Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thực tế, chuyện nông dân “tự làm, tự chịu” là không ai bàn cãi, nhưng nếu cứ để mặc nông dân chịu khổ, chịu lỗ như thế thì còn đâu tính định hướng, tính quản lý của cơ quan Nhà nước!?
Năm 2016, người Tây Ninh cảm thấy rất phấn khởi trước một loạt động thái có thể nói là rất năng động, rất tích cực, rất cầu thị của tỉnh, hy vọng sẽ tạo ra được thời cơ mới, vận hội mới để tăng tốc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thoát khỏi “con đường mòn thuộc địa” của việc bán nông sản thô, hay cứ phải nhại đi nhại lại điệp khúc “được mùa mất giá - được giá mất mùa”- vốn làm khổ nông dân tỉnh nhà từ bao đời nay.
Đó là việc tỉnh quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị nông sản, phát triển thương mại dịch vụ, giải quyết đầu ra cho nông dân... vân vân… Và để từng bước tiến đến các mục tiêu cao đẹp ấy, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo phát triển, nhiều chuyến đi thực tế học tập kinh nghiệm…
Rồi mới đây, bạn đọc Báo Tây Ninh lại đọc được tin vui, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư một nhà máy chế biến trái cây công suất hàng chục ngàn tấn sản phẩm/năm chỉ sau vài giờ đồng hồ nhận được đề nghị của nhà đầu tư.
Rõ ràng, những tín hiệu ấy là rất đáng lạc quan, hy vọng, tin tưởng vào tiền đồ phát triển của tỉnh nhà.
Thế nhưng, cũng mới đây thôi, Bàn Dân biết được tin nhiều nông dân ở mấy huyện phía Bắc của tỉnh đang “đau đầu” với trái chuối già Nam Mỹ chín nẫu trong vườn mà chẳng ai chịu mua.
Đối với các nông dân “tự phát” trồng chuối mình ên thì “tự chịu hậu quả” đã đành, mà cả những nông dân có ký hợp đồng với doanh nghiệp “mua cây giống, bán nông sản” cũng chẳng thấy doanh nghiệp đến thu mua khi chuối đã bắt đầu chín cây. Về phía cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương thì “nông dân tự ký hợp đồng với doanh nghiệp, không thông qua ngành chức năng, không thông qua địa phương thì… ráng chịu thôi!”.
Thực tế, chuyện nông dân “tự làm, tự chịu” là không ai bàn cãi, nhưng nếu cứ để mặc nông dân chịu khổ, chịu lỗ như thế thì còn đâu tính định hướng, tính quản lý của cơ quan Nhà nước!? Nên chăng, trong lúc vẫn còn không ít diện tích “chuối già Nam Mỹ, cây trồng hiệu quả cao” chưa thu hoạch, ngành chức năng và chính quyền địa phương hãy chủ động vào cuộc, rà soát lại các hợp đồng nông dân “tự ký” với doanh nghiệp và có sự can thiệp để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Và như thế cũng chính là góp phần biến những định hướng mới, tốt đẹp của tỉnh thành hành động thiết thực, hiệu quả.
BÀN DÂN