Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc vừa ký văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.
Theo UBND tỉnh, do thiếu sự tập trung và đồng bộ đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm sau khi cấp phép, nên hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng hiện nay còn tồn tại một số vấn đề bất cập như:
Doanh nghiệp chưa ký quỹ bảo vệ môi trường; khai thác không đúng vị trí, thiết kế; chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo cam kết; vận chuyển cát quá tải trọng, không che chắn làm cát rơi vãi trên đường; doanh nghiệp không ký hợp đồng mua bán, không xuất hóa đơn bán hàng; chuyển nhượng, mua bán giấy phép khai thác trái phép...
Một bãi tập kết cát trong hồ Dầu Tiếng. |
Ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết thêm, hiện trong khu vực hồ Dầu Tiếng có 11 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát với sản lượng đăng ký đạt 350.000 m3/năm.
Thời gian gần đây, do nhiều tỉnh siết chặt hoạt động khai thác cát trên các sông, hồ... nên giá cát xây dựng tăng lên vùn vụt, từ khoảng 2,5 triệu đồng/xe lên 4,5 triệu đồng/xe (một xe khoảng 10 tấn), nên các chủ doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đua nhau đóng tàu (tự phát, không có giấy phép), mở rộng khai trường, tăng tầng suất khai thác cát để tranh thủ bán cho thương lái, đưa về các tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Hoạt động của tàu hút cát trong hồ Dầu Tiếng. |
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh cũng đã lập biên bản, đề nghị xử phạt Công ty Cổ phần xây dựng Thành Đạt và doanh nghiệp tư nhân Thành Phúc về hành vi đóng mới 4 phương tiện (tàu) hút cát không có giấy phép của cơ quan chức năng và 3 đơn vị khác về hành vi không có giám đốc điều hành tại mỏ.
Lê Đức Hoảnh