Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thông tin tiếp theo về những bất cập tại Chợ Phường 3:
Không thể xác định số thu
Thứ tư: 05:51 ngày 07/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các cá nhân liên quan đã nghỉ hưu, nghỉ việc... nên UBND Thành phố không làm rõ được trách nhiệm cá nhân liên quan. Trong khi tổ chức có liên quan đã thay đổi trụ sở làm việc, sáp nhập, giải thể nên không cung cấp được tài liệu lưu trữ. Và như vậy, không đủ cơ sở để xác định rõ số tiền, vàng chưa được nộp ngân sách Nhà nước.

Trong số báo thứ bảy ngày 24.2, Báo Tây Ninh đã phản ánh về những bất cập tại chợ phường 3 khi thực hiện chủ trương của UBND thị xã Tây Ninh trước đây (nay là thành phố Tây Ninh), về việc ký hợp đồng kinh tế cho phép các tiểu thương thế chấp vàng nhận mặt bằng kinh doanh để có nguồn vốn xây dựng chợ. Từ chủ trương này, hơn 30 năm qua, Nhà nước đã thất thu ngân sách do kẽ hở trong quản lý. 

Được biết, cuối năm 2016, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND Thành phố thành lập đoàn kiểm tra toàn diện việc quản lý và sử dụng đất tại chợ phường 3. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu làm rõ số tiền, vàng đã thu của các hộ kinh doanh; đã nộp ngân sách là bao nhiêu; số không nộp vào ngân sách bao nhiêu; số tiền không nộp hiện giờ ở đâu, sử dụng vào mục đích gì.

Theo số liệu tổng hợp của Ban quản lý chợ phường 3 về số tiền, vàng do các đơn vị thu thế chấp từ các hộ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) và các hộ kinh doanh trong - ngoài nhà lồng chợ, đối với 24 hộ trên đường CMT8, các đơn vị đã thu được 354,4 chỉ vàng và  17.203.000 đồng tiền mặt.

Đối với 99 hộ thuê mặt bằng trong và ngoài nhà lồng chợ (do UBND phường 3, Ban quản lý chợ phường 3 ký hợp đồng), số vàng và tiền thu được là 280,98 chỉ vàng và 2.751.565 đồng tiền mặt.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND Thành phố về kết quả kiểm tra toàn diện chợ phường 3, hồ sơ lưu tại Phòng Tài chính - Kế hoạch Thành phố hiện còn lưu giữ một số chứng từ nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trong đó, Phòng Xây dựng nhà đất - giao thông nộp ngày 2.12.1991 số tiền 5.851.200 đồng; Phòng Tài chính - Kế hoạch nộp 67.665.000 đồng vào ngày 9.4.1992; Phòng Quản lý đô thị nộp vào ngày 16.10.1992 số tiền 23.348.000 đồng, ngày 12.3.1993 nộp số tiền 2.132.000 đồng và ngày 22.3.1993 nộp số tiền 1.976.160 đồng.

Riêng Ban quản lý chợ nộp ngân sách vào ngày 17.12.1997 với số tiền 12.402.240 đồng. Tổng số tiền thu thế chấp do các đơn vị nêu trên nộp vào ngân sách Nhà nước là 113.374.600 đồng.

Tạm đối chiếu thu chi tại chợ phường 3 cho thấy, tổng số thu là 653,38 chỉ vàng và 19.954.650 đồng. Tổng chi là 71.230.700 đồng xây dựng chợ phường 3. Tổng nộp ngân sách là 113.374.600 đồng.

Theo UBND Thành phố, việc xác định rõ số tiền, vàng đã thu, số nộp ngân sách và số chưa nộp ngân sách hiện rất khó khăn. Nguyên nhân do vụ việc đã lâu, chứng từ thu chi tại nhiều đơn vị khác nhau, có đơn vị giải thể, sáp nhập... đến nay chưa được thu thập đầy đủ.

Ngoài ra, việc thu được tiến hành trong thời gian dài, từ năm 1989 đến 1997, tỷ giá vàng có nhiều biến động theo thời điểm. Sổ sách theo dõi số thu, chi không thu thập được nên rất khó đối chiếu, xác định đúng và đủ số lượng. Bên cạnh đó, còn do nộp ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt nhiều thời điểm khác nhau, rất khó đối chiếu với số thu.

Việc bàn giao tiền, vàng, cũng như việc sử dụng nhiều nguồn chi trả lại thế chấp của một số hộ dân cũng rất khó khăn khi đối chiếu với số thu. Các chứng từ đã tập hợp được rất khó đối chiếu, vì đây là các chứng từ rời, không thể hiện được việc theo dõi liên tục tổng thể của số tiền, vàng thế chấp.

Tuy nhiên, các cá nhân liên quan đã nghỉ hưu, nghỉ việc... nên UBND Thành phố không làm rõ được trách nhiệm cá nhân liên quan. Trong khi tổ chức có liên quan đã thay đổi trụ sở làm việc, sáp nhập, giải thể nên không cung cấp được tài liệu lưu trữ. Và như vậy,  không đủ cơ sở để xác định rõ số tiền, vàng chưa được nộp ngân sách Nhà nước.

THƯỜNG DÂN - THANH NHi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục