Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cuộc khủng hoảng kéo dài gần 3 năm qua trên thị trường địa ốc Trung Quốc đang khiến nợ xấu của các nhà băng lớn nhất nước này tăng vọt.
Tuần này, 4 ngân hàng quốc doanh hàng đầu Trung Quốc, gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Bank of China (BOC) lần lượt thông báo nợ xấu năm 2023 tăng vọt. Tổng cộng, nợ xấu tại 4 nhà băng này tăng 10,4% năm ngoái, lên 1.230 tỷ nhân dân tệ (170 tỷ USD).
Các ngân hàng cho biết nợ xấu không ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng, do họ đã trích lập dự phòng. Hiện tại, họ cũng siết kiểm soát rủi ro khi cho vay các hãng bất động sản. Tuy nhiên, các nhà băng cảnh báo rủi ro lan truyền đang nảy sinh.
Tổng nợ xấu liên quan đến bất động sản của 4 ngân hàng này năm 2023 là 183,9 tỷ nhân dân tệ, tăng 3 tỷ nhân dân tệ so với năm trước đó. CCB và ABC ghi nhận mức tăng 43,3% và 1,25%. Trong khi đó, nợ xấu bất động sản của ICBC và BOC giảm.
Một dự án nhà ở của Evergrande tại Bắc Kinh (Trung Quốc) tháng 9/2023. Ảnh: Reuters
Hôm 28/3, Zhang Xuguang - Phó giám đốc ABC cho biết nợ xấu tăng 10,96% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 300 tỷ nhân dân tệ. Phần lớn là do cho vay các hãng bất động sản và chính quyền địa phương.
Hai nhà băng hàng đầu khác ở Trung Quốc cũng cảnh báo nợ xấu tiếp tục tăng cao, do kinh tế chậm lại đe dọa việc làm và giá tài sản giảm ảnh hưởng đến các tòa nhà được thế chấp cho ngân hàng. Các chính quyền địa phương cũng ngày càng chật vật trả nợ, khi không thể dựa vào bán đất để có nguồn thu như trước.
"Chúng tôi nhận thấy rủi ro lan truyền và sức ép từ lĩnh vực bất động sản", Zhu Jiangtao – Giám đốc Quản trị Rủi ro tại Merchants Bank nhận định. Đây là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Trung Quốc.
Merchants Bank ghi nhận nợ xấu bất động sản tăng gần 12% năm ngoái, lên 17,2 tỷ nhân dân tệ.
Bank of Communications tuần này cũng cảnh báo sức ép từ lĩnh vực bất động sản còn tiếp diễn. Nợ xấu bất động sản của nhà băng này tăng tới 67% năm ngoái, lên 24,4 tỷ nhân dân tệ.
Địa ốc Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021, do các chính sách nhằm giảm đòn bẩy trong nền kinh tế. Hàng loạt hãng bất động sản vỡ nợ. Một số đang trong quá trình tái cấu trúc. Hơn một năm qua, giới chức Trung Quốc tung hàng loạt chính sách hỗ trợ thị trường này.
China Evergrande - từng là hãng bất động sản lớn nhì Trung Quốc - đang trong quá trình thanh lý tài sản để giải quyết khối nợ 300 tỷ USD. Country Garden - hãng bất động sản tư nhân lớn nhất nước này - hiện cũng gặp khó về dòng tiền.
Nguồn vnexpress (theo Nikkei, Reuters)