Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kiếm thêm thu nhập nhờ bàn xoay bằng phế liệu
Thứ sáu: 10:32 ngày 02/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bàn xoay là công cụ hữu ích cho người chơi bonsai cây cảnh, bởi khi thao tác chỉnh sửa cây trên bàn xoay thật đơn giản, hướng cây về mọi phía cho góc độ đẹp và ưng ý nhất mà không tốn nhiều thời gian và công sức.

Với sở thích chơi cây cảnh và niềm đam mê sáng tạo, anh Nguyễn Minh Trước (42 tuổi, ngụ tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành) đã chế tạo ra nhiều loại bàn xoay bonsai độc đáo, lạ mắt, giá thành lại rẻ từ phế liệu xe máy. Việc chế tạo không chỉ thỏa mãn sở thích cá nhân mà còn góp phần tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Anh Trước sử dụng bàn xoay để uốn cây bonsai.

Nói về việc chế tạo bàn xoay từ phế liệu xe máy, anh Trước cho biết, khoảng 3 năm trước, khi bàn xoay bonsai còn là công cụ chỉnh sửa cây cảnh khá mới mẻ trên thị trường, giá một cái bàn trung bình từ 700.000- 800.000 đồng. Với thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, anh không dám chi nhiều tiền cho thú chơi cây cảnh.

Trong một lần đến bãi phế liệu tìm bộ phận xe máy, thấy có rất nhiều đĩa phanh, cốt bạc cũ, anh Trước liền liên tưởng phối hợp các bộ phận lại với nhau thành một cái bàn xoay bonsai đơn giản với mặt bàn, đế (làm bằng phanh đĩa) và trục xoay (làm bằng cốt bạc).

Nghĩ là làm, anh mua vài bộ phanh đĩa, cốt bạc về gia công, chế tạo. Sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn xoay đường kính 22cm, thích hợp cho những chậu bonsai mini. Thử dùng bàn xoay do mình chế tạo uốn cây, anh thấy trục hoạt động, chịu lực tốt, xoay hướng cây dễ dàng, giá thành lại rẻ nên anh làm nhiều video, clip chia sẻ cách làm bàn xoay từ phế liệu lên các diễn đàn những người yêu thích cây cảnh. Tại đây, anh nhận được nhiều phản hồi tích cực và nhiều người hỏi mua.

Bàn xoay độc đáo và lạ mắt do anh Trước chế tạo.

Thấy được nhu cầu của người chơi cây cảnh, anh Trước mạnh dạn đầu tư vốn mua nguyên- vật liệu với số lượng lớn về chế tạo. Anh đem đến các cơ sở hàn tiện nhờ gia công hai mặt trên, mặt đế và trục, còn khâu vệ sinh và sơn phết, đóng gói do anh làm. Những sản phẩm được rao bán trên các trang mạng xã hội về cây cảnh. Trong vòng một tuần, anh bán được hơn 20 cái bàn xoay.

Để đáp ứng nhu cầu về bàn xoay cho các chậu bonsai có kích cỡ lớn hơn, anh Trước gia công một lớp thép lên bề mặt để gia tăng kích thước bàn xoay, thêm trụ chống xoay để tăng tính chịu lực và thêm trục điều chỉnh, cố định bàn xoay khi không cần uốn cây. Nhờ vậy,  sản phẩm của anh ngày càng đa dạng và được nhiều người ưa chuộng.

Sau gần 3 năm gắn bó với nghề tay trái, anh Trước đã gầy dựng được uy tín trên thị trường chế tạo bàn xoay bonsai. Hiện tại, anh bán 3 loại bàn, đường kính 22cm, 30cm và 35cm, giá trung bình một cái dao động từ 200.000-600.000 đồng .Mỗi tháng anh bán khoảng 30- 40 cái.

Anh tâm sự: “Khi mới bắt đầu sản xuất, vợ tôi phản đối vì thấy tôi đem nhiều phế liệu về nhà. Nhưng sau này, việc chế tạo và kinh doanh ổn định, đem lại thêm nguồn thu nhập, vợ tôi đã ủng hộ. Nhiều lúc hai vợ chồng loay hoay đóng gói, giao hàng cả ngày. Tuy lời không nhiều, nhưng có thêm thu nhập từ sở thích và đam mê của mình khiến tôi rất vui”.

Kết cấu của một bàn xoay bonsai từ phế liệu.

Tuy nhiên, anh Trước cũng gặp một số khó khăn, do nhiều bãi xe máy phế liệu trên địa bàn huyện đều biết anh cần nguồn hàng nên nhiều lần tăng giá; có khách đặt hàng nhưng khi giao lại không nhận, hoặc sản phẩm bị hư hao do quá trình vận chuyển phải chịu lỗ phí hay bồi thường cho khách.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, anh Trước tìm đến các bãi xe máy phế liệu ở các huyện lân cận và các huyện vùng biên giới như Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành... Ngoài ra, anh còn nghiên cứu chế tạo các loại bàn xoay mới từ những bộ phận khác của xe máy, như bàn xoay đế bánh mâm, bàn xoay gắn mô tơ… nhằm đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Anh Trước dự định sẽ mở một sạp trưng bày và bán các loại bàn xoay do anh chế tạo tại triển lãm cây cảnh hoặc ở chợ hoa xuân năm sau. Anh hy vọng, những sản phẩm của mình sẽ được người dân trong tỉnh biết đến.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục