Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ứng dụng thương mại điện tử:
Không thể chần chừ
Thứ bảy: 08:13 ngày 17/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tiềm năng của TMÐT Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, thị trường TMÐT ở Việt Nam chưa phát triển tương xứng. So với sự phát triển chung của thế giới về TMÐT, Việt Nam vẫn còn tụt hậu và còn nhiều bất cập.

Ảnh: AzerNews

Cùng với sự bùng nổ của internet, mạng xã hội cũng như trình độ dân trí ngày càng cao, bên cạnh các loại hình mua bán truyền thống, mua sắm trực tuyến cũng ngày càng phát triển. Thương mại điện tử (TMÐT) trở thành thị trường hữu hiệu của các doanh nghiệp.

Thị trường TMÐT Việt Nam đang có những bước tiến đáng khích lệ, mở ra tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp khai thác, còn người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn đối với sản phẩm hàng hoá phù hợp với giá cả phải chăng. Thế nhưng, sự phát triển nhanh chóng của các sàn TMÐT kéo theo nhiều vấn đề về chất lượng hàng hoá, dịch vụ, sự cạnh tranh của các thương hiệu nước ngoài… đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có những quy định, chính sách cụ thể bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thương mại điện tử: lợi ích chưa được khai thác đúng mức

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý Hiệp hội TMÐT - Cục TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), TMÐT là lĩnh vực hoạt động kinh tế phổ biến tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Ðối với người tiêu dùng, TMÐT có những ưu điểm như: tiết kiệm thời gian, nhiều lựa chọn về sản phẩm và dịch vụ, giao dịch thuận tiện… Còn đối với doanh nghiệp, việc áp dụng TMÐT trong hoạt động kinh doanh giúp họ dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hành, mở rộng thị trường, hạn chế chi phí tiếp thị, quảng bá, tiết kiệm thời gian đưa hàng hoá tới tay người tiêu dùng.

Hiện nay, internet thật sự đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đại đa số người dân. Trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là điện thoại thông minh (smartphone). Thông qua các kênh bán hàng là các sàn giao dịch TMÐT như Lazada, shopee, Sendo, Tiki… các doanh nghiệp có thể xác định đối tượng và từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận với những sản phẩm hàng hoá và dịch vụ cụ thể.

Theo ông Tuấn, TMÐT là một trong những kênh phân phối giúp các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nhiều khách hành hơn, với những nguồn lực sẵn có. TMÐT còn là kênh thông tin giúp khách hàng tìm hiểu về sản phẩm và đơn vị kinh doanh, có sự so sánh, đối chiếu trước khi đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của mình.

Chuyên gia kinh tế - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện Ðào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững cho biết, mặc dù Việt Nam được đánh giá là một nước có số người sử dụng mạng internet rất cao, nhưng đa phần người dân lại sử dụng vào mục đích chính là giải trí cá nhân, chưa thực sự quan tâm đến các sản phẩm hàng hoá bán trên mạng internet.

Bên cạnh đó, có rất nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến hình thức TMÐT (kinh doanh online), để mở rộng phạm vi và đối tượng khách hàng mà chỉ chú tâm vào các kênh phân phối sẵn có của mình. Trong khi đó, việc Việt Nam tham gia các hiệp ước thương mại thế giới đã mở ra cơ hội rất lớn cũng như áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Do đó, nếu chỉ áp dụng phương thức tiếp cận, kinh doanh và phân phối theo hình thức truyền thống sẽ làm hàng hoá của Việt Nam không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, với nguồn vốn dồi dào, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm cạnh tranh cao.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Bà Lý Ðàm Mai Loan, Giám đốc Công ty TNHH Loan Phát Huy (chủ nhãn hiệu yến sào cao cấp Yến Loan) cho biết, cùng với xu thế phát triển của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, công ty đã triển khai xây dựng website nhằm quảng bá thương hiệu. Song song với hình thức kinh doanh truyền thống, Công ty Loan Phát Huy đã tham gia các sàn TMÐT như Tiki, Shopee và các mạng xã hội Facebook, Zalo, tạo thành một kênh phân phối sản phẩm yến sào đến người tiêu dùng.

Theo bà Mai Loan, việc tham gia các sàn TMÐT giúp doanh nghiệp có thêm một kênh quảng bá thông tin hiệu quả đến người tiêu dùng, thông qua đó sản phẩm Yến Sào của công ty được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn. Cùng với việc tận dụng các chính sách bán hàng của các sàn TMÐT như miễn phí giao hàng, giao hàng nhanh… giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Phó Giám đốc Công ty TNHH đặc sản số 1 Tây Ninh cho rằng, TMÐT là một trong những xu hướng của nền thương mại tiên tiến, là doanh nghiệp mới trên thị trường chuyên phân phối các mặt hàng đặc sản của Tây Ninh, công ty luôn cố gắng tận dụng tối đa sự tiện lợi của mạng thông tin TMÐT để quảng bá sản phẩm, tiết kiệm chi phí nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường phân phối đặc sản Tây Ninh. Việc tìm hiểu và ứng dụng TMÐT vào hoạt động kinh doanh là rất quan trọng trong xu thế mới, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần máy móc thiết bị Ánh Dương, TMÐT là môi trường năng động, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu và tham gia tích cực vì trong thời gian tới, TMÐT sẽ là một yếu tố có tính quyết định sự thành công trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý Hiệp hội TMÐT - Cục TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nói về xu hướng TMÐT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Khó khăn và thách thức

Tiềm năng của TMÐT Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, thị trường TMÐT ở Việt Nam chưa phát triển tương xứng. So với sự phát triển chung của thế giới về TMÐT, Việt Nam vẫn còn tụt hậu và còn nhiều bất cập.

Theo chuyên gia kinh tế, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, thị trường TMÐT của Việt Nam mới chỉ ở trong giai đoạn sơ khai, khâu quản lý Nhà nước chưa thật sự chặt chẽ. Trong khi theo thống kê, mỗi năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Do đó, để sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến, hầu hết doanh nghiệp đều chọn hình thức đưa lên các trang mạng xã hội và các sàn TMÐT. Thế nhưng, do sự thiếu sự kiểm soát của một số trang mạng xã hội gây nên tình trạng hỗn loạn về thông tin và chất lượng sản phẩm, khiến người tiêu dùng băn khoăn, e ngại về chất lượng hàng hoá.

Ðứng ở góc độ một doanh nghiệp có sản phẩm tham gia sàn TMÐT, bà Lý Ðàm Mai Loan, Giám đốc Công ty TNHH Loan Phát Huy cho rằng, việc người tiêu dùng lo lắng về chất lượng các sản phẩm kinh doanh trực tuyến là hoàn toàn chính đáng. Do đó, để bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp khi tham gia thị trường TMÐT, công ty luôn có kèm theo các giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất sản phẩm, Công ty Loan Phát Huy luôn tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và những quy chuẩn về chất lượng hàng hoá do Bộ Công Thương ban hành.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng cho biết thêm, ngoài việc các cơ quan quản lý Nhà nước phải hoàn thiện các thể chế về quản lý TMÐT, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cần đồng hành với người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, xử lý doanh nghiệp cung cấp hàng hoá kém chất lượng. Ðồng thời, các kênh thông tin, tuyên truyền cần có sự phản ánh mạnh mẽ tới những thương hiệu cung cấp hàng hoá kém chất lượng lên các sàn TMÐT.

Minh Dương

 

TMÐT - nói một cách dễ hiểu chính là việc mua bán sản phẩm hay dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác. Các giao dịch này bao gồm các hoạt động như: giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng, chăm sóc khách hàng… Phương thức kinh doanh này có hiệu quả tích cực với nhiều ngành hàng, giúp các doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí quảng cáo, giao hàng, mở rộng thị trường kinh doanh.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp thông tin giới thiệu doanh nghiệp, chưa chú trọng đến quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tương tác với khách hàng. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp đã quen với kiểu kinh doanh truyền thống, chưa thấy rõ vai trò, lợi ích, hiệu quả kinh tế của TMÐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên còn dè dặt khi áp dụng.
Trên thực tế, TMÐT giúp các doanh nghiệp thu thập được nhiều thông tin về thị trường, khách hàng và đối tác kinh doanh. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ xây dựng được chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển của thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
VŨ NGUYỆT
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục