Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng ‘4 thấp’
Thứ tư: 14:58 ngày 06/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp", đó là tăng trưởng thấp, thương mại-đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp. Điều này có thể dẫn đến "trì trệ kéo dài" và sẽ chuyển sang "suy thoái".

Ảnh minh họa

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tháng 10 tiếp tục chậm lại ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Thuế quan gia tăng và tình trạng bấp bênh kéo dài do chính sách thương mại gây ra đã làm suy yếu hoạt động đầu tư và nhu cầu hàng hóa lâu bền. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục trì trệ và thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp, dòng vốn FDI phục hồi so với năm 2018 nhưng còn yếu, niềm tin đầu tư giảm. Các nền kinh tế tiếp tục xu hướng nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Giá cả hàng hoá biến động, tình trạng nợ gia tăng trên toàn cầu.

Ngày 15/10/2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2019, theo đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống mức 3% và mức 3,4% cho năm 2020. Dự báo này được điều chỉnh giảm khá mạnh so với các dự báo đã công bố vào tháng 4/2019 và 7/2019. IMF điều chỉnh giảm mạnh các dự báo do sự chậm lại đáng kể của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tháng 10/2019, dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 1,2% năm 2019 và 2,7% năm 2020 (thấp hơn so với mức 2,6% và 3,0% đưa ra vào tháng 4/2019). Các chỉ số thương mại hàng hóa và dịch vụ của WTO đều cho thấy xu hướng chững lại trong giai đoạn gần đây và dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, tùy thuộc vào diễn biến của căng thẳng thương mại và bất định chính sách của các nền kinh tế chủ chốt.

"Đầu tàu" bất ổn

Kinh tế Mỹ tăng trưởng không ổn định. Doanh thu bán lẻ trong tháng 9/2019 giảm 4,1%. Đây là lần đầu tiên doanh thu bán lẻ suy giảm trong 7 tháng qua. Ngày 31/10/2019, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần thứ ba trong năm nay với mức giảm 0,25%, xuống biên độ khoảng 1,5-1,75%; đồng thời phát tín hiệu không cắt giảm thêm lãi suất trong thời gian tới trừ khi kinh tế Mỹ diễn biến xấu.

Khu vực châu Âu tiếp tục có xu hướng tăng trưởng chậm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp tháng 9/2019 đạt mức 50,1 điểm, giảm so với tháng 8 (51,9 điểm). Sản xuất công nghiệp tháng 8/2019 tăng 0,4% so với tháng trước. Lạm phát tháng 9/2019 chỉ đạt 0,8%, giảm so với mức 1,0% của tháng 7 và tháng 8/2019. Thất nghiệp tháng 8/2019 ở mức 7,4% - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008.

Kinh tế Nhật Bản vẫn đối mặt với bất ổn. Chỉ số PMI sản xuất giảm xuống còn 48,9 điểm trong tháng 9/2019 so với mức 49,3 điểm trong tháng 8/2019. Cán cân thương mại thâm hụt 136,3 tỷ yen trong tháng 8/2019. Xuất khẩu giảm 8,2% (còn 6,14 nghìn tỷ yen) so với tháng đầu năm. Nhập khẩu giảm 12% (còn 6,28 nghìn tỷ yen). Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9/2019 cũng giảm 1,5 điểm so với  tháng trước xuống còn 35,6 điểm.

Ngoài ra, kinh tế Nhật Bản còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào 1/10/2019 và tác động của cơn bão Hagibis. Tăng thuế tiêu dùng có thể tác động mạnh đến nền kinh tế Nhật Bản và làm giảm nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận dân chúng.

Kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 16/10 tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm 2019, đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục yếu đi. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và tình trạng giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm qua. Tăng trưởng GDP quý III/2019 chỉ đạt 6%, tiếp tục giảm từ mức 6,2% của quý II/2019 chủ yếu do sự giảm nhu cầu trong nước và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 6-6,5% trong năm 2019 của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 3 quý đầu 2019 tăng 2,5%; tháng 9/2019 tăng 3% so với cùng kỳ 2018 (mức tăng mạnh nhấp trong 6 năm qua), nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt lợn tăng gần 70%.

Thị trường tài chính tiền tệ thế giới tương đối biến động. Chỉ số USD Index trong tháng 10/2019 giảm nhẹ xuống mức 97 điểm từ mức 98 điểm trong tháng 9/2019. Đồng NDT giảm nhẹ so với đồng USD (0,7%) so với tháng trước đó. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, các nền kinh tế lớn tiếp tục nới lỏng tiền tệ.

Ngoài Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tháng 9 đã giảm lãi suất tiền gửi xuống -0,5% từ mức -0,4%, giữ nguyên hoặc giảm lãi suất cho vay và tái khởi động lại chương trình mua tài sản (chương trình nới lỏng định lượng – QE) từ ngày 1/11 với 20 tỷ euro (22 tỷ USD) mỗi tháng, kéo dài tới khi được mục tiêu lạm phát. Trong những nỗ lực nhằm hỗ trợ tăng trưởng, Trung Quốc ngày 16/10, đã bơm 200 tỷ Nhân dân tệ (28 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn cho các ngân hàng, nhằm duy trì khả năng thanh khoản trên thị trường.

Giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp trong 10 tháng đầu năm 2019 do những bất ổn chính trị thế giới và lo ngại kinh tế toàn cầu suy giảm; giá dầu mỏ trong tháng có xu hướng hạ nhiệt sau khi tăng mạnh trong tháng 9 do sự kiện tấn công dầu mỏ ở Iran; giá nông sản tháng tiếp tục xu hướng tăng. Giá vàng trong tháng 10/2019 tiếp tục biến động tuy nhiên có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước do có những tín hiệu tích cực từ đàm phán Mỹ - Trung và tín hiệu tích cực từ BREXIT.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục