Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nghị định 100 bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe không xuất trình được các giấy tờ xe.
Nghị định 100 bổ sung quy định giải quyết tranh cãi giữa lực lượng chức năng và người tham gia giao thông về việc không có hay không mang GPLX - Ảnh minh họa
Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về Báo Giao thông thắc mắc về lỗi không có, không mang giấy phép lái xe (GPLX) bị phạt bao nhiêu tiền? Không mang giấy tờ xe có bị coi là không có giấy tờ xe không? Thời gian để cung cấp giấy tờ xe là bao lâu?
Trả lời vấn đề này, Luật sư Dương Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX là một trong những loại giấy tờ mà người lái xe bắt buộc phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019 vừa được Chính phủ ban hành, tùy thuộc vào loại xe mà người này điều khiển là xe máy, xe mô tô, xe gắn máy hay xe ô tô, máy kéo hay loại xe nào khác thì người này sẽ bị xử phạt với lỗi không có GPLX với mức xử phạt cụ thể như sau:
Đối với xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô:
Điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100, đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mô tô không có GPLX thì sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng. Còn đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên mà không có GPLX phù hợp sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt từ 3 - 4 triệu đồng.
Đối với xe ô tô, xe máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô:
Đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy và các loại xe tương tự xe ô tô không có GPLX ô tô phù hợp với phương tiện đang điều khiển thì căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100, người này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 4 - 6 triệu đồng.
Ngoài việc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện không có GPLX khi tham gia giao thông, không đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008, người chủ phương tiện có hành vi giao xe hoặc để cho người không có GPLX phù hợp với loại xe tham gia giao thông đường bộ cũng bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 4, điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 100 với mức phạt tiền như sau:
Đối với phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô thì chủ phương tiện nếu là cá nhân bị phạt tiền từ 800.000 - 2 triệu đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt với mức từ 1,6 - 4 triệu đồng.
Đối với phương tiện là xe ô tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, chủ phương tiện nếu là cá nhân sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt từ 4 - 8 triệu đồng.
Mức xử phạt lỗi không mang theo GPLX
Điều 21 Nghị định 100, mức xử phạt đối với lỗi không mang theo GPLX khi tham gia giao thông đường bộ được xác định như sau:
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy không mang theo GPLX thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 100 với mức phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo GPLX thì căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 100, họ sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.
Không còn tranh cãi
Đề cập quy định trên, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, trong thực tiễn xảy ra tranh luận giữa lực lượng chức năng về không có GPLX hay có nhưng không mang. Nhằm tháo gỡ những vướng mắc này, khoản 3 Điều 82 Nghị định 100 đã bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được các giấy tờ theo quy định.
Cụ thể: Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định, xử lý như sau:
Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được) và tạm giữ phương tiện theo quy định;
Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ.
Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
Nguồn baogiaothong