Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kinh tế các tỉnh khu vực phía Nam 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi
Chủ nhật: 08:40 ngày 16/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là hội nghị thường niên được Bộ Công Thương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đồng tổ chức, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải Phát biểu kết luận hội nghị.

Năm 2022, hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII do tỉnh Tây Ninh tổ chức. Đây là sự kiện chính trong chuỗi sự kiện ngành Công Thương khu vực phía Nam, cùng với hội nghị khuyến công, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của khu vực phía Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như cả nước.

Năm 2021, tình hình sản xuất công nghiệp ổn định, sản xuất vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành khu vực phía Nam có mức tăng khá so với năm 2020. Trong đó, có 3 tỉnh, thành phố có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (Bình Phước 17,8%; Bạc Liêu 9,29%; Hậu Giang 4,82%). Riêng 9 tháng năm 2022 có 12/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước, trong đó, thành phố Cần Thơ đạt mức tăng hơn hơn 30% và 5 tỉnh: Vĩnh Long, Kiên Giang, Bình Phước, Bến Tre, Tây Ninh có mức tăng từ 20% đến dưới 30%.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Long An phát biểu tại hội nghị.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam trong năm 2021 chỉ đạt 2.353,8 ngàn tỷ đồng, bằng 96,74% so với cùng kỳ, chiếm 49% so với cả nước. Có 7/20 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước và cao hơn so với cùng kỳ, gồm: Sóc Trăng 7,64%; Hậu Giang 4,3%; An Giang 3,67%; Bình Dương 3,4%; Đồng Nai 2,43%; Bến Tre 1,92%; Bình Phước 1,89%...

Trong 9 tháng năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động phát triển sản xuất đi vào ổn định đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của khu vực tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.209,86 ngàn tỷ đồng, chiếm 53% so với cả nước. Có 3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tăng trưởng cao trên 40% như: Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Cần Thơ, Trà Vinh; 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tăng trên 20% như: Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau.

Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính. Cán cân thương mại duy trì được mức thặng dư.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực phía Nam thực hiện 128,6 tỷ USD, tăng 17,57% so với năm 2021, chiếm 38,2% so với cả nước. Các địa phương có mức tăng trưởng cao như: An Giang, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bình Dương. 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực phía Nam ước thực hiện 109,1 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ, chiếm 38,61% so với cả nước.

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2021 là 122,32 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2020, chiếm 36,81% so với cả nước. 9 tháng đầu 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu thực hiện 96,23 tỷ USD, tăng 11,32% so với cùng kỳ, chiếm 34,86% so cả nước.

Dự báo những tháng còn lại của năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng cao, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy các lợi thế đối với hàng hoá xuất khẩu có nguồn gốc trong vùng. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đang nỗ lực hoàn thành các dự án đầu tư, các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2022 và giai đoạn 2021-2025… Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi tạo cơ sở cho việc hoàn thành nhiệm vụ ngành Công Thương khu vực phía Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) phát biểu giải trình tại hội nghị.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, có 11/20 ý kiến của các đại biểu đến từ 11 tỉnh, thành phố trong khu vực đề xuất cơ chế, chính sách; những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, địa phương, cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Các đại biểu đều khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển.

Trong đó, đa số các ý kiến tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính, gồm: công tác quản lý nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu; công tác quản lý và phát triển điện năng lượng tái tạo, công tác quy hoạch phát triển thương mại tại các cửa khẩu, chợ trên tuyến biên giới với nước bạn Campuchia và lĩnh vực phát triển thương mại điện tử.

Tại hội nghị, đại diện các Cục Công tác phía Nam, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có những giải trình liên quan đến lĩnh vực mình quản lý.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp, thương mại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh, biến động giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Trên cơ sở đó, để hoàn thành mục tiêu năm 2022 các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần tập tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra của ngành; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu.

Tại hội nghị, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh trao cờ luân lưu cho đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang- đơn vị đăng cai hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ IX năm 2023.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục