Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Không nên chủ quan với bệnh dại
Thứ bảy: 08:31 ngày 01/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tính đến tháng 11.2018, toàn tỉnh có 4 ca tử vong do chó dại cắn, tăng gấp đôi so với năm 2017 (năm 2017 có 2 ca tử vong). Trong đó có 2 ca tại Dương Minh Châu, 1 ca ở Gò Dầu và 1 ca ở Tân Châu.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống bệnh dại cho người dân thông qua việc cấp tờ rơi truyền thông. Ảnh minh hoạ.

Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều ca tử vong vì bệnh dại nhất trong vài năm trở lại đây. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân tử vong do chủ quan, không tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn.

Sau khi phát hiện có ca tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế xã đến nhà hướng dẫn thân nhân bệnh nhân đi tiêm phòng dại, tẩy uế vật dụng, có kế hoạch xử lý đàn chó dại nhằm tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.

Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị, gần như gây tử vong 100% trên người khi mắc phải. Người bệnh dại tử vong chỉ sau vài ngày có triệu chứng đầu tiên. Điều duy nhất mọi người có thể làm để thoát khỏi bệnh dại chính là tiêm vắc xin phòng bệnh dại ngay sau khi có dấu hiệu bị động vật cắn, cào xước, liếm vào vết thương…

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, tính đến ngày 1.11.2018, toàn tỉnh có 7.036 ca bị chó, mèo cắn, giảm 2.509 ca so với cùng kỳ. Trong đó, huyện Tân Biên dẫn đầu với 844 ca, kế đến là huyện Dương Minh Châu 740 ca, Hòa Thành 692 ca, Tân Châu 595 ca, Châu Thành 204 ca. Các huyện còn lại không ghi nhận trường hợp nào.

Tháng 3.2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh ban hành Kế hoạch thành lập đội bắt chó thả rong năm 2018 với 5 thành viên, phối hợp lực lượng Công an và Thú y địa phương. Kết quả, đội đã thực hiện 23 chuyến bắt chó thả rông trên địa bàn tỉnh, bắt được 317 con chó thả rông.

Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính 259 trường hợp chó thả rông và không tiêm phòng vắc xin dại với tổng số tiền 50,8 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Mấy- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng ngàn trường hợp bị chó, mèo cắn. Có người bị chó nhà cắn, có người bị chó thả rông ngoài đường cắn. Nhìn chung, ý thức phòng ngừa bệnh dại của người dân còn kém, chưa tự giác tiêm ngừa dại cho chó, mèo và có biện pháp quản lý chó, mèo tại nhà.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đều tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống bệnh dại cho người dân thông qua tờ rơi và các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, có vẻ người dân vẫn còn hời hợt trước vấn đề này. Hiện trạng chó thả rong vẫn diễn ra ở khắp nơi trong tỉnh, nhiều nhất là khu vực nông thôn. Số chó, mèo được người nuôi quan tâm tiêm ngừa dại vẫn còn rất ít, chủ yếu ở các vật nuôi có giá trị cao, gia đình có điều kiện.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống bệnh dại còn tồn tại những có khó khăn như: chó được nuôi để giữ nhà hầu như không có chuồng nhốt, không rọ mõm, không xích, không được quan tâm tiêm ngừa dại… Khi chó thả rong bị bắt, chủ không nhận lại chó do lo sợ đóng phạt vi phạm hành chính.

Việc thống kê đàn chó tại địa phương còn nhiều khó khăn vì người nuôi chó không đăng ký tại chính quyền địa phương. Lực lượng thú y cơ sở mỏng trong khi địa bàn quản lý rộng và không có kinh phí hỗ trợ để thực hiện. Việc sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh dại vẫn còn, dẫn đến các trường hợp tử vong đáng tiếc ở người.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; chó nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; không cho trẻ nhỏ đến gần vật nuôi trong nhà…

Trường hợp người bị chó, mèo cắn, cào xước, không nên chủ quan điều trị tại nhà bằng phương pháp Đông y mà phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại kịp thời. Bên cạnh đó, người nhà không nên đập chết chó, mèo khi bị cắn mà phải theo dõi, thông báo để chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời.

Lê Thùy

Nhằm khống chế virus dại, không để xảy ra tử vong do bệnh dại và nâng cao hiệu quả công tác giám sát phòng, chống bệnh dại trên người, vật nuôi, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2644 về tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại năm 2018.

Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu giải pháp quản lý chó thả rông trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo và quản lý đàn chó; Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm khu dân cư có chó bị bệnh dại để xử lý vật nuôi chó, mèo trong vùng dịch, không để dịch bệnh lây lan; Truyền thông các biện pháp phòng bệnh dại tới người dân, đặc biệt tại các xã có ổ dịch dại, ca dại. Phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trong các hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, phòng chống bệnh dại…

Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện người bị phơi nhiễm với động vật nghi dại cắn, tư vấn tiêm phòng bệnh dại kịp thời tại các điểm tiêm chủng được cấp phép hoạt động. Đảm bảo vắc xin đủ để tiêm phòng cho nhân dân. Giám sát, tư vấn đảm bảo các ca phơi nhiễm được tiêm vắc xin/huyết thanh kháng dại đúng, đầy đủ và kịp thời. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát và xử lý ổ dịch dại…

Các sở, ngành liên quan như và UBND các huyện, thành phố, Sở Thông tin truyền thông, Sở Tài chính… phối hợp ngành Nông nghiệp, Y tế triển khai thực hiện nội dung Công văn theo quy định.

Thùy Anh

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh