Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những thay đổi về cư trú sẽ được điều chỉnh trên hệ thống thông tin điện tử chứ không điều chỉnh trên sổ hộ khẩu giấy. Sau này, người dân có thể sử dụng CCCD gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
Công an đến tận nhà làm CCCD gắn chip cho người lớn tuổi, đi lại khó khăn.
Ngày 1.7.2021, khi Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực, công tác triển khai gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19. Trong quá trình thực hiện, lực lượng Công an tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính theo quy định mới.
Trước đó, UBND tỉnh kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Cư trú năm 2020, yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về nội dung cơ bản của Luật Cư trú; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trong việc triển khai thi hành Luật Cư trú, các thông tư quy định chi tiết thi hành.
Để triển khai luật mang lại hiệu quả cao, Công an tỉnh in ấn, phát tài liệu, tổ chức hội nghị triển khai tập huấn, quán triệt đến Công an các xã, phường, thị trấn và một số đơn vị có liên quan về nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Cư trú năm 2020. Qua buổi tập huấn, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ cơ bản hiểu và nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của luật và các thông tư hướng dẫn thi hành trong thực hiện quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nắm chắc quy trình đăng ký, quản lý cư trú; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cư trú do địa phương ban hành không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, thay thế.
Đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cư trú bằng những hình thức đa dạng, nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Đơn vị in tờ rơi hướng dẫn quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến, những thuận lợi khi thực hiện, giới thiệu về các dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú… Đồng thời, gửi những tờ rơi này cho Công an các huyện, thị xã, thành phố để phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, mọi người dần nắm rõ quyền, trách nhiệm công dân cũng như các thủ tục, điều kiện, thời gian, hình thức thực hiện đăng ký cư trú theo phương thức mới, có ý thức tự giác chấp hành.
Công an tỉnh cũng thường xuyên rà soát, đánh giá, bảo đảm nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác phục vụ triển khai thi hành Luật Cư trú. Căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu công tác, chiến đấu, đơn vị rà soát, lập danh sách số cán bộ, chiến sĩ có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, có tinh thần trách nhiệm cao để bố trí cho Công an các xã bảo đảm phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm và sở trường của từng người khi về công tác ở địa bàn cơ sở; tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, xây dựng, cải tạo trụ sở Công an các xã bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện Luật Cư trú.
Công an phát tờ rơi giới thiệu về các dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an các xã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc hiệu quả theo đúng quy định của Luật Cư trú mới. Công an xã chính quy làm tốt việc tiếp nhận thực hiện công tác quản lý cư trú (kể cả tiếp nhận hồ sơ trực tiếp và tiếp nhận hồ sơ trên cổng dịch vụ công), thu thập thông tin, nắm hộ, nắm người. Năm 2021, lực lượng Công an xã trực tiếp làm công tác đăng ký cư trú có 188 người; 6 tháng đầu năm 2022 có 238 người. Công an tỉnh tiếp tục rà soát tăng cường biên chế lực lượng cho Công an cấp xã, bảo đảm thực hiện Luật Cư trú cũng như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công an các cấp thường xuyên phối hợp với tư pháp cùng cấp trong triển khai thực hiện Luật Cư trú, phối hợp rà soát trẻ em đã đăng ký khai sinh nhưng chưa đăng ký thường trú, người đã báo tử nhưng chưa xoá đăng ký thường trú, sai lệch trong thông tin công dân; phối hợp, giải quyết đăng ký hộ tịch cho số dân di cư tự do, rà soát sai lệch dữ liệu tiêm chủng phòng, chống Covid-19 so với dữ liệu dân cư…
Tính đến cuối tháng 7.2022, tổng số nhân khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh là 1.378.496 nhân khẩu, đã thu thập DC01 (Phiếu thu thập thông tin dân cư) đạt 99,3%.
Luật Cư trú năm 2020 có 7 chương 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Đáng chú ý là việc thay đổi phương thức quản lý cư trú. Từ ngày 1.7.2021, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hoá, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú và số định danh cá nhân. Theo quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật Cư trú năm 2020, mọi thông tin về cư trú sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật.
Theo quy định mới, bên cạnh việc nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận của cơ quan đăng ký cư trú có thêm hình thức đăng ký cư trú trên Cổng dịch vụ công. Việc quản lý cư trú qua Cổng dịch vụ công chấp hành đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh an toàn hệ thống, thực hiện đúng các quy trình bảo mật trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ công về cư trú. Các dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú như đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.
Để mọi người kịp thời nắm bắt thông tin về quy định mới, trong quá trình người dân đến trụ sở Công an để làm giấy tờ, lực lượng chức năng hướng dẫn bà con tiếp cận, sử dụng phần mềm nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng.
Sau khi thực hiện các thao tác trên Cổng dịch vụ công, anh Trần Thanh Hùng, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết: “Lúc mới bắt đầu sử dụng, còn bỡ ngỡ, chưa thuần thục trong việc nhập thông tin, đăng ký tài khoản. Sau khi được cán bộ hướng dẫn, tôi thấy thao tác khá đơn giản, dễ làm. Việc quản lý cư trú chuyển từ thủ công sang số hoá, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp người dân tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí đi lại”.
Theo Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Tây Ninh, thời gian qua, đơn vị đẩy mạnh việc cấp CCCD gắn chip điện tử cho người từ đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn để chuẩn bị phục vụ cho thực hiện quy định về Luật Cư trú, đến ngày 31.12 sẽ bỏ sổ hộ khẩu.
Lực lượng tập trung thực hiện công tác cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý cư trú. Đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền quyết liệt bằng nhiều hình thức như qua đài truyền thanh, mạng xã hội, gặp gỡ trực tiếp tại nơi tiếp nhận hồ sơ để hướng dẫn người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến.
Đại uý Lê Anh Tuấn- Phó trưởng Công an phường IV, thành phố Tây Ninh cho biết, Công an phổ biến trực tiếp thông qua các buổi họp tổ dân cư tự quản, chuyển thông tin lên nhóm zalo của 73 tổ dân cư tự quản và ban điều hành các mô hình vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm… để hướng dẫn người dân thủ tục đăng ký cư trú.
Quá trình thực hiện công tác chuyên môn, hằng ngày, cảnh sát khu vực sẽ xuống địa bàn để thăm hỏi hộ dân, đồng thời lồng ghép tuyên truyền về Luật Cư trú cho bà con nắm.
Trong quá trình mời công dân đi làm CCCD, Công an phường cũng tuyên truyền cho mọi người hiểu về Luật Cư trú mới, đặc biệt là quy định tại khoản 3, Điều 38, bắt đầu từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng.
Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử, thay vì thủ công như trước đây.Từ ngày 1.7.2021, thời điểm luật có hiệu lực, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đưa vào hoạt động, công dân thực hiện các thủ tục về cư trú, lực lượng Công an sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu quản lý cư trú. Những thay đổi về cư trú sẽ được điều chỉnh trên hệ thống thông tin điện tử chứ không điều chỉnh trên sổ hộ khẩu giấy. Sau này, người dân có thể sử dụng CCCD gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Cư trú năm 2020 về đăng ký, quản lý cư trú góp phần hỗ trợ cho công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư phục vụ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD, triển khai Đề án 06 tiến tới chính phủ số.
Phương Thảo
(Còn tiếp)