Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp; con số bị hại có chiều hướng gia tăng và số tài sản bị chiếm đoạt ngày một lớn.
Cả nước có khoảng 110 triệu người dùng mạng xã hội
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đến cuối tháng 11.2024, cả nước có khoảng 110 triệu tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước và khoảng 203 tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài. Trong đó, nền tảng Zalo có đông tài khoản đăng ký sử dụng hơn 3 nền tảng xuyên biên giới với 76,5 triệu người; Facebook có 72 triệu người dùng tại Việt Nam; YouTube đạt 63 triệu và Tiktok 67 triệu người dùng.
Cả nước có khoảng 77,93 triệu người sử dụng internet, hơn 123,26 triệu thuê bao điện thoại di động. Năm 2024, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã cấp phép thêm 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước.
Theo đánh giá, việc phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, viễn thông đã và đang trở thành vùng đất màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng khai thác, sử dụng vào việc thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản, với nhiều thủ đoạn tinh vi, liên kết, móc nối tạo thành đường dây hoạt động mang tính chất có tổ chức và xuyên quốc gia. “Con mồi” mà các đối tượng nhắm đến không chỉ người lao động nhàn rỗi, mà có cả những người hiểu biết, có trình độ.
Qua theo dõi, giám sát tình hình phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi trên hệ thống 5656/156, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) Cục An toàn thông tin đã ghi nhận phản ánh về tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ. Gần đây nhất, nổi lên hình thức giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin mời chào mở thẻ tín dụng, thẻ phi vật lý online để chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Mánh khoé phổ biến hiện nay là các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ điện lực, hoặc tới trực tiếp nhà người dân thông báo rằng chưa thanh toán tiền điện và đe dọa sẽ cắt điện nếu không thực hiện ngay lập tức. Thủ đoạn này không chỉ gây thiệt hại trực tiếp tới tài chính mà còn tạo ra tâm lý bất an, mất niềm tin vào các thông báo từ các cơ quan chính thống. Điều này làm gia tăng mức độ phức tạp và nguy hiểm của các hành vi lừa đảo, đòi hỏi người dân phải luôn cảnh giác.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân trên mạng, cần nâng cao cảnh giác, biết cách tự trang bị kiến thức bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm lừa đảo, biết nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn của kẻ xấu, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Diễn biến khó lường...
Tại Tây Ninh, từ đầu năm 2024, Công an tỉnh tiếp nhận 63 tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với tổng thiệt hại số tiền hơn 61,5 tỷ đồng, đã điều tra làm rõ 7 vụ, 20 đối tượng. Kết quả này đã minh chứng công tác đấu tranh quyết liệt với tội phạm trên không gian mạng của lực lượng Công an Tây Ninh.
Báo cáo tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh cho biết, sự gia tăng của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng không gian mạng rủ rê, lôi kéo chuẩn bị địa điểm, công cụ, phương tiện để gây rối trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích; buôn bán hàng giả, hàng cấm; đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên không gian mạng.
Giám đốc Công an tỉnh chỉ rõ, các đối tượng thường giả danh Công an, Viện kiểm sát, Toà án hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng giả mạo VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thông báo số căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của người dân liên quan đến tội phạm; đối tượng kết bạn, làm quen qua mạng xã hội, dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các hội, nhóm kín trên mạng xã hội Telegram để hướng dẫn, lừa đảo nạn nhân; kết bạn, làm quen qua mạng xã hội, tạo tình cảm yêu đương với tài khoản mạo danh người nước ngoài, gửi tiền đầu tư hoặc tặng tiền, quà chuyển từ nước ngoài về Việt Nam yêu cầu nạn nhân đóng thuế, phí Hải quan nhận quà; giả mạo tài khoản mạng xã hội của bạn bè hoặc người thân quen, yêu cầu chuyển tiền để giải quyết vấn đề khẩn cấp...
Với những phương thức, thủ đoạn nêu trên, bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi lừa đảo một cách nhanh chóng và ít để lại dấu vết. Đáng nói, nhận thức, kiến thức của người dân về tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn hạn chế, không đủ để phòng tránh hoặc biết cách thu thập những thông tin, dữ liệu có giá trị ban đầu để tố giác tội phạm khi trở thành nạn nhân. Điều này gây khó khăn cho việc điều tra, đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng.
Đại tá Nguyễn Văn Trãi thông tin thêm, Công an Tây Ninh vừa triệt phá chuyên án tổ chức đánh bạc và mua bán số đề qua mạng xã hội, tài khoản ngân hàng với 12 đối tượng, đã khởi tố 3 vụ án, bắt tạm giam 10 bị can, tang vật thu giữ và số tiền liên quan hoạt động cờ bạc qua mạng trên 50 tỷ đồng.
Đối với hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, thông qua mạng xã hội, các đối tượng tìm kiếm, móc nối, lôi kéo, thiết lập đường dây, trao đổi, đặt mua ma túy từ Campuchia, vận chuyển đến các địa điểm vắng khu vực biên giới của tỉnh Tây Ninh, định vị và gửi vị trí cho người mua đến nhận và mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Ngoài ra, tội phạm mua bán người qua các hội, nhóm trên không gian mạng vẫn tiềm ẩn phức tạp và ngày càng gia tăng. Thông qua không gian mạng, các đối tượng tuyển chọn, dụ dỗ công dân Việt Nam sang Campuchia bán vào các công ty hoạt động cờ bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người Trung Quốc làm chủ.
Đẩy mạng biện pháp nghiệp vụ từ thủ công sang công nghệ
Đại tá Nguyễn Văn Trãi thông tin, để phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự xã hội, Công an tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đẩy mạnh trạng thái công tác từ thủ công sang sử dụng công nghệ, tăng cường bám sát địa bàn, triển khai các mặt công tác bảo vệ an ninh mạng và trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm có tính chất băng nhóm, hoạt động quy mô lớn.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả thiệt hại xảy ra, lực lượng Công an tiếp tục cập nhật phương thức thủ đoạn, tình hình kết quả công tác đấu tranh, xử lý đối với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội Zalo, Facebook các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để người dân nâng cao cảnh giác.
Đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử cho công dân, đây được xem là căn cước trên không gian mạng để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo. Ứng dụng kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng, loại bỏ các tài khoản ảo, làm sạch thuê bao di động, loại bỏ sim rác. Qua đó hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an, Viện kiểm sát, Toà án trong điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm nghiêm minh, triệt để, nhanh chóng, đúng pháp luật, đưa ra xét xử công khai các vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
“Đây là tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ, hoạt động suốt ngày đêm, đối tượng triệt để lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu thông tin cá nhân, dấu vết phạm tội; sử dụng các ứng dụng có độ bảo mật cao, mã hóa dữ liệu như Telegram, Viber... để liên lạc; sử dụng giấy tờ giả tạo lập tài khoản ngân hàng, thường xuyên thay đổi tài khoản thụ hưởng... khiến việc điều tra, xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức...” Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an Tây Ninh |
Tâm Giang