Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không lo thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh
Thứ tư: 07:55 ngày 20/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đáp ứng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vay tiêu dùng đầu năm 2024, một số ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng lãi suất thấp, gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Công nhân làm việc tại một công ty chế biến hạt điều trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Để tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả, cũng như tăng năng lực hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp, trong năm 2024, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, gói tín dụng ưu đãi… đồng thời thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để gỡ khó kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh.

Chủ động nguồn vốn ưu đãi

Đáp ứng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vay tiêu dùng đầu năm 2024, một số ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng lãi suất thấp, gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2024, Nam A Bank triển khai chương trình ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp với hạn mức chương trình là 3.000 tỷ đồng. Chương trình được áp dụng cho đối tượng là khách hàng hiện hữu đã hoặc đang sử dụng sản phẩm và có nhu cầu sử dụng sản phẩm vay tại Nam A Bank. Thời gian triển khai từ ngày 4.3 đến ngày 30.6.2024. Theo đó, ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay cố định 6% trong 6 tháng đầu tiên, từ tháng thứ 7 trở đi, ngân hàng sẽ áp dụng biểu lãi suất hiện hành.

Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cũng đang có gói ưu đãi lên đến 300.000 tỷ đồng, lãi suất đặc biệt ưu đãi, chỉ từ 5%/năm đối với VNĐ. Thời gian thực hiện từ nay đến hết tháng 4.2024. Mức lãi suất vay cạnh tranh này được ưu tiên áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay, khách hàng doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận mức lãi suất ưu đãi ngắn hạn thấp hơn lãi suất vay thông thường đến 2%/năm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) để bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh. Chương trình ưu đãi hướng đến các doanh nghiệp có phương án, hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vốn vay ngắn hạn. Từ đầu năm, ngân hàng này đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất vay thấp hơn từ 2,5%- 3%/năm so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng.

Trong năm 2024, Ngân hàng Sacombank triển khai chương trình ưu đãi khách hàng doanh nghiệp với mục đích bổ sung vốn kinh doanh, với hạn mức 40.000 tỷ đồng, ngân hàng áp dụng lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp từ 3% - 6%/năm, tuỳ theo thời hạn nhận nợ khách hàng dựa vào vòng quay vốn của doanh nghiệp.

Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Lãi suất có xu hướng giảm

Dự báo năm 2024 đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế, muốn tăng tín dụng phải phụ thuộc vào các yếu tố như lãi suất. Vì vậy, hiện nay, lãi suất đã giảm, thấp hơn trước dịch bệnh nhiều. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để tín dụng có thể sẽ tăng mạnh trở lại.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NNNN) chi nhánh Tây Ninh, lãi suất cho vay của các TCTD trên địa bàn đến cuối năm 2023 đã giảm khá mạnh so đầu năm (giảm khoảng 2%-3%) theo xu hướng chung của cả nước, trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa tại NHTM là 4%/năm và tại các quỹ tín dụng nhân dân là 5% năm; lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 8% - 9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 10% - 11%/năm.

Bên cạnh việc giảm lãi suất hoạt động theo thị trường và định hướng của NHNN Việt Nam, trong năm 2023 các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chương trình giảm lãi suất cho các cá nhân, doanh nghiệp với số tiền lãi đã giảm là 118 tỷ đồng.

Trong năm 2023 nhiều NHTM đã có các chương trình, gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1% - 3%/năm cho từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng.

Riêng trong quý I.2024, NHNN chi nhánh tỉnh Tây Ninh tiếp tục triển khai quán triệt và chỉ đạo thực hiện đúng định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 của NHNN Việt Nam.

Kết quả ước đến cuối quý I.2024, vốn huy động đạt 66.700 tỷ đồng, tăng 0,5% so đầu năm; tổng dư nợ đạt 100.300 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm; nợ xấu chiếm 1% tổng dư nợ (dư nợ đến cuối tháng 2.2024 tăng 0,3%, cả nước giảm trên 1%).

Về lãi suất trong quý I.2024 tiếp tục xu hướng giảm so đầu năm. Đối với lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 2,5% - 3%/năm; có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 4% - 4,4%/năm; lãi suất có kỳ hạn trên 12 tháng là 4,6% - 5 %/năm. Lãi suất huy động giảm khoảng từ 0,5% - 0,9% so với đầu năm.

Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn trên lĩnh vực ưu tiên không thay đổi so đầu năm; lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 8,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9,8%/năm. Lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3% so với đầu năm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN Việt Nam khuyến khích, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện nhiều giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu và cho vay mới.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực tự động hoá các khâu để giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả hoạt động và cũng kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm thêm, để doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí vốn.

Khách hàng giao dịch tại Nam A Bank Tây Ninh.

Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

Ngay từ đầu năm, trên cơ sở nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, NHNN Việt Nam đã giao hết chỉ tiêu cho các NHTM, TCTD, để các đơn vị chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng vốn cho nền kinh tế.

NHNN chi nhánh Tây Ninh cho biết, trong năm 2024, các NHTM, TCTD thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ưu tiên. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Các đơn vị triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hoá và rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng để đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý đề nghị của khách hàng…

Bên cạnh các giải pháp trên, các NHTM, TCTD cũng luôn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để bảo đảm an toàn hoạt động và phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời tập trung cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Các đơn vị cũng đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh lâm sản, thuỷ sản…

Riêng NHNN chi nhánh Tây Ninh, sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách ưu đãi vốn cho sản xuất, kinh doanh; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 15% trong năm 2024.

Theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với việc trả nợ của khách hàng vay vốn Ngân hàng, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02.2023/TT-NHNN ngày 23.5.2023 quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Theo đó, khi khách hàng đề nghị và được TCTD đánh giá khách hàng đủ điều kiện, không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng đã thoả thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ theo hợp đồng thoả thuận và được đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại thì được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, thời gian thực hiện đến 30.6.2024. Hiện nay, NHNN đang xem xét, đánh giá để quyết định kéo dài thời gian thực hiện.

Như vậy, khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, TCTD thẩm định lại doanh thu, thu nhập làm cơ sở xác định lại kế hoạch trả nợ để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ (chỉ là chậm trả nợ theo kế hoạch đã thoả thuận). Trường hợp khách hàng không còn khả năng trả nợ thì không được TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và sẽ được TCTD xử lý nợ theo quy định.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục