Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Thứ ba: 23:56 ngày 12/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thu hoạch lúa.

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 25.4.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP…

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 22.9.2016 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngày 16.6.2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND nhằm cụ thể hoá các quy định của chính sách này. 

Tính đến cuối tháng 9.2019, Nhà máy Tanifood đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản với nông dân địa phương với diện tích 296,4 ha, gồm các loại sản phẩm: xoài cát chu, xoài keo, xoài Úc, khóm Queen, thanh long đỏ, mít Thái lá bàng, mãng cầu xiêm; thu mua nông sản của nông dân trên địa bàn Tây Ninh được 839 tấn gồm mít lá bàng, rau rừng, xoài tứ quý, khóm Queen, chuối cau, đậu bắp và chanh dây. 

Nhà máy đề ra kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu đến năm 2023 với diện tích khoảng 5.006 ha nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Trong đó, nhà máy tự tổ chức sản xuất 1.171 ha; liên kết với nông dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh 3.835 ha. 

Đến nay, nhà máy đã hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ nông dân, gồm: chính sách thu mua nông sản, bảng giá mua bao tiêu nông sản; liên kết và giới thiệu ngân hàng (Ngân hàng SCB hoặc Ngân hàng NN&PTNT) tham gia tài trợ tín dụng cho nông dân để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất dưới hình thức hợp đồng ba bên (nông dân, Lavifood, ngân hàng); hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và cung ứng vật tư, giống, nông cụ, máy nông nghiệp; sử dụng phần mềm E-Farm để hỗ trợ nông dân canh tác và quản lý trang trại; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản.

Theo UBND tỉnh, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng nhìn chung, lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp chưa đạt được hiệu quả như mong muốn: Năm 2016, khu vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm 25,18% tổng GRDP trên địa bàn tỉnh; đến năm 2018, khu vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm 21,89% tổng GRDP trên địa bàn tỉnh. Như vậy, tỷ lệ khu vực nông - lâm - thuỷ sản trong tổng GRDP trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng đối với an sinh - xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 

Vai trò của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nông nghiệp, nông thôn đến nay vẫn chưa được phát huy đúng với tiềm năng phát triển và lợi thế của địa phương. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh thấp, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm khoảng 12,6% trên tổng luỹ kế doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. 

Vườn sầu riêng ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng hiện tại thời tiết luôn diễn biến phức tạp, bất thường, gây thiệt hại cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Dịch bệnh trên cây trồng - nhất là dịch bệnh khảm lá mì, gia súc, gia cầm, thuỷ sản chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng đến số lượng, năng suất, chất lượng của các loại cây trồng, vật nuôi. Trình độ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia còn hạn chế. 

Một vấn đề đáng lưu ý là cho đến nay, thị trường tiêu thụ vẫn chưa bền vững, kênh tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với các nhà phân phối bán lẻ lớn còn hạn chế; số doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít. Tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra, công tác truyền thông chưa hiệu quả đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17.4.2018 thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP (đã hết hiệu lực). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025. Nhìn chung, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đang còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cần khai thác, đặc biệt là quỹ đất, nguồn nhân lực và tận dụng cơ hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. 

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17.7.2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, do tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp nên tỉnh tạm ngưng thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng VietGAHP đến năm 2020”.

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hoá lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, công khai dân chủ, phát huy đa dạng nguồn lực xã hội đã tạo chuyển biến tích cực, nhất là các xã biên giới góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Nền nông nghiệp tỉnh định hình và phát huy được chuỗi giá trị, thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích nằm trong tốp đầu cả nước. Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản của tỉnh.

Nông dân chăm sóc vườn rau.

Theo kế hoạch này, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3,2%/năm. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.006 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 44.035 tỷ đồng.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường; thực hiện các chính sách tín dụng, chính sách về thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp…

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục