Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kiên quyết chuyển đổi vị trí công tác người đứng đầu
Thứ tư: 15:40 ngày 08/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 7.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao trong năm 2017 và các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Cần công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng hoạt động công khai, minh bạch của bộ máy nhà nước là một yêu cầu khách quan. Trong hoạt động tư pháp, pháp luật đã có những quy định liên quan đến công khai minh bạch, ví dụ như trong hoạt động tố tụng, xét xử, ra bản án...

Tuy nhiên, các báo cáo của các ngành Công an, Tư pháp tại Quốc hội vẫn là những báo cáo đóng dấu mật. Đại biểu đề nghị báo cáo của cơ quan Tư pháp sẽ không đóng dấu mật, còn những gì liên quan tới mật thì nên đưa vào các phụ lục.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo tại Hội trường- Ảnh quochoi.vn.

Theo đại biểu, công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp sẽ tạo nên sức ép nhưng cũng là cơ sở để cử tri, nhân dân tiếp xúc với các báo cáo, qua đó giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp tốt hơn.

Về nạn bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP.Đà Nẵng) và một số đại biểu quan tâm đặt vấn đề. Theo các đại biểu, từ ban đầu vấn đề này cũng chỉ là những hiện tượng đơn lẻ nhưng dần dần xuất hiện có vẻ thường xuyên.

Điều nguy hiểm hơn là, khi xảy ra nạn bạo lực trong trường học, các bạn trong lớp lại có những hành động cổ súy và đứng xem, không can thiệp bảo vệ bạn bè.

Đại biểu cho rằng các cơ quan như Đoàn thanh niên, Hội LHPN và một số cơ quan của trung ương cần có những nghiên cứu đầy đủ để đề xuất giải pháp chấn chỉnh tình trạng này, không để kéo dài trong môi trường học đường.

Về nạn xâm hại tình dục trẻ em, đại biểu Sơn cũng đề xuất cần phải có một trình tự, thủ tục đặc biệt trong việc điều tra đối với loại án xâm hại tình dục trẻ em, trong đó trẻ em được coi là đối tượng phải được áp dụng các biện pháp đặc biệt.

Đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) đề nghị những vụ việc lớn, dư luận xã hội quan tâm thì phải tập trung xử lý, làm rõ vấn đề. Đại biểu cho rằng, một vụ án lớn, tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, điều tra lại thì phải xem lại cán bộ liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử vụ đó.

Hơn nữa, phải kiên quyết chuyển đổi vị trí công tác người đứng đầu các ngành như Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thanh tra và cả một số ngành khác theo chủ trương của Đảng. Đại biểu cho rằng, phải kiên quyết làm, dù va chạm, vướng mắc cũng phải chuyển đổi bằng được cán bộ ra khỏi các vị trí nhạy cảm, vì một số vị trí liên quan có thể dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng... Có làm tốt việc này mang lại niềm tin cho nhân dân.

Kết thúc thảo luận, đã có 50 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và tranh luận sôi nổi, thẳng thắn trách nhiệm về các báo cáo. Phó Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã phát biểu tiếp thu và làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu đặt ra.

Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; xây dựng phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm.

Một phiên toà xét xử vụ án hiếp dâm trẻ em ở Gò Dầu- Ảnh minh hoạ.

Chính phủ, Viện KSND tối cao, TAND tối cao có giải pháp để chủ động triển khai thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết về tư pháp và kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm quy định mới sớm thực thi trong thực tiễn.

Khiếu nại, tố cáo còn phức tạp và gay gắt

Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017. Sau đó, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.

Trong phiên thảo luận, có 12 lượt đại biểu thảo luận và 1 lượt đại biểu tranh luận, các ý kiến của các đại biểu cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung vẫn còn phức tạp và gay gắt.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 đã đạt được một số kết quả chuyển biến tích cực hơn so với năm trước, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng được giải quyết...

Tuy nhiên, nhìn chung, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chưa kịp thời, chất lượng còn hạn chế; tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp còn nhiều, số vụ khiếu nại đông người có xu hướng tăng; tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc trách nhiệm của TAND tồn lại, chuyển kỳ sau nhiều; việc kiểm sát phát hiện vi phạm trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực còn hạn chế, số lượng vụ việc kiểm sát trực tiếp còn ít.

Các đại biểu nhận định nguyên nhân tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp xuất phát từ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp; một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, tính ổn định chưa cao.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm hết trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo; còn xảy ra vi phạm trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; vẫn tồn tại những bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành, còn để xảy ra oan, sai trong hoạt động tư pháp...

Sáng nay (8.11), Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020; dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục