Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sản phẩm đồ dùng học tập từ bã mía không chỉ thân thiện với môi trường, còn có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.

Bằng những kiến thức ở trường đại học và niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, cô giáo Nguyễn Thị Lương (sinh năm 1983), giáo viên môn Sinh học trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) đã cùng 2 học sinh của mình sáng chế thành công sản phẩm phục vụ cho quá trình học tập của học sinh mầm non từ bã mía, góp phần bảo vệ môi trường.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp khoa Sinh học tại Đại học Vinh, cô Nguyễn Thị Lương tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành động vật học, cô về nhận công tác tại trường THPT Hoàng Văn Thụ cho đến nay.
Căn nhà nhỏ của gia đình cô Lương nằm ở ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, bài trí nhiều vật dụng phục vụ cho học sinh mầm non như: bảng chữ cái, đồ chơi, hộp đựng bút, những lọ hoa xinh xắn được làm từ bã mía.
Cô Lương cho biết, ý tưởng xây dựng lối sống thân thiện với môi trường và ước mơ tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên được cô ấp ủ từ khi vào đại học. Nhận thấy rác thải từ bã mía có khá nhiều trong đời sống sinh hoạt, từ đó, cô suy nghĩ làm thế nào để tận dụng được nguyên liệu này để tạo ra các sản phẩm hữu ích, phục vụ đời sống.

Với tinh thần đam mê sáng tạo, dám nghĩ dám làm, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu từ sách vở kết hợp với kiến thức đã học, tháng 9.2024, cô Lương cùng hai em học sinh Bùi Bàn Luận (lớp 10A1) và em Nguyễn Huỳnh Nhi (lớp 10A3), trường THPT Hoàng Văn Thụ bắt đầu thực hiện đề tài “Học từ thiên nhiên - tạo các sản phẩm cho học sinh mầm non từ nguyên liệu bã mía”. Qua đó phát triển các sản phẩm đồ dùng giáo dục, sử dụng bã mía như một nguyên liệu chính đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển của học sinh mẫu giáo, bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường.
Quy trình tạo ra sản phẩm từ bã mía, cô Lương và các học trò phải thực hiện nhiều công đoạn như: chuẩn bị nguyên liệu gồm bã mía, chất kết dính tự nhiên, nước và các dụng cụ cần thiết khác; sấy khô và nghiền mịn bã mía; trộn bã mía với chất kết dính và màu tự nhiên theo tỷ lệ 7:3; tạo hình sản phẩm bằng khuôn và nén chặt; sấy sản phẩm dưới trời nắng và kiểm tra hoàn thiện sản phẩm.
Sau 5 tháng nghiên cứu cùng rất nhiều lần thử nghiệm thất bại, tháng 1.2025, cô Lương và học trò đã thành công tạo ra được những đồ dùng học tập, đồ chơi từ nguyên liệu bã mía và tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh của học sinh THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm học 2024-2025.

Em Bùi Bàn Luận, học sinh lớp 10A1 chia sẻ: “Ban đầu sản phẩm làm ra chưa đạt chất lượng do bã mía xay chưa nhuyễn, xử lý chưa sạch, tỷ lệ pha trộn chưa bảo đảm. Ngoài ra, một thách thức lớn là làm sao để tạo ra các đồ chơi không chỉ hấp dẫn mà còn mang tính giáo dục và gắn với quá trình học tập của các em. Lúc đó, cô trò cùng bàn bạc, thử nghiệm, khó đến đâu thì tháo gỡ đến đó. Với sự hỗ trợ tích cực của mọi người, đề tài cũng đã đem lại kết quả mỹ mãn theo yêu cầu đề ra”.
Đồng hành cùng các em học sinh, cô Lương bày tỏ, việc thực hiện đề tài đã giúp các em ngày càng hoàn thiện về bản thân từ kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu đến tìm hiểu, giải quyết vấn đề… Ngoài việc trang bị thêm kiến thức về chuyên môn, những kỹ năng cần thiết, hoạt động còn giúp các em yêu quý môi trường, biết sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với thiên nhiên.
“Ở nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có nguồn tài nguyên thực vật dồi dào như lục bình, bã mía… nếu biết khai thác đúng cách, không chỉ góp phần giảm rác thải, bảo vệ môi trường, còn tạo ra giá trị kinh tế và việc làm cho lao động địa phương. Hy vọng rằng, sản phẩm sẽ phần nào mang đến sự thay đổi ý thức của người tiêu dùng, giúp mọi người hướng đến lối sống xanh, bền vững”- cô Lương bộc bạch.

Chia sẻ về đề tài nghiên cứu của cô Nguyễn Thị Lương và hai em học sinh khối 10, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ Nguyễn Văn Hùng đánh giá, sản phẩm đồ dùng học tập từ bã mía của hai em học sinh dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Lương không chỉ thân thiện với môi trường, còn có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.
Với tính độc đáo, góp phần bảo vệ môi trường, đề tài đã vinh dự đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh của học sinh THCS, THPT tỉnh Tây Ninh năm học 2024-2025; đạt giải triển vọng cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh THCS, THPT cấp quốc gia năm học 2024-2025.
Hà Quang