Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bác sĩ ghép thận nhiều nhất Việt Nam:
Không quên mảnh đất Tây Ninh quê nhà
Thứ bảy: 05:47 ngày 25/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều người biết giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh là một người thầy trong ngành Y nhưng ít ai biết ông là một người con Tây Ninh luôn có tinh thần trách nhiệm đối với ngành Y tế tỉnh nhà.

GS. TS. BS Trần Ngọc Sinh thăm bệnh nhân sau ca phẫu thuật.

Hơn 6 tháng qua, các cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất phấn khởi vì có được sự hỗ trợ hết mình của một bậc thầy nổi tiếng trong giới y học Việt Nam- giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh (gọi tắt là bác sĩ Trần Ngọc Sinh).

Ông được biết đến là một chuyên gia thận niệu hàng đầu trong nước và cả quốc tế. Hiện tại, bác sĩ Trần Ngọc Sinh đang giữ kỷ lục “Bác sĩ ghép thận nhiều nhất Việt Nam”. Mới đây, tại Hội nghị Khoa học ghép tạng Việt Nam năm 2017, ông tiếp tục được vinh danh với hai kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực ghép thận.

Bác sĩ Trần Ngọc Sinh sinh năm 1953, hiện là Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TP. Hồ Chí Minh, trưởng bộ môn Tiết niệu học Trường đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy (kiêm nhiệm công việc giảng dạy).

Tính đến nay, bác sĩ Sinh đã có gần 40 năm gắn bó với y học, đã góp sức đào tạo hàng ngàn học sinh khoa Tiết niệu học của Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh công tác giảng dạy, ông còn cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu y học về thận niệu, nâng cao hiệu quả điều trị căn bệnh này.

Ông cũng là người sáng lập ra khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy, mang đến niềm hy vọng cho những người bệnh suy thận mãn. Hiện tại, ông đảm nhiệm công việc chính là giảng viên tại Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và công tác trong Hội Niệu - Thận học TP. Hồ Chí Minh.

Nhắc đến giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh, giới y học Việt Nam không ai là không biết. Mọi người đều dành cho ông sự kính trọng nhất có thể. Không chỉ là người đứng đầu trong một lĩnh vực chuyên khoa ngành Y cả nước, ông còn là người thầy chuẩn mực trong giao tiếp với tất cả mọi người, đặc biệt là với các bệnh nhân của mình. Sự thân thiện trong cách nói, cách quan tâm người bệnh ở ông đã khắc hoạ nên hình ảnh người thầy tràn đầy y đức trong lòng những người đã từng tiếp xúc với ông.

Nhiều người biết giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh là một người thầy trong ngành Y nhưng ít ai biết ông là một người con Tây Ninh luôn có tinh thần trách nhiệm đối với ngành Y tế tỉnh nhà. Ông vốn là người xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Tuổi thơ ông gắn liền với mảnh đất quê hương Tây Ninh nhiều nắng gió.

Hiện tại, tuy sống ở TP. Hồ Chí Minh nhưng bác sĩ Sinh vẫn thường xuyên về thăm quê vào những dịp đặc biệt trong năm. Trong thời gian công tác tại TP. Hồ Chí Minh, ông luôn ấp ủ ý định giúp sức cho ngành Y tế ở quê mình. Nguyện vọng này của ông đã được chia sẻ trong một lần họp mặt cán bộ Hội Đồng hương Tây Ninh tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2017, ông chính thức thực hiện mong muốn của mình. Kể từ tháng 4, cứ vào ngày thứ sáu hằng tuần, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh lại từ TP. Hồ Chí Minh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh (Bệnh viện ĐKTN) để thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho các trường hợp bệnh có liên quan khoa Tiết niệu.

Ông còn trực tiếp thực hiện nhiều ca phẫu thuật quan trọng về niệu thận tại đây, đồng thời hỗ trợ tích cực về kỹ thuật cho các y, bác sĩ khoa Tiết niệu của bệnh viện, qua đó góp phần nâng cao uy tín, chất lượng điều trị ở khoa Tiết niệu Bệnh viện ĐKTN trong thời gian qua.

Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKTN cho biết, sự có mặt, hỗ trợ của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh là một niềm vinh dự, may mắn cho cán bộ, nhân viên của Bệnh viện. Đáng quý hơn, sự hỗ trợ ấy là hoàn toàn miễn phí, phía bệnh viện chỉ cần cho xe đưa rước giáo sư hằng tuần. Không chỉ tham gia khám chữa bệnh, bác sĩ Sinh còn thường xuyên có bài giảng nhằm nâng cao kiến thức cho các y, bác sĩ hoặc tư vấn cho Ban Giám đốc Bệnh viện ĐKTN trong vấn đề đầu tư các thiết bị y tế để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Việc giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh về Bệnh viện ĐKTN công tác được Bệnh viện thông báo công khai để các bệnh nhân có nhu cầu được biết mà đăng ký khám bệnh. Việc này giúp nhiều người bệnh tiết kiệm được chi phí do điều trị ngay tại tỉnh nhà.

Ở Bệnh viện ĐKTN, ngoài các ca bệnh liên quan đến tiết niệu, bác sĩ Trần Ngọc Sinh còn hỗ trợ Bệnh viện thực hiện nhiều ca phẫu thuật có liên quan đến niệu phụ khoa- một ngành học hãy còn mới mẻ. Sau 6 tháng đến hỗ trợ Bệnh viện ĐKTN, bác sĩ Trần Ngọc Sinh nhận định, bệnh viện có kỹ thuật gây mê tốt và lực lượng sản khoa mạnh. Các ca phẫu thuật đại phẫu hay siêu phẫu đều có thể thực hiện tại bệnh viện này.

Ông cũng cho biết, bệnh viện ĐKTN hoàn toàn có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và ở lĩnh vực này, ông sẽ tích cực hỗ trợ cho các y, bác sĩ của bệnh viện trong thời gian tới. Điều khiến ông băn khoăn nhất đối với nơi này chính là việc thiếu nguồn nhân lực kế thừa. Giáo sư khẳng định: “Đây cũng chính là yếu tố quyết định tương lai của ngành Y tế tỉnh nhà. Làm cách nào để thu hút những người gốc Tây Ninh về quê làm việc sau khi tốt nghiệp là một bài toán khó- không chỉ riêng với ngành Y tế mà còn với tất cả các ngành nghề khác”.

Tôi được gặp giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh khi ông vừa kết thúc ca phẫu thuật nội soi kéo dài 5 tiếng đồng hồ tại Bệnh viện ĐKTN. Đây là một ca bệnh khó, người bệnh là bà Bùi Thị Nhung, 69 tuổi, bị sa sàn chậu.

Thông thường, những ca bệnh khó như thế sẽ được chuyển đi tuyến trên để phẫu thuật, nhưng nhờ có bác sĩ Sinh, ca này được thực hiện tại chỗ. Ca phẫu thuật vừa kết thúc, chị Nguyễn Thị Trâm- con gái của bà Nhung vui mừng, xúc động đến cảm ơn bác sĩ Sinh rối rít.

Đáp lại, vị giáo sư, bác sĩ ân cần hỏi thăm về tình trạng của người bệnh trước đó và động viên chị an tâm vì ca phẫu thuật đã thành công. Cuộc trò chuyện giữa tôi và vị bác sĩ khả kính khá ngắn ngủi vì ông còn phải lên đường trở về TP. Hồ Chí Minh.

Ông đi rồi, trong tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh về một người thầy thuốc đáng kính đã không quản ngại gian khó, không chút suy tính thiệt hơn chỉ vì mong muốn được tiếp sức cho ngành Y tế tỉnh nhà, cũng là vì mong muốn được cống hiến sức lực, tài năng đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội. Và tôi nghĩ đó chính là y đức.

Lê Thuỳ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục