Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các tỉnh buộc người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam khai báo, trình kết quả xét nghiệm âm tính nCoV, lãnh đạo hai địa phương này đề nghị thống nhất biện pháp giám sát y tế.
Sau khi Đà Nẵng nới lỏng cách ly xã hội, các tỉnh thành bắt đầu áp dụng những biện pháp giám sát y tế với người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam. Mỗi địa phương áp dụng những cách khác nhau, theo lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam, là "gây phiền hà cho người dân".
Ví dụ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội khuyến cáo người đến từ Đà Nẵng tự cách ly tại nhà 14 ngày. CDC TP HCM yêu cầu người về từ Đà Nẵng phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, tự theo dõi sức khỏe 14 ngày. Các tỉnh Bình Định, Quảng Bình, Quảng Ngãi bắt buộc người về từ Đà Nẵng cách ly tập trung, xét nghiệm nCoV.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu người về từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương phải khai báo y tế điện tử trước để được xem xét, phê duyệt. Để vào Huế, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm nCoV âm tính bằng Realtime-PCR trong vòng 72 giờ khi đến các chốt liên ngành. Thời gian lưu trú tối đa 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Nếu người dân cần ở lại Huế, phải tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm người dân tự chi trả...
Cảnh sát giao thông Thừa Thiên - Huế tại chốt chặn ở chân đèo Hải Vân kiểm soát người dân di chuyển từ Đà Nẵng. Ảnh: Võ Thạnh.
Trước ttình hình này, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, sáng 11/9, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đồng đề xuất Thủ tướng ban hành hướng dẫn thống nhất về việc các biện pháp chống dịch đối với người từ hai địa phương này đến địa bàn khác. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho người dân vùng dịch đến nơi khác làm việc, học tập.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Quảng Nam đã 25 ngày liên tục không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, các hoạt động trên địa bàn tỉnh đã diễn ra bình thường. Do đó, quy định người từ Quảng Nam và người dân tỉnh này đi đến các tỉnh, thành phố khác học tập, làm việc phải có kết quả xét nghiệm nCoV âm tính bằng phương pháp Realtime-PCR và muốn ở lại địa phương sở tại phải có thêm một lần xét nghiệm, tự chi trả chi phí là không cần thiết.
"Việc này không phù hợp trong trạng thái bình thường mới như hiện nay. Nhất là đối với công nhân, học sinh, sinh viên", ông Tân nói.
Trong khi đó, quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng là "nên thu phí xét nghiệm dịch vụ". Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề xuất Thủ tướng chỉ đạo xét nghiệm thu tiền đối với các trường hợp có nhu cầu từ thành phố đến nơi khác mà địa phương đó yêu cầu phải xét nghiệm âm tính với nCoV.
Ghi nhận ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tỉnh, thành phố cảnh giác chống dịch nhưng không nên "cát cứ", hay đặt ra vấn đề đi từ tỉnh này sang tỉnh kia lâu dài phải xét nghiệm.
"Các địa phương cần hài hòa, tránh tình trạng cực đoan giống như việc đổ bê tông, đổ đất để ngăn sông cấm chợ từng diễn ra trước kia", Phó Thủ tướng Đam nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong phạm vi quốc gia. Quảng Nam, Đà Nẵng đã ở trạng thái bình thường sau thời gian dài chống dịch căng thẳng. Việc các địa phương có các quy định riêng với Quảng Nam, Đà Nẵng là "hơi khắt khe".
Về đề xuất thu tiền xét nghiệm, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì một cuộc họp ngắn gọn ngay trong ngày, cùng với Bộ Tài Chính, Bộ Y tế để đưa ra mức thu phí xét nghiệm hợp lý. Đảm bảo mức giá thấp nhất cho người dân ở nước ngoài về hay trong nước.
Nguồn VNE