Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kinh tế Trung Quốc tìm lối thoát
Chủ nhật: 19:33 ngày 13/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giảm thuế, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nới lỏng tiền tệ… là những biện pháp lớn được Chính phủ Trung Quốc nhắm đến trong năm 2019 với mong muốn ngăn đà tuột dốc của nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2019 tiếp tục xuống thấp hơn trong năm 2018.

Giảm thuế

Trung Quốc từng đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vào năm 2018 và dự kiến tiếp tục có nhiều biện pháp nữa trong những tháng tới để giảm nguy cơ suy giảm kinh tế sâu hơn. Theo một báo cáo đăng trên trang web của Chính phủ Trung Quốc ngày 11-1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết việc thực hiện cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chủ yếu là để hỗ trợ việc làm.

Hôm 9-1, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục giảm thuế cho các công ty nhỏ hơn. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn thông báo các nhà chức trách sẽ tăng cường cắt giảm thuế và phí để giảm bớt gánh nặng cho công ty. 

Để hạn chế đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Trung Quốc tung một gói giảm thuế có quy mô 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 29 tỷ USD. Đây là gói giảm thuế trong thời gian 3 năm dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - lực lượng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Chương trình hỗ trợ này được đưa ra đồng thời với kế hoạch của Bắc Kinh về tăng mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm nay.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) từng tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm giải phóng một lượng vốn tương đương khoảng 117 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng. Hồi tháng 12-2018, PBoC cũng triển khai một chương trình khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị kẹt vốn do chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh.

Loạt biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có thêm nhiều dấu hiệu giảm tốc đáng lo ngại. Số liệu công bố ngày 9-1 cho thấy, doanh số thị trường ô tô Trung Quốc giảm 6% trong năm 2018, đánh dấu năm giảm đầu tiên trong hơn 2 thập niên. Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 6%-6,5%, so với mức 6,6% trong năm 2018.

Chấp nhận thâm hụt ngân sách

Việc áp dụng song song các biện pháp kích thích đi kèm nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc ngân sách của Chính phủ Trung Quốc sẽ thâm hụt lớn. Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Trung Quốc dự kiến nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách 2019 lên 2,8% GDP, so với mục tiêu thâm hụt 2,6% GDP trong năm 2018. Kế hoạch này còn chờ sự thông qua của Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 tới.  

10 năm sau khi Trung Quốc ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu bằng một kế hoạch kích thích khổng lồ, các nhà đầu tư đang một lần nữa hướng về Bắc Kinh khi nền kinh tế thế giới cũng đang đứng trước tình trạng tăng trưởng chậm lại, hoặc tệ hơn, vào năm 2019. Trung Quốc đang chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây. Vì vậy, những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc yếu kém là điều đáng lo ngại, trong khi kinh tế Mỹ cũng đã qua đỉnh cao tăng trưởng do gói cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump và kinh tế châu Âu cũng đang bị đình trệ.

Mức tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc đã được cảm nhận trên khắp thế giới, từ cảnh báo lợi nhuận của Apple giảm đến việc công ty sản xuất ô tô Jaguar Land Rover sa thải công nhân, sau khi doanh số bán ô tô ở Trung Quốc giảm trong năm 2018. Theo Reuters, Trung Quốc dự kiến sẽ làm nhiều hơn để kích thích nền kinh tế của mình, mặc dù các quan chức ở Bắc Kinh nói rằng họ không có kế hoạch kích thích như mức độ của gói trị giá gần 600 tỷ USD được tung ra vào năm 2008, ngay sau khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ. 

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục