Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại” – Khúc tráng ca lịch sử anh hùng
Chủ nhật: 21:26 ngày 20/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Ký ức để lại” là lời tri ân sâu sắc với những chiến công, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng an ninh trong kháng chiến. Chương trình được dàn dựng công phu với sự góp mặt gần 500 nghệ sĩ theo hình thức đại nhạc kịch.

Chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại”.

Những ngày tháng tư về, miền biên viễn Tây Ninh nắng trải vàng rực rỡ. Những hàng cây phượng vĩ hoa nở đỏ mùa thương. Tháng tư bình yên trong tiếng reo ca giữa khúc hát giao mùa của đất trời. Bỗng lắng lòng trong giai điệu du dương của khúc ca “Về lại Tây Ninh căn cứ xưa rừng tươi xanh. Về đất Gò Dầu đây Vàm Cỏ Đông. Hỏi dòng sông, dòng sông còn nhớ. Trong lửa đạn năm xưa, con thuyền nào đưa cán bộ vượt sông...“.

Chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại” được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19.8.2005 - 19.8.2025).

Tối 19.4, cũng như bao người dân Tây Ninh khác, tôi háo hức tìm về Quảng trường Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tỉnh Tây Ninh. Hoà trong không khí trầm ấm thiêng liêng của dòng người, tôi đến với chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại” để hiểu và thương hơn những tháng năm quê hương chìm trong khói lửa đạn bom, để kính cẩn cúi đầu trước những con người đã khắc tạc đời mình vào hồn thiêng sông núi.

Người xem như lắng lòng lại, vỡ oà trong bao xúc cảm. Những đoàn quân từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam, sát cánh cùng đồng bào miền Nam trong cuộc chiến cam go. Quyết tâm đuổi giặc sôi sục ngút trời, sẵn sàng hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chương trình tái hiện những ngày tháng không thể nào quên - vùng đất lửa Tây Ninh khốc liệt trong cuộc hành quân Junction City (Gianxơn xity) do đế quốc Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn tiến hành tấn công vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh vào mùa khô năm 1967.

Đây mảnh đất tàn khốc chiến tranh

Nơi những ngày qua mùa khô năm sáu bảy (1967)

Địch mở cuộc hành quân chưa từng thấy

Chúng đặt tên Gian-xơn Xi-ti.”

Thời điểm ấy, Bộ Tư lệnh Mỹ đã rất quan tâm đến vùng căn cứ Bắc Tây Ninh. Mỹ không ngớt tuyên truyền gọi vùng chiến khu Bắc Tây Ninh này là "đất thánh của Việt cộng" có "Nhà Trắng" và "Lầu Năm góc", tức là có các cơ quan đầu não của Trung ương Cục, Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Vì vậy mà:

Quân đội viễn chinh và quân đội Sài Gòn

Rầm rộ hành quân lên Lò Gò - Xa Mát

Những binh đoàn, xe tăng, xe thiết giáp

Máy bay trực thăng đen kịt bầu trời

Chúng muốn biến chiến khu thành tro bụi

Quyết phá tan lực lượng của ta…

Những dấu chân quân thù giày xéo

Tan nát Củ Chi, Bến Súc, Trảng Bàng”.

Thương quá Tây Ninh! Thương quá đất nước mình. Miền đất an lành trù phú Tây Ninh với những cánh rừng nguyên sinh mướt mát bỗng hoá tiêu điều, cạn kiệt nguồn sinh. Rừng không còn tiếng chim, cây vương thuốc súng. Kẻ thù tàn bạo khát máu, hòng huỷ diệt Tây Ninh cho kỳ được.

Chúng biết Tây Ninh có R- Trung ương cục

Thám báo biệt kích phủ đặc uỷ, cảnh sát

Lính nguỵ ken dày mỗi tấc đất Tây Ninh

Chúng truy tìm và ra tay tàn sát

Rồi chất độc chúng rải trắng khắp rừng

Lá cây rừng còn đọng bao máu loang”.

Chiến trường Tây Ninh chìm trong khói lửa đạn bom suốt hàng chục năm. Máu xương bao người đã thấm dày vào đất mẹ. Bao nhiêu trái tim cảm tử quên mình. Khối căm hờn hoà trong tiếng khóc, nỗi đau nhà tan nước mất hoá thành sức mạnh bền gan, thành ngọn lửa đấu tranh rực sáng, quyết tâm giữ từng tất đất ngọn cây.

Tình yêu biến thành sức mạnh vô song. Quân và dân Tây Ninh đã chiến đấu hết sức quả cảm, kiên cường để bảo vệ quê hương, bảo vệ Trung ương Cục- bảo vệ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Không ở đâu ác liệt như nơi đây, và cũng không nơi nào giàu sự tích anh hùng như mảnh đất này... Những tên xóm, tên làng đã hoá thành lịch sử.

Chiến dịch diễn ra trong điều kiện so sánh lực lượng chênh lệch hơn hẳn về phía Mỹ, nhưng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã giành được thắng lợi toàn diện. Mỹ kết thúc cuộc hành quân Gianxơn Xity.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nhận xét: “Cuộc hành quân Gianxơn Xity là một cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng”. Thành quả ấy còn là lời khẳng định mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, truyền thống anh hùng của dân tộc ta, đặc biệt là tinh thần thép của người chiến sĩ an ninh.

Chương trình khép lại với hình ảnh đất lửa Tây Ninh của hôm nay đã thay da đổi thịt. Những cánh rừng bạt ngàn vùng căn cứ Bắc Tây Ninh ngày nào khô vàng, gãy gục do bom pháo và chất độc hoá học, giờ đã xanh màu.

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng Văn hoá lịch sử Chàng Riệc, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng và những cánh rừng cao su, mì, mía bạt ngàn bất tận một miền xanh. Một mùa xuân tươi mới đã hiện hữu giữa đất trời Tây Ninh.

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ 50 năm. Chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại” đã khắc tạc khúc tráng ca oanh liệt của quân dân ta trong hành trình bảo vệ Tổ quốc. Nhắc lại quá khứ để thêm thấu hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chúng tôi- những người con của vùng đất Tây Ninh hôm nay, xin được thắp nén tâm hương, xin được cúi đầu tri ân trước những con người làm nên lịch sử, sống tận hiến cho Tổ quốc như một đoá hoa tươi thơm ngát giữa đời.

Mai Thảo

* Bài viết có sử dụng tư liệu được trích từ trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” của nhà thơ Châu La Việt.

Tin cùng chuyên mục