tới. Công ty chúng tôi cũng cam kết bán hàng với mức giá như trước khi có dịch, không tăng giá bất cứ mặt hàng nào”.

Cũng theo bà Trúc, để chủ động cung ứng hàng hoá cho thị trường trong tỉnh trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty Hùng Duy đã “tách” hàng hoá ra làm hai nơi thay vì lưu kho tập trung một chỗ như khi chưa có dịch Covid-19.

“Như vậy, phòng khi nhân sự của chúng tôi có sự cố liên quan đến dịch bệnh, công ty sẽ không bị động trong việc đưa hàng hoá thiết yếu ra thị trường. Mặt khác, chúng tôi cũng lập đội phân phối hàng hoá dự phòng trong trường hợp đội ngũ nhân viên chính thức có vấn đề về sức khoẻ”, bà Trúc chia sẻ.

Đại diện truyền thông của Tập đoàn Masan (chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+) cho biết, hệ thống VinMart, VinMart+ bảo đảm cung cấp đầy đủ các hàng hoá thiết yếu và nhu yếu phẩm (gạo, thịt, mì tôm, thực phẩm chế biến, hàng đông lạnh…) với giá cả bình ổn đến tay người tiêu dùng.

Công ty đã lên kế hoạch cung ứng hàng hoá đến quý II/2020, bảo đảm đủ nguồn cung. Masan cũng đã chủ động xây dựng kịch bản phòng, chống dịch tại hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+, đồng thời thiết lập không gian mua bán an toàn.

Hiện Tập đoàn Masan đã tăng công suất sản xuất tối đa để bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân như mì tôm, thịt heo, các sản phẩm từ thịt…

Về nguồn hàng thịt heo, thời gian tới, tập đoàn sẽ mở rộng quy mô và tăng đàn mạnh nhằm bảo đảm nguồn cung và hạ giá thành sản phẩm.

Còn theo đại diện truyền thông của chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh (BHX) trên địa bàn tỉnh, cửa hàng BHX vẫn đang triển khai kế hoạch bảo đảm nguồn hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, bán hàng không đúng giá trong hệ thống, bảo đảm không tăng giá.

Vì vậy, cửa hàng vẫn bảo đảm nguồn cung khi thực hiện cách ly toàn xã hội đến 15.4, người dân không phải lo thiếu hàng hoá tiêu dùng. Hệ thống cửa hàng BHX chưa triển khai việc giao hàng tận nhà tại Tây Ninh.

Tuy nhiên, nếu trường hợp xảy ra dịch bệnh, khách có thể đặt hàng tại các cửa hàng BHX, nhân viên cửa hàng sẽ hỗ trợ giao hàng cho khách.

Hoàng Thi-Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục