PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Không thể chần chừ thêm nữa!
Thứ sáu: 17:14 ngày 11/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công đang dốc toàn lực tháo gỡ điểm nghẽn để tăng tốc trong thời gian còn lại của năm 2024

Đặt mục tiêu năm nay giải ngân 95% trong tổng số hơn 79.200 tỉ đồng vốn đầu tư công được phân bổ nhưng tính đến ngày 30-9, TP HCM mới giải ngân được gần 16.000 tỉ đồng - chỉ đạt hơn 20% chỉ tiêu kế hoạch.

Nhận diện nguyên nhân

Mổ xẻ nguyên nhân chậm giải ngân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Trần Quang Lâm nêu rõ thành phố đang trong giai đoạn hoàn chỉnh việc rà soát, chuyển đổi, lập quy hoạch chung, do đó cần có những tính toán cho phù hợp với quy hoạch trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các dự án giao thông trọng điểm có vốn đầu tư công lớn thời gian qua gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng cũng làm ảnh thưởng đến tiến độ giải ngân.

Tại tỉnh Bình Dương, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), thừa nhận tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương đến nay chưa đạt kỳ vọng; lượng vốn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm. Nguyên nhân chủ yếu liên quan cơ chế, chính sách của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công; vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác phối hợp giữa các bên.

Trong khi đó, đến cuối tháng 8-2024, tỉnh Đồng Nai giải ngân được 7.200 tỉ đồng, tương đương 35%. Theo bản giao ước thi đua đầu năm, nhiều đơn vị của tỉnh cam kết giải ngân đến quý III đạt 60% kế hoạch song tới hết tháng 8, chỉ có 5 đơn vị giải ngân trên mức này.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân chậm là bởi khó khăn về bồi thường GPMB, trong khi nội dung này được bố trí đến 40% tổng vốn. Đơn cử, dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 mới giải ngân đạt chưa tới 20% nguồn vốn giao năm 2024 là hơn 3.200 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng tỉ lệ giải ngân vốn công cả nước 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng 47,3% là thấp hơn so với mức 51,3% của cùng kỳ năm ngoái. Theo ông, nguyên nhân là do có những bất cập, vướng mắc về thể chế, đất đai, vật liệu xây dựng và công tác chỉ đạo, điều hành.

"Về chuyện thiếu cát, đất đắp nền, dù Bộ GTVT đã cho phép thử nghiệm sử dụng cát biển thay thế, nỗ lực tìm thêm mỏ đất nhưng vẫn chưa thể đáp ứng tiến độ. Tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai dự án, giải ngân vốn đầu tư công" - ông Trần Quốc Phương nêu thêm.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết bộ đang trình Thủ tướng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024, theo hướng điều chuyển vốn từ những dự án không thực hiện được hoặc thực hiện chậm sang những dự án có nhu cầu và có tốc độ giải ngân tốt hơn. Trong đó, trọng tâm, trọng điểm là những dự án liên vùng, có tác động lan tỏa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, một trong những dự án trọng điểm quốc gia, vào cuối tháng 9-2024. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Chỉ rõ giải ngân vốn đầu tư công được sẽ giúp nâng các chỉ số phát triển khác, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành.

"Năm ngoái, TP HCM đã tổ chức kiểm điểm và các chủ đầu tư, sở, ban, ngành cam kết rất gắt gao về việc bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhắc lại, đồng thời đề nghị năm nay, các đơn vị tiếp tục quyết tâm thực hiện tinh thần đó. Ông Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, các đơn vị có thể báo cáo Chủ tịch UBND TP HCM, Bí thư Thành ủy bất cứ lúc nào.

Thẳng thắn nhìn nhận tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt hơn 20% là quá chậm, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư, sở, ban, ngành có kế hoạch đẩy nhanh giải ngân vào các tháng cuối năm. Người đứng đầu chính quyền TP HCM khẳng định đến hiện giờ, thành phố không có ý định điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân năm 2024, mà tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu.

"Đây được xem là một trong những nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị phải tập trung toàn lực để đạt kết quả cao nhất" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Ở cấp quận - huyện, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP HCM - cho hay trong các tháng còn lại của năm 2024, quận xác định giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để định hướng phát triển và thúc đẩy kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Quận 1 sẽ tiếp tục tập trung, quyết liệt và chủ động hơn trong công tác giải ngân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giám sát. Quận cũng đã chỉ đạo ban quản lý dự án lập tiến độ theo tuần, tháng và sắp tới là theo ngày để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Với Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho hay tỉnh đã đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung vào các công trình trọng điểm như: đường Vành đai 3 - TP HCM, Quốc lộ 13, đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... Bình Dương yêu cầu các chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn có năng lực yếu kém.

Trước đó, xác định giải ngân vốn công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, UBND tỉnh Bình Dương đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn, không để xảy ra tình trạng vốn chờ công trình.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tỉnh phải bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 15-10. Cụ thể: vận động người dân bàn giao mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các khu tái định cư ở huyện Long Thành, sớm di dời các công trình hạ tầng điện để bàn giao mặt bằng...

"Đến ngày 15-10, đơn vị nào bàn giao xong mặt bằng sẽ được UBND tỉnh khen thưởng, đơn vị nào chưa xong sẽ bị kỷ luật" - ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh. 

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang được thi công. Ảnh: NGUYỄN TUẤN


Những kiến nghị từ thực tế

Để đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Ban Quản lý dự án 85 - Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng các vị trí ưu tiên đường ngang, nhanh chóng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh việc cấp mỏ đất ở khu vực xã Phước Bình, huyện Long Thành để lấy vật liệu san lấp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số dự án giao cho chủ đầu tư địa phương nhưng chưa được Bộ Tài chính phê duyệt vốn, dẫn tới chậm tiến độ thực hiện và giải ngân. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8 nhưng một số địa phương chưa ban hành quy định về đền bù GPMB nên cũng ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân. Bộ này kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn liên quan dự án giao cho chủ đầu tư địa phương; đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành quy định về đền bù GPMB, xây dựng giá đất... để thúc đẩy giải ngân.

 
Phê bình 54 bộ, cơ quan, địa phương giải ngân thấp

Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân vốn công tối thiểu 95% kế hoạch giao năm 2024. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa nên nhiệm vụ sẽ rất nặng nề.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 8-10 đã ký công điện yêu cầu các cấp, ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu. Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch HĐND... các tỉnh, thành tiếp tục đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thủ tướng biểu dương 13 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương đạt tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng trên mức trung bình của cả nước; phê bình 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước.

Nguồn NLDO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục