Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không tăng trưởng bằng mọi giá
Thứ tư: 17:46 ngày 28/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại Diễn đàn kinh tế VN 2017 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 27-6, nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng không nên khai thác tài nguyên để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, bởi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Chương trình kinh tế Fulbright tại Việt Nam - Ảnh: N.Khánh

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng nếu năm 2017 cũng không đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% như mục tiêu mà Chính phủ đề ra, VN sẽ đối diện nhiều nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Không khai thác tài nguyên để đạt tăng trưởng

Theo TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình kinh tế Fulbright, VN rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Chính phủ đặt ra, mà chỉ có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6,4- 6,5%. “Với quý 1 chỉ đạt mức tăng trưởng 5,1%, 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7% để đảm bảo tăng trưởng cả năm đạt mục tiêu đưa ra là điều không thể”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng trưởng dưới mức dự báo chính là do rào cản về thể chế và việc tái cấu trúc nền kinh tế còn chậm trễ.

Trong khi đó, theo PGS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, một số giải pháp ngắn hạn đã được đưa ra như thúc đẩy sự phát triển của khu vực công nghiệp thông qua tăng cường khai thác dầu thô (1 triệu tấn), than (2 triệu tấn), xuất khẩu khoáng sản tồn kho, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công... có rất nhiều rủi ro, phát triển không bền vững.

Theo ông Sơn, việc khai thác thêm dầu, than và xuất khẩu thêm khoáng sản tồn kho sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ cho doanh nghiệp, một khi giá của các mặt hàng này trên thị trường thế giới có những biến động bất lợi.

Điều này cũng chứng tỏ tăng trưởng của VN vẫn phải phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên hay nguồn lực không tái tạo được với giá trị gia tăng thấp và với nhiều 
nguy cơ tác động tiêu cực tới môi trường.

Ông Sơn cho rằng cần đưa ra các kịch bản về tăng trưởng kinh tế để đạt được kịch bản tốt nhất nhưng không phải bằng mọi giá, bởi tăng trưởng bền vững của nền kinh tế phụ thuộc vào những nhân tố mang tính dài hạn chứ không phải là những kích thích ngắn hạn.

“Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nếu không đi kèm với những biện pháp giám sát chặt chẽ về chất lượng sẽ dẫn tới tình trạng hiệu quả thấp và tăng nợ công trong tương lai. Đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho nông nghiệp sẽ có rủi ro về thị trường đầu ra, đặc biệt là xuất khẩu. Liệu có xảy ra tình trạng “giải cứu” đối với các sản phẩm nông nghiệp giống như việc giải cứu thịt lợn, dưa hấu...”, ông Sơn đặt vấn đề.


Đồ họa: Tấn Đạt

Cần cải thiện môi trường đầu tư

Cũng tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng để tăng trưởng 6,7% mà không cần khai thác thêm dầu, than, tài nguyên của đất nước, cần phải đẩy mạnh tăng trưởng ở các lĩnh vực khác.

“Nếu kích thích tiêu dùng tăng thêm 1%, chúng ta sẽ có thêm 37.000 tỉ đồng. Nếu khai thác tốt du lịch năm 2017 có thể tăng trưởng trên 30%, VN sẽ có thêm 7.000 - 8.000 tỉ đồng... như vậy sẽ tốt hơn là khai thác thêm dầu thô, than...”, ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 9 năm nay và có thể 1-2 lần trong năm 2018, cộng với các chính sách kinh tế mới của tân Tổng thống Donald Trump sẽ giúp đồng USD mạnh lên đáng kể, có tác động nhất định đến lãi suất và tỉ giá của nhiều loại ngoại tệ, trong đó có VND.

“Chúng tôi dự báo năm nay VND có thể mất giá từ 1-2%. Mức này có thể chấp nhận được trong bối cảnh USD tăng trở lại và tỉ giá các nước biến động nhiều”, ông Lực cho biết.

Để cải thiện tăng trưởng, theo ông Andy Ho - Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital, một trong những việc quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Không nên để tình trạng một doanh nghiệp nước ngoài mua một doanh nghiệp VN, rồi phải bê nguyên bộ máy từ nước ngoài đến VN để điều hành do nguồn nhân lực chất lượng cao của VN không đáp ứng được”.

Ông Andy Ho chia sẻ, đồng thời cho rằng nếu VN không đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là một khó khăn rất lớn. Ngoài ra, ông Andy Ho cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa tiến độ của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bởi hạ tầng tốt mới kéo được các doanh nghiệp FDI vào VN.

Trong khi đó, theo bà Tạ Thị Tuyết Châu - Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại VN, chính quy trình thủ tục rườm rà tại VN là rào cản lớn cho sự tăng trưởng. Chẳng hạn, để thành lập một doanh nghiệp ở VN đòi hỏi tối thiểu 10 quy trình, trong đó có nhiều quy trình trùng lắp, khiến cho môi trường kinh doanh ở VN kém hơn các nước.

“Vì thế, cần phải có cơ chế một cửa có thẩm quyền đưa ra quyết định đăng ký kinh doanh để giải quyết tất cả các nhu cầu của doanh nghiệp”, bà Châu đề nghị.

* TS Trần Du Lịch: Tỉ giá chịu áp lực nhưng không lớn


TS Trần Du Lịch - Ảnh: Tự Trung

Áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất USD lên tỉ giá trong nước là có nhưng vấn đề là áp lực đến mức độ nào? Theo tôi, tỉ giá từ nay đến cuối năm sẽ có điều chỉnh một chút nhưng cũng không tác động nhiều đến nền kinh tế, trái lại còn hài hòa giữa mục tiêu ổn định tỉ giá và kích thích xuất khẩu.

Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã tiên liệu được việc FED điều chỉnh lãi suất nên đã có sự chuẩn bị, biến động tỉ giá thời gian tới sẽ không vượt ngoài dự báo. 

Việc điều chỉnh tỉ giá sẽ có ảnh hưởng đến lãi suất VND nhưng không nhiều. Vấn đề nợ xấu mới ảnh hưởng lớn lên lãi suất VND, nhưng nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được thông qua và khi áp dụng vào thực tế sẽ gỡ được nút thắt bấy lâu nay, góp phần giảm áp lực lên lãi suất VND.

A.H. ghi

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục