Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chất nghệ sĩ của một nhiếp ảnh gia không chỉ thể hiện qua từng bức ảnh, đề tài họ khai thác mà còn đến từ phong cách sống của mỗi người. Nét phong trần, có chút gì đó lãng tử, nhưng cũng khá “lập dị” của Đặng Thế Anh (sinh năm 1982, ngụ thị trấn Châu Thành) khiến nhiều người tin tưởng, tay máy này có thể cho ra những tác phẩm độc đáo, mang chất riêng không hoà lẫn với ai.
Sau mỗi lần tác nghiệp, Thế Anh thường rửa ảnh tặng cho các nhân vật.
Lưu giữ nét đẹp các dân tộc
Lựa chọn theo đuổi ảnh chân dung là một mảng đề tài khó nhằn trong nhiếp ảnh, Thế Anh được đàn anh, đồng nghiệp đánh giá tác phẩm rất có hồn, lột tả được cảm xúc nhân vật. Thời gian gần đây, anh tập trung toàn lực để khai thác chân dung của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Tây Ninh.
Có những ngày một người, một xe rong ruổi khắp các con đường, len lỏi vào trong cộng đồng dân cư ở xóm làng để “săn” ảnh chân dung, và đã có hàng ngàn tấm ảnh được Thế Anh ghi lại. Nhiều tác phẩm chân dung của đồng bào Tà Mun, Chăm, Thái, Khmer… của anh không chỉ đạt giá trị thẩm mỹ, mà còn góp phần lưu giữ những nét văn hoá của đồng bào dân tộc.
“Đa số mọi người không biết Tây Ninh cũng có đa sắc màu văn hoá, dân tộc, nên khi thấy ảnh mình đăng tải trên Facebook, rất nhiều người bày tỏ bất ngờ, thích thú. Đây cũng là động lực để mình tiếp tục khám phá, săn nhiều ảnh hơn với hy vọng có thể góp một phần nhỏ trong việc bảo tồn nét văn hoá của các dân tộc, lan toả chân dung con người Tây Ninh”- Thế Anh bày tỏ.
Chân dung nhiếp ảnh gia Đặng Thế Anh.
Những ngày lang thang tìm hiểu về các dân tộc, Thế Anh vỡ oà vì nét đẹp của họ từ gương mặt cho đến trang phục và bắt đầu lăn xả hơn để có những bức chân dung giá trị. Anh kể: “Lần đầu tiên bước chân vào ngôi làng Chăm, mình rất ấn tượng với trang phục truyền thống của họ, tiếp theo là say đắm nét đẹp, nhất là đôi mắt vừa bí ẩn, vừa cuốn hút. Để chụp được ảnh chân dung của phụ nữ Chăm rất khó, vì họ sống khép kín, e dè trước người lạ. Mình phải thường xuyên đến các ngôi làng để làm quen, tiếp xúc từ từ, họ mới cho chụp hình”.
Mỗi dân tộc đều đọng lại trong Thế Anh những cảm xúc riêng biệt, anh còn mua hẳn sách về văn hoá, tôn giáo của các dân tộc để tìm hiểu, nghiên cứu phục vụ cho việc tác nghiệp.
Thế Anh chia sẻ: “Mình ấn tượng với các sư tại các ngôi chùa Khmer, họ lên hình nhìn rất đẹp. Mình cũng bị cuốn hút bởi các vũ công khi trình diễn điệu múa Khmer, có nét gì đó cổ kính. Riêng người Tà Mun, nét mặt của họ nhìn rất cổ xưa. Còn với dân tộc Thái ở Tây Ninh, qua trang phục của họ gợi cảm giác như đang được về với vùng cao”.
Một bức chân dung đạt yêu cầu, điều quan trọng phải kể đến là biểu cảm của nhân vật, vì vậy, nhiếp ảnh gia phải dành nhiều thời gian để tương tác, trò chuyện với họ. Không ít người dù tìm được nhân vật ưng ý cho tác phẩm, nhưng cũng đành bỏ dở khi nhận cái lắc đầu từ chối chụp hình; nhưng với Thế Anh thì khác: “Có lẽ mọi người cảm nhận được sự nhiệt thành và lòng đam mê của mình đối với nhiếp ảnh, nên chỉ cần trò chuyện xíu là họ nhận lời chụp ngay. Hầu như mình không bỏ cuộc trong việc thuyết phục nhân vật nếu như cảm thấy quá thích chân dung của họ.
Như có lần mình gặp một ông lão râu dài ở chùa Khedol, ban đầu ông từ chối, mình đã tìm đến tận nhà, dành nhiều giờ để trao đổi, cố gắng thuyết phục, cuối cùng ông cũng xiêu lòng, nhờ vậy mình đã có một tác phẩm chân dung rất ưng ý”.
Ảnh chân dung đồng bào Chăm do Thế Anh ghi lại.
Cống hiến cho nghệ thuật
Cách đây 10 năm, Thế Anh từng là người tiên phong làm nên xu hướng chụp ảnh ngoại cảnh của tuổi teen tại Tây Ninh. Sau khoảng thời gian trải qua nhiều thăng trầm, có lúc từng gác máy, anh nhận ra bản thân không phù hợp kinh doanh nhiếp ảnh. Thế Anh bắt đầu theo đuổi nghệ thuật chụp ảnh phim, gần đây anh mới quay lại với máy kỹ thuật số và lựa chọn chụp ảnh chân dung như một cách thể hiện cá tính, niềm đam mê muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Có nhiếp ảnh gia hứng thú với cảnh vật thiên nhiên, người thì say mê từng khoảnh khắc đời thường, riêng đối với Thế Anh, đắm chìm trong không gian của những bức ảnh chân dung khiến bản thân như được thôi thúc phải sáng tạo ra nhiều tác phẩm hơn nữa.
Phong cách chụp hình chậm rãi là những trải nghiệm được Thế Anh tích luỹ từ việc chụp ảnh phim. Anh bộc bạch: “Việc chụp máy ảnh phim sẽ giúp người chụp có kỹ năng tốt hơn, nhất là rèn luyện việc chụp chậm rãi, cẩn thận trong từng bố cục, ánh sáng vì một cuộn phim chỉ chụp được chừng hơn 30 tấm và cũng khá đắt tiền. Do đó, mỗi cú bấm máy đều phải cân nhắc. Các bạn trẻ hiện nay có điều kiện nên đổi máy liên tục, chạy đua theo công nghệ, nhưng đa phần các bạn chụp có phần vội vàng, ít dành tâm huyết để sáng tạo nghệ thuật”.
Thế Anh chú trọng khai thác đôi mắt của nhân vật khi chụp.
Tự nhận mình không phù hợp để chụp ảnh kiếm tiền, Thế Anh luôn cố gắng sống tách biệt với những xô bồ, tập trung cho việc sáng tác ảnh nghệ thuật. Những giây phút được cầm máy tác nghiệp, anh như chìm trong thế giới riêng của chính mình.
“Mình rất thích một câu nói của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu, làm chủ kỹ thuật trước khi làm chủ nghệ thuật. Muốn theo đuổi nhiếp ảnh thì cần phải thuần thục các tính năng của chiếc máy ảnh và kỹ thuật chụp ảnh, từ đó mới có thể tạo ra được những tác phẩm có giá trị” - Thế Anh cho biết.
Để có được bức ảnh chân dung đẹp, việc xử lý hậu kỳ cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần làm cho tấm ảnh nhìn như thật, hút hồn người xem. Vì vậy, nhiếp ảnh gia nếu có kiến thức về mỹ thuật, biết nhấn nhá những chỗ tối, sáng, những đường nét trên gương mặt khi xử lý hậu kỳ sẽ làm cho tấm ảnh chân dung đột phá hơn.
Chân dung một vị sư trẻ người Khmer qua ống kính của nhiếp ảnh gia Đặng Thế Anh.
Nét duyên của người Khmer qua góc nhìn của Thế Anh.
Người dân tộc Thái qua ống kính của nhiếp ảnh gia Đặng Thế Anh.
“Để bức ảnh chân dung có hồn thì đôi mắt là quan trọng nhất. Do từ nhỏ mình đã thích vẽ ảnh chân dung và cũng có theo học nhiều lớp vẽ chân dung truyền thần (thể loại tranh chân dung được vẽ tỉ mỉ từng chi tiết sao cho tranh giống với mẫu nhất) nên khi chụp chân dung cảm thấy rất tự tin” - Thế Anh bộc bạch.
Anh bày tỏ mong muốn: “Mình muốn chụp chân dung nhiều dân tộc hơn nữa, không chỉ riêng của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác. Muốn rèn luyện tay nghề ngày càng tiến bộ hơn để đi đến tận cùng của bộ môn nhiếp ảnh chân dung”.
Hoà Khang