Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Không vay tiền vẫn bị đòi nợ
Thứ sáu: 22:22 ngày 01/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dù không vay mượn hay bảo lãnh cho người nào vay mượn tiền, nhưng có người bị các đối tượng đòi nợ thuê gây áp lực, quấy rối, bêu xấu trên mạng xã hội.

Một trường hợp bị đối tượng lạ đưa hình ảnh lên mạng.

Anh N.M.H (ngụ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) cho biết, ngày 24.9, trong một số bài viết trên Facebook của đồng nghiệp xuất hiện tài khoản tên N.T vào bình luận. Người này đăng ảnh thông báo đòi nợ, trong đó có ảnh của anh và một số đồng nghiệp.

Nội dung bức ảnh nêu việc ông N.V.P (sinh năm 1969, thường trú xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) vay tiền nhưng trốn, không trả nợ, kèm 5 bức ảnh in rõ mặt của ông N.V.P và anh H cùng một số người khác với mục đích nhờ nhắn lại với ông P về việc trả nợ. 

Sau đó, người có tài khoản Facebook N.T nhắn tin cho anh H, dù anh đã khẳng định không quen với ai tên N.V.P và cũng không hề đứng ra mượn tiền hay bảo lãnh nợ cho bất cứ ai, nhưng đối tượng này không chịu buông tha. 

Do liên tiếp bị nhắn tin làm phiền nên anh H đã chặn tài khoản Facebook N.T, nhưng khi chặn tài khoản này, lập tức có tài khoản Facebook khác tiếp tục quấy rối. Đến khi anh H nhắn tin yêu cầu không được quấy rối nếu không sẽ nhờ lực lương Công an can thiệp, đối tượng mới ngưng nhắn tin làm phiền.

“Tôi vô cùng khó chịu, mệt mỏi trước những hành vi đe dọa, xâm hại đến tinh thần, uy tín và danh dự của bản thân. Trước sự việc trên, chúng tôi đã trình báo với cơ quan Công an để xem xét, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm hành vi vu khống, đăng hình ảnh của người khác khi chưa được sự cho phép” - anh H cho biết.

Anh L.T.L (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, trước đây, anh mất ăn mất ngủ cả tháng vì bị người đòi nợ “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn và qua Facebook. Qua tìm hiểu nguyên nhân, anh L mới biết do bà N.T.C.N - người vợ sau của ba anh (đã ly hôn) mượn nợ từ một công ty tài chính. “Gia đình tôi không còn giữ liên lạc với bà N nên không hay biết việc mượn nợ của bà N.

Bên thu hồi nợ liên tục gọi quấy rầy, đe dọa tôi vì “tội” không tác động để bà N trả nợ. Thậm chí, người đòi nợ còn đưa ảnh của tôi và người anh ruột đăng tải lên mạng xã hội bêu riếu nói xấu, khiến cuộc sống và công việc của bản thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, anh L nói.

Anh Tuấn Khanh – một nhân viên công ty tài chính cho biết, khi khách hàng có nhu cầu vay tiền của các công ty tài chính, đều được yêu cầu phải cung cấp thông tin, số điện thoại ít nhất 2 người thân, bạn bè của họ để công ty liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều người không hề vay nợ, nhưng bỗng dưng bị đòi nợ. 

Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư Tây Ninh cho biết, các tổ chức tài chính gọi điện, nhắn tin “làm phiền” trong trường hợp bạn là khách hàng tiềm năng để vay tiền; từng là khách hàng, vay, trả góp… đúng hạn; đang có nợ nhưng chưa trả, hoặc trả chưa hết; người thân, người quen dùng số điện thoại của bản để bảo trợ; thậm chí nhầm lẫn thông tin, do kẻ xấu lợi dụng, hoặc đơn giản tổ chức tài chính ấy lấy danh bạ trong điện thoại, trong Zalo người vay.

Trường hợp bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ “vô cớ”, bạn không cần nghe máy, không nói dây dưa, vì trả lời cũng không được lắng nghe. Nếu bạn có nợ, họ sẽ kiện mình ra Tòa án, lúc này mình sẽ trả với lãi suất được nhà nước thừa nhận và cho phép áp dụng. Nếu bạn không có vay, họ không thể nào khởi kiện, đơn giản vì bạn không có ký tên trong văn bản nào.

“Họ có cả bộ máy đòi nợ chuyên nghiệp. Có nhiều người, nhiều sim điện thoại rác. Mình có kiện, hoặc tố cáo cũng không có cơ sở. Bạn có thể liên hệ tổng đài mạng điện thoại mình đang dùng nhờ hướng dẫn cách chặn các cuộc gọi không mong muốn. Chú ý, có thể có trường hợp lợi dụng danh nghĩa tổ chức tài chính lừa bạn cung cấp tài khoản… để lừa đảo, nên cần bình tĩnh xử lý”, luật sư Vĩnh nói.

Riêng về xử lý khi bị sử dụng hình ảnh đăng lên các trang mạng xã hội chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhânĐây là hành vi vi phạm, có thể là vi phạm hành chính hoặc hình sự, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi. Người dân có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an, Sở Thông tin và Truyền thông kèm theo những chứng cứ có được.

Điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020, mức phạt tiền cho hành vi  chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là từ 10 - 20 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Bên cạnh đó, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng (khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Ngoài ra, hành vi của các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục