Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Không “phân cấp” công chức
Thứ hai: 08:34 ngày 31/03/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi thấy cán bộ, công chức ở xã làm việc rất căng vì “trăm dâu đổ đầu tằm”, chuyện gì cũng từ trên chuyển xuống cho xã, ấp trực tiếp làm, bất kể nặng nhẹ, giờ giấc.

- Bạn đọc thân mến ơi, trước giờ hễ mỗi lần gặp Bàn Dân thế nào ông cũng có chuyện gì đó để hỏi. Còn bữa cà phê sáng nay, ông lại có vẻ lặng lẽ, trầm tư vậy, không có gì để “tám” với Bàn Dân sao?

- Có chứ sao lại không, có nhiều nữa là khác. Tôi đang suy nghĩ xem nên hỏi ông chuyện gì trước đây. Thôi hỏi vầy nghen, gần đây tôi có nghe Đảng, Nhà nước ta đang tiến hành một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của cả nước.

Đó là chủ trương sáp nhập các tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã. Tôi theo dõi qua báo chí, truyền thông thấy có rất nhiều tin, bài tập trung vào đề tài đó.

Nhưng tôi xem kỹ thì thấy chủ yếu là đã và đang thực hiện ở Trung ương, chứ ở địa phương thì hầu như chưa có tỉnh, thành nào tiến hành sáp nhập; ở huyện, xã cũng vậy, chưa có địa phương nào “xoá sổ” hay sắp xếp lại, nhưng trên các mạng xã hội thì nghe bàn tán xôn xao lắm, vậy là sao hả ông?

- Ông cảm nhận không sai. Sở dĩ có tình hình đó là vì đối với việc sắp xếp, tinh gọn thật mạnh mẽ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị trên toàn quốc nên phải có lộ trình, bước đi cụ thể trên cơ sở phải đúng định hướng, có căn cứ pháp lý, theo trình tự với cách làm khoa học, bài bản đàng hoàng… Trong khi dư luận xã hội thì mỗi người suy diễn một kiểu, tuy chỉ là phỏng đoán thôi nhưng cũng dễ gây hoang mang cho nhiều người.

- Ông nói tôi nghe kịp, hiểu kịp rồi. Nhưng có một chuyện này, tôi thấy trên báo điện tử của Chính phủ có đăng Tờ trình của Bộ Nội vụ và dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Tôi đọc cũng kỹ, nhưng vì mình… “ít vốn” về pháp luật; vả lại mình chỉ là dân thường, chỉ biết lo làm ăn, kiếm sống nên không nắm được Luật Cán bộ, công chức hiện hành có những quy định như thế nào.

Sau đó thì tôi lại đọc được những bài khác của nhiều tờ báo đưa tin về dự thảo luật ấy, với những cái tựa xoáy vào nội dung “đề xuất không phân biệt cán bộ công chức cấp xã với cán bộ, công chức Trung ương, tỉnh”. Vậy là chẳng lẽ trước nay có sự phân biệt như thế sao ông? Tôi hổng biết thật nên mới hỏi, ông đừng cười tôi… quê, dốt nghen!

- Quả thật là có chuyện “phân biệt” ấy đấy ông ạ, nhưng chỉ là “mặc nhiên phân biệt” chứ trong các văn bản pháp luật không có chỗ nào nói rõ sự phân biệt ấy đâu.

- Ông trả lời như vậy tôi càng cảm thấy khó hiểu hơn nữa! Ông có thể nào nói thật rõ, thật dễ hiểu hơn không? Chứ còn nói “không có chỗ nào nói phân biệt” nhưng lại “mặc nhiên phân biệt” thì tôi… “bói” không ra rồi đa!    

- Có lẽ do ông ít có việc giao tiếp với “công chức các cấp” nên không biết đó thôi. Để Bàn Dân “giở luật” ra đọc cho ông nghe nhé.

Theo Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 hiện đang áp dụng ở nước ta, tại Điều 4 quy định về cán bộ, công chức như sau: “1- Cán bộ, công chức là công dân Việt Nam được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội ở trung ương ở tỉnh, ở thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh(sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. -2…”.

Nội dung khoản này, và ở cả khoản 2 đều xác định công dân làm việc ở cấp huyện, cấp tỉnh, ở Trung ương mới là cán bộ, công chức, nằm trong quy định về đối tượng được chi phối bởi Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

Còn đối với “cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách” ở xã thì không thuộc đối tượng quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 mà được quy định trong Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

-Ông có thể cho tôi biết luôn về vấn đề lương bổng của “hai cấp công chức” ấy không? Chắc đâu có giống nhau ông hả?

-Về việc này thì… Bàn Dân không nắm rõ lắm, chỉ biết chung chung là lương các cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã không được cao mấy đâu ông ơi!

-Vậy sao được ta, tôi thấy cán bộ, công chức ở xã làm việc rất căng vì “trăm dâu đổ đầu tằm”, chuyện gì cũng từ trên chuyển xuống cho xã, ấp trực tiếp làm, bất kể nặng nhẹ, giờ giấc. Sắp tới khi không còn cấp huyện, xã lại “nở nồi” ra gấp ba, gấp bốn lần, sao mà làm cho xiết hả ông?

-Bởi vậy mới có đề xuất sửa luật, không phân biệt công chức trung ương, cấp tỉnh, cấp xã gì nữa! Đồng thời cũng phải có chế độ đãi ngộ tương xứng với năng lực, trình độ, vị trí, việc làm nữa đó!

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh