Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không ngừng học tập để “chữa lành” bản thân
Thứ hai: 08:12 ngày 02/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có ước mơ đi du học từ khi còn ở độ tuổi mang khăn quàng đỏ, Lại Huỳnh Thanh Trúc luôn hứng thú với việc học tiếng Anh và xem các kênh truyền hình quốc tế về khám phá, du lịch.

Từ đó, Trúc quyết tâm thi vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Mười ngày trước kỳ thi tuyển, một biến cố xảy ra: người cha kính yêu của cô qua đời...

Từng bước đi tìm bản thân

Trước mất mát tinh thần quá lớn của Trúc, thầy cô, bạn bè đều lo lắng cô sẽ không thể nào thi nổi. Nhưng cuối cùng, cô vẫn đỗ vào lớp chuyên Anh K18. Cô gái sinh năm 1996 tiết lộ: “Do ba phải điều trị bệnh trong thời gian dài nên gia đình cũng chuẩn bị tâm lý trước. Ngày ba còn sống, tôi có nói với ba rằng con muốn thử sức thi IELTS, con muốn đi du học. Tôi luôn nỗ lực để tiến gần hơn tới ước mơ của mình”.

Chủ nhiệm Văn phòng Văn hoá và Kinh tế Đài Bắc tại TP. Hồ Chí Minh trao chứng nhận học bổng MOE cho Thanh Trúc.

Bạn bè của Trúc nhận xét cô nàng học hành rất nghiêm túc, chăm chỉ và giỏi đều các môn. Nhưng ở trường, Trúc lại khá rụt rè. Cũng vì vậy, khi học tiếng Anh, kỹ năng nói của cô có phần lép vế hơn so với các kỹ năng đọc, viết. Trúc trải lòng: “Mẹ tôi là giáo viên dạy cấp hai, lại phải để dành tiền chữa bệnh cho ba, nên lúc nhỏ tôi không có điều kiện học thêm nhiều hay mua sắm đồ đẹp như các bạn. Dần dần, tôi mang trong mình cảm giác tự ti, mặc cảm. Năm tôi thi học sinh giỏi quốc gia, lớp tôi đi 3 người thì 2 bạn kia có giải, chỉ mình tôi rớt nên tôi cũng nghi ngờ về năng lực của mình”.

Bước ngoặt cuộc đời Trúc xảy ra khi cô bạn đỗ vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ngành Quan hệ quốc tế. Tại đây, Trúc tiếp thu nhiều kiến thức kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Cô còn được đào tạo kỹ năng giao tiếp, cách đi đứng, ăn mặc… giúp bản thân tự tin hơn. “Trong lúc tôi học đại học thì mẹ tôi nghỉ hưu nên tôi kiếm việc làm thêm để đủ trang trải chi phí. Hơn nữa, tôi muốn tìm cho mình môi trường luyện tập nói tiếng Anh. Với vốn ngoại ngữ sẵn có, tôi làm những công việc như hỗ trợ học sinh giải đề thi đại học, phát thanh viên, trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh…” - Thanh Trúc cho hay.

Sau thời gian trau dồi thêm ngôn ngữ thứ hai, Trúc đạt IELTS 8.0 và được nhận làm thực tập sinh tại Lãnh sự quán Mỹ. Năm 2017, cô đậu học bổng UGRAD (học bổng trao đổi sinh viên toàn cầu trong một học kỳ, được cấp bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ). Đặt chân đến New York, Trúc hoàn thành học phần với số điểm GPA tuyệt đối 4.0/4.0 và được vinh danh vào danh sách những sinh viên xuất sắc.

Về Việt Nam, cô là một trong 60 gương mặt giành học bổng Amcham trị giá 12 triệu đồng (được cấp bởi Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp đại học với vị trí á khoa, Trúc trải qua nhiều công việc như: dịch tin, bài cho báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh; giáo viên dạy IELTS; chuyên viên đào tạo sản phẩm, kỹ năng mềm, tiếng Anh doanh nghiệp; diễn giả; dẫn chương trình…

Hành trình du học và chữa lành

Khoảng 2 năm trước, Thanh Trúc bị rối loạn giấc ngủ và có những biểu hiện tâm lý bất ổn. Cô cho biết: “Nhiều đêm tôi rất mệt nhưng không thể nào vào giấc được, có đêm thì giật mình tỉnh giấc liên tục. Trầm trọng hơn, tôi bị ảo giác, có những giấc ngủ chập chờn, không biết mình ngủ chưa, không phân biệt được chuyện vừa hiện lên trong đầu là thật hay mơ. Thậm chí tôi còn nghĩ đến việc tự tử. Bởi tôi cảm thấy quá mệt mỏi vì thiếu ngủ, có lẽ tự tử sẽ là cách “giải thoát” nhanh nhất. Tôi được chẩn đoán bị trầm cảm mức độ trung bình.

Khi đó, tôi và gia đình làm nhiều cách để cứu vãn tình hình. Tôi uống thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng phương pháp châm cứu. Lúc đầu thấy có chút hiệu quả, nhưng tôi lại sợ lâu dài thì mình bị phụ thuộc vào thuốc. Rồi tôi thử ngồi thiền, viết nhật ký, tâm sự với mấy người bạn thân, nói chuyện một mình trước gương…”.

Lại Huỳnh Thanh Trúc trên đất Mỹ.

Có thời điểm, Thanh Trúc tạm ngưng dùng mạng xã hội, thu mình lại để lắng nghe bản thân, tìm hiểu thêm những điều mới mẻ. Thế là ước mơ đi du học lại bừng lên trong đầu và cô mạnh dạn nộp hồ sơ xin học bổng du học bậc thạc sĩ. Mùa hè năm ngoái, Trúc chính thức giành học bổng du học toàn phần của chính phủ Đài Loan, ngành Digital Learning and Education (tạm dịch là Giáo dục kỹ thuật số), Trường đại học Khoa học và Công nghệ quốc gia Đài Loan.

“Nhiều người hay hỏi tôi rằng sao không đi Mỹ, Úc hay châu Âu mà lại chọn du học Đài Loan, nhưng với tôi, đó là sự lựa chọn phù hợp nhất. Lúc trước, tôi có đi du lịch Đài Loan và rất thích mọi thứ ở đây. Tôi đã tưởng tượng về những buổi sáng thức dậy trong ký túc xá, đạp xe đi mua bánh bao, sữa đậu rồi chạy vào lớp học.

Không khí, cảnh quan, con người và ẩm thực nơi đây đều rất tuyệt vời. Với lại, vé máy bay về Việt Nam cũng không quá đắt nên thỉnh thoảng tôi có thể về thăm mẹ. Thú thật, trước khi lên đường đi du học, tôi cũng có chút lo lắng về vấn đề trầm cảm của mình, nhưng từ khi sang đây, triệu chứng ảo giác và suy nghĩ tự tử hoàn toàn biến mất, dù giấc ngủ đôi khi vẫn không trọn vẹn. Không rõ bản thân đã được “chữa lành” hẳn chưa, nhưng tôi chắc chắn một điều là mình đang sống những ngày thật sự vui vẻ và ý nghĩa” - cô gái 28 tuổi chia sẻ.

Lại Huỳnh Thanh Trúc trong buổi chia sẻ, truyền cảm hứng cho các em học sinh ở Tây Ninh.

Quyết định đi du học không chỉ khiến Thanh Trúc thoả mãn nguyện vọng bấy lâu mà còn giúp cô tìm lại nguồn năng lượng tích cực. Cựu học sinh chuyên Anh đã viết trên Facebook cá nhân một loạt bài với chủ đề “Du học và chữa lành”, trong đó có những dòng này: “Đài Loan sẽ ôm bạn vào lòng, đút bạn một cái bánh hành phô mai kim chi, hỏi bạn có muốn uống sữa khoai môn trân châu nhuyễn không... Rồi dần dần, bạn lành lặn trở lại, bước từng bước vững vàng trên đôi chân của bạn, rồi bắt đầu chạy và chạy ngày một nhanh hơn”.

Nhớ lại khoảng thời gian bị trầm cảm, Trúc cho rằng: “Thực ra, tôi cũng không biết chính xác nguyên nhân do đâu. Mặc dù đang có công việc tốt với mức lương rất cao ở một công ty “kỳ lân” công nghệ quốc tế, nhưng hình như tôi vẫn thấy chưa đủ thử thách.

Đó là cảm giác mắc kẹt ở một nơi an toàn quá lâu, có những tiềm năng chưa được khai phá hết trong một con người nhiều tham vọng. Đặc biệt là có những giấc mơ mãi chẳng thấy thành hiện thực. Ví dụ như giấc mơ đi du học, bình thường thì tôi không nghĩ đến nó đâu, nhưng khi nghe kể về ai đó đi du học, tôi lại thấy ngưỡng mộ và cũng muốn được như vậy”.

“Tôi nghĩ, đối với một số người, tất nhiên trong đó có tôi, stress không đến từ khối lượng công việc lớn hay tính chất công việc khó khăn, áp lực, mà nó đến từ những việc mình biết là mình có thể làm được, nhưng mình trì hoãn không làm.

Tôi thích sự bận rộn trong guồng quay học tập, làm việc, rất ghét ngồi không. Khi rảnh, tôi phải tìm cái gì đó để làm hoặc tham gia các dự án cộng đồng, giúp đỡ mọi người, tôi thích trải nghiệm, học hỏi thêm những điều hay. Đợt dịch Covid-19, tôi tự học tiếng Trung và nhờ bạn bè chỉ dạy viết code Java cơ bản. Nhờ vậy, khi đi du học, tôi không quá bỡ ngỡ về mặt ngôn ngữ và có thể học tốt các môn lập trình” - Trúc nói thêm.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, cô nàng bộc bạch: “Tôi ước được đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng bây giờ tôi không còn lên kế hoạch trước hay đặt mục tiêu cụ thể 5-10 năm. Sau khi kết thúc chương trình cao học, tôi sẽ trở về Việt Nam. Tôi thích làm những việc liên quan đến giáo dục, tiếp xúc nhiều người. Hiện tại, tôi chưa có ý định học lên nữa, nhưng sẽ tìm một công việc nào đó mà mình được học hỏi không ngừng và có thể phát triển bản thân nhiều hơn”.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục