Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
SAU TINH GIẢN NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG:
Không thể cắt giảm được nữa
Thứ tư: 19:40 ngày 08/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quyết định cắt giảm nội dung dạy và học được đưa ra cách nay chỉ vài ngày. Vấn đề đặt ra là, quyết định của Bộ GD&ĐT có bảo đảm được thời gian, tiến độ thực hiện chương trình: đồng thời, liệu có phải cắt giảm thêm một lần nữa hay không?

Sau khi đi học trở lại được 3 tuần kể từ hôm 2.3, học sinh THPT tiếp tục nghỉ học cho đến nay.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo gần như cùng lúc phải làm hai việc để bảo đảm thời gian năm học, gồm điều chỉnh thời gian kết thúc năm học và cắt giảm chương trình giáo dục phổ thông. Quyết định cắt giảm nội dung dạy và học được đưa ra cách nay chỉ vài ngày. Vấn đề đặt ra là, quyết định của Bộ GD&ĐT có bảo đảm được thời gian, tiến độ thực hiện chương trình: đồng thời, liệu có phải cắt giảm thêm một lần nữa hay không? Cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục Tây Ninh nhìn nhận như thế nào trước quyết định nêu trên?

CẮT TIẾP HAY KÉO DÀI SANG NĂM HỌC SAU?

Quyết định “tinh giản nội dung chương trình” của Bộ GD&ĐT được áp dụng cho tất cả các môn học ở bậc phổ thông. Bỏ bài nào, dạy bài nào, bài nào gộp lại với nhau đã được chi tiết hoá, cụ thể hoá và phổ biến rộng rãi. Theo ý kiến của hiệu trưởng một trường THPT thì việc cắt giảm được căn cứ vào từng môn học.

“Giáo viên phản ánh lại rằng, có những môn học đã thật sự giảm nhưng cũng có nhưng môn mức độ giảm không nhiều. Có môn học chỉ bỏ các bài “râu ria” còn toàn bộ các bài học có nội dung khó vẫn gần như còn giữ nguyên vẹn, mức độ tinh giản không nhiều. Theo nhận định của cá nhân tôi, nếu ngày 20.4, hoạt động dạy và học được khôi phục trở lại thì vẫn bảo đảm được nội dung bài học, chương trình và sách giáo khoa. Tuy nhiên, nếu qua ngày đó tình hình dịch vẫn diễn biến khó lường thì có thể Bộ sẽ tiếp tục phải cắt giảm chương trình”- vị hiệu trưởng nêu.

Nếu ngày 20.4, hoạt động dạy và học được tiếp tục, ngành Giáo dục có sự chuẩn bị tốt thì trong vòng 90 ngày- kể cả thứ 7 và chủ nhật, tức đến cuối tháng 7, toàn bộ chương trình học kỳ 2 sẽ được thực hiện trọn vẹn. Nhưng trong kế hoạch điều chỉnh, Bộ GD&ĐT quyết định ngày 15.7 tổng kết năm học, do đó, chưa thể khẳng định được điều gì (một giáo viên cấp THCS nêu ý kiến).

Vẫn theo ý kiến của vị hiệu trưởng, nếu tiếp tục phải nghỉ học thì cần tính đến một phương án khác, đó là cả người dạy và người học, đặc biệt học sinh cuối cấp phải tăng cường dạy - học qua mạng, không còn cách nào khác. “Trên phương diện chuyên môn, tôi cho rằng khó có thể cắt thêm nội dung bài học, vì liên quan đến kiến thức để học sinh thi THPT và xét tuyển đại học”- người này nhận định.

Tại đơn vị này, lãnh đạo trường chỉ đạo giáo viên bằng mọi cách, nỗ lực cao nhất để ưu tiên dạy những môn học có trong danh sách thi THPT và tuyển sinh đại học cho học sinh lớp 12. Đối với lớp 10, 11, nhà trường chỉ đạo trước mắt dạy 9 môn qua mạng. Bắt đầu từ tuần này, một số môn phụ như Công nghệ, Tin học cũng được đưa vào dạy online.

Ý kiến khác (cũng là hiệu trưởng một trường THPT) tán thành nhận định của người đồng cấp rằng, mặc dù Bộ đã tinh giản nhưng mức độ, khối lượng bài học được tinh giản chưa nhiều. “Hầu hết kiến thức cơ bản của các môn học vẫn được giữ gần như nguyên vẹn, đúng ra nên cắt giảm thêm”- ý kiến bình luận. “Tôi vừa xem đề thi mẫu do Bộ công bố, tôi cho rằng, đề thi vẫn còn nặng và khó, không đơn giản đâu”- vị hiệu trưởng nhìn nhận.

Ông cũng thẳng thắn cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị tập trung dạy trực tuyến cho học sinh, đặc biệt là lớp cuối cấp nhưng hiệu quả chưa được như trông đợi. “Chúng tôi vẫn dạy. Tuy nhiên, nếu ngày 20.4 hoạt động dạy và học được nối lại sau thời gian dài gián đoạn thì phải dành ra khoảng hai tháng để củng cố lại kiến thức cho học sinh”-  ý kiến này phân tích.

Cũng ở cấp THPT, một vị hiệu trưởng nói: “Chấp hành chỉ đạo của trên, chứ thật sự tình hình khó khăn. Bây giờ cũng chưa biết như thế nào”. Trong khi đó, một vị hiệu trưởng khác lại cho rằng, đối với học sinh lớp 12, nếu sau ngày 20.4 chưa thể đi học trở lại thì phải cắt tiếp nội dung của nhiều bài học. Dạy qua mạng hiệu quả không cao. “Có gia đình thậm chí còn chưa có internet”- vị hiệu trưởng lo lắng.

Nói về việc tinh giản nội dung chương trình ở cấp THCS, một vị phó trưởng phòng giáo dục nhận định, với những thông tin đã có, việc tinh giản ở cấp học này ở mức chấp nhận được. “Chúng tôi chỉ đạo giáo viên cố gắng dạy qua mạng nhưng thật lòng, kết quả thu được sẽ rất hạn chế. Ở nông thôn không phải gia đình nào, học sinh nào cũng có điều kiện học qua mạng. Nếu em nào thật sự có ý thức học tập thì nên học qua truyền hình có chất lượng hơn. Bởi vì phần lớn những bài giảng trên truyền hình được giáo viên chuẩn bị công phu, biên tập kỹ lưỡng, hình ảnh, âm thanh chuẩn hơn nhiều so với dạy qua mạng như zalo”- vị lãnh đạo nêu.

Cũng ở cấp học này, khi được hỏi liệu có tiếp tục cắt bớt nội dung, chương trình nữa hay không, một vị trưởng phòng cho biết, đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn rà soát cụ thể chương trình sau cắt giảm như thế nào.

“Nếu ngày 20.4 học sinh vẫn chưa thể đi học trở lại, tôi nghĩ phải tìm một giải pháp khác chứ không thể cắt bớt chương trình, nội dung bài học. Bởi vì, nếu tiếp tục cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh ở những năm học sau”- vị trưởng phòng nhận định. Giải pháp khác, theo ý kiến này, là chấp nhận kéo dài chương trình học kỳ 2 năm học này sang học kỳ 1 của năm học sau. Cứ như thế, học kỳ 2 của năm học sau sẽ phải dành một phần thời gian để thực hiện chương trình của học kỳ 1.

ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI HỌC SINH NHƯ THẾ NÀO?

Ngoài vấn đề cốt yếu nêu trên, một vấn đề khác đang được đặt ra lúc này là, việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh sẽ như thế nào. Hiện nay, việc đánh giá, xếp loại học sinh cấp THCS và THPT được thực hiện theo quy định tại Thông tư 58 ban hành năm 2011. Thông tư này quy định việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh, sử dụng kết quả đó để đánh giá mục tiêu giáo dục cũng như phục vụ cho nhiều mục đích khác.

Trước hết về mặt hạnh kiểm, Thông tư 58 hướng dẫn: “Đánh giá hạnh kiểm của học sinh căn cứ vào biểu hiện cụ thể về thái độ và hành vi đạo đức; ứng xử trong mối quan hệ với thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, với gia đình, bạn bè và quan hệ xã hội; ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập; kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể của lớp, của trường và của xã hội; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.

Kết quả nhận xét các biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung dạy học môn Giáo dục công dân quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, cấp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”. Kèm theo hướng dẫn là hàng loạt tiêu chí cụ thể để giáo viên đánh giá hạnh kiểm, đạo đức, thái độ của học sinh. Tương tự như vậy, Thông tư 58 hướng dẫn cụ thể về đánh giá, xếp loại học lực của học sinh.

Có ba căn cứ để đánh giá, xếp loại học lực của học sinh, gồm: mức độ hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; kết quả đạt được của các bài kiểm tra; học lực được xếp thành 5 loại là giỏi khá, trung bình, yếu và kém. Ngoài những môn học được đánh giá bằng điểm số, có một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục được đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập.

Vấn đề đặt ra lúc này là, để đánh giá, xếp loại học sinh thì có tiếp tục áp dụng Thông tư 58 làm công cụ hay không? Đây là một câu hỏi mới và thật sự nhiều người trong ngành cũng chưa quan tâm, chưa để ý đến vấn đề này. Một vị hiệu trưởng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 58 có lẽ không kịp. Trong tình hình hiện nay, nhà trường chỉ “vận dụng sao cho phù hợp”. Một vị hiệu trưởng khác thừa nhận, do đang chỉ đạo tập trung việc dạy học trực tuyến nên chưa nghĩ đến việc đánh giá, xếp loại học sinh sẽ thực hiện như thế nào.

Tuy vậy, ý kiến này cho rằng, phải tính đến việc xem xét thái độ, tinh thần tự học ở nhà của học sinh như thế nào, đó cũng là một kênh thông tin để làm cơ sở khi đánh giá, xếp loại cuối năm học. Trong khi đó, một giáo viên cấp THCS cho biết, trong số những nội dung tinh giản (không dạy) có cả một số bài kiểm tra định kỳ, tính hệ số 2. Không kiểm tra thì lấy điểm ở đâu để đánh giá học lực của học sinh?

Cần lưu ý, hiện nay, ngoài chương trình đại trà, có tính thống nhất, bậc học phổ thông còn hai chương trình khác, đó là chương trình theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) và chương trình Công nghệ giáo dục ở cấp tiểu học. Thông tư 58 áp dụng trong điều kiện hoạt động dạy và học bình thường. Nhưng năm học này, kế hoạch thời gian năm học, kế hoạch thực hiện chương trình, hình thức học… bị xáo trộn, gián đoạn trong thời gian rất dài.

Khâu kiểm tra, đánh giá trong giáo dục cũng chỉ có tính tương đối. Điều cần thiết, nên chăng Bộ GD&ĐT sớm có thông tin phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 58 không? Nếu không, cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục phải có văn bản hướng dẫn cụ thể thì nhà trường mới có cơ sở để đánh giá, xếp loại học sinh. Theo quy định, khi hoàn thành công đoạn kiểm tra, đánh giá hạnh kiểm và học lực, học sinh mới biết mình có được công nhận hoàn thành nhiệm vụ năm học hay không, có đủ điều kiện để xét tuyển, thi tuyển hay không.

Trong chương trình phổ thông hiện nay- nhất là cấp THCS và THPT, một số môn học được thiết kế theo nguyên tắc đồng tâm hai vòng. Có nghĩa, lớp dưới và lớp trên cùng học một kiến thức, một nội dung, một thể loại nhưng mức độ khó, dễ, cấp độ kiến thức khác nhau, năm sau khó hơn năm trước. Do vậy, nếu chương trình bị “cắt giảm sâu”, học sinh sẽ gặp nhiều thách thức ở những năm học tiếp theo.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục