Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Một thời không quên của người nữ biệt động Thị xã
Kỳ 1: Chiến công gần như huyền thoại
Thứ năm: 19:04 ngày 02/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong bộn bề công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển xã hội trên khắp đất nước, không thể không tồn tại những trường hợp cá biệt của người có thành tích đặc biệt xuất sắc nhưng chưa được đánh giá, đền đáp xứng đáng với tầm vóc chiến công. Một trong những trường hợp tồn đọng đó, là một phụ nữ, có địa chỉ thường trú tại phường 3, thành phố Tây Ninh, mà thành tích kháng chiến của chị còn ghi trong nhiều tài liệu lịch sử của tỉnh gần như là “huyền thoại”.

Chiến tranh qua đi, đất nước ta hoàn toàn độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ đã gần 42 năm. Trong hơn bốn thập niên đó, cùng với những nỗ lực bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước cùng toàn dân ta luôn tích cực thực hiện việc “đền ơn, đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, từng cống hiến, hy sinh xương máu để giành lấy độc lập dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Tuy nhiên, trong bộn bề công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển xã hội trên khắp đất nước, không thể không tồn tại những trường hợp cá biệt của người có thành tích đặc biệt xuất sắc nhưng chưa được đánh giá, đền đáp xứng đáng với tầm vóc chiến công.

Một trong những trường hợp tồn đọng đó, là một phụ nữ, có địa chỉ thường trú tại phường 3, thành phố Tây Ninh, mà thành tích kháng chiến của chị còn ghi trong nhiều tài liệu lịch sử của tỉnh gần như là “huyền thoại”.

Đó là trường hợp của chị Lê Thị Hai (còn có tên là Võ Thị Lan). Năm 1968, sau cái tết Mậu Thân kinh hoàng, nhà cầm quyền chế độ Sài Gòn ở Tây Ninh ra sức lùng sục, bắt bớ những người chúng nghi ngờ có dính líu với “Việt cộng”.

Chị Hai cũng bị bắt vì chúng biết chị chơi thân với hai cô bạn là cơ sở cách mạng. Hai cô bạn đã bị bắt đó trước về “tội” rải truyền đơn chống Mỹ nguỵ. Thế là cô nữ sinh lớp đệ tứ (nay là lớp 9/12) Trường trung học Công lập Tây Ninh, mới 18 tuổi đã phải dở dang việc học. Chị bị giam trong tiểu khu Tây Ninh.

Bọn địch bắt chị phải chứng kiến những trận đòn hết sức dã man đối với những người chúng cho là “Việt cộng” để “dằn mặt”. Sau đó, chúng đánh đập, tra tấn chị bằng cách chích điện, chị vẫn một mực bảo là không biết gì hết, không làm gì hết, chỉ đi học thôi. Không có bằng chứng kết tội chị Hai, chúng phải thả chị ra sau hai mươi chín ngày giam cầm vô cớ.

Xóm nhỏ Bình Trung, vùng ven Thị xã, nay thuộc phường 1, thành phố Tây Ninh, lúc bấy giờ bị kẹp giữa ba gọng kìm, mỗi nơi chỉ cách vài cây số. Nào là căn cứ biệt kích Tua Hai, nào căn cứ bộ binh - không vận Trảng Lớn của Mỹ, nào là tiểu khu quân sự nguỵ ở trung tâm Thị xã. Vậy mà Bình Trung vẫn có nhiều cơ sở trung kiên, là đầu cầu để lực lượng cách mạng thọc sâu vào Thị xã.

Gia đình chị Hai Lan năm mẹ con đùm túm nhau từ Mỏ Công về Bình Trung sinh sống để né tránh sự dòm ngó của bọn tề điệp ở Mỏ Công, và cũng tiện cho chị đi học gần. Cha chị là cán bộ Nam tiến, công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục trên R. Bọn chó săn ở Tua Hai đánh hơi được, nên có một thằng biệt kích cũng là dân Bình Trung làm bộ ra vô nhà tán tỉnh chị hòng moi móc tin tức “Việt cộng nằm vùng”.

Mấy chú, mấy anh Thị uỷ (nay là Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Tây Ninh) quyết định phải khử thằng giặc nguy hiểm này. Đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên Thị uỷ tin tưởng giao cho chị. Bàn tay nữ sinh chưa một lần cầm súng, tuy có run nhưng chị cũng bắn gục kẻ địch, ghi dấu ấn đầu tiên trong chuỗi dài thành tích đáng tự hào của chị - người nữ chiến sĩ cách mạng chưa tròn tuổi đôi chín mộng mơ.

Sau trận tiêu diệt tên biệt kích ác ôn, chị Hai thoát ly ra rừng Trà Vong tham gia kháng chiến. Chị lao vào chiến đấu, mưu trí, gan dạ, lập nhiều chiến công vang dội, đến mức bọn biệt kích, thám báo ở Tua Hai, ở tiểu khu Tây Ninh “treo giá” chị. Mỗi lần hành quân, chúng rêu rao khắp xóm Bình Trung, lần này nhứt quyết phải bắt bằng được “Con Hai Việt cộng”. Tất nhiên, gia đình chị bị chúng rúng ép đủ trò, vì vậy bất chấp gian khổ, hiểm nguy, chị chỉ có một mục đích đánh thắng giặc để gia đình đoàn tụ, sống yên vui bên nhau, để chị được gần gũi chăm sóc người cha mà chị đã phải xa cách từ thời thơ bé… Vì mục đích đó mà chị quên cả tuổi xuân, đang thì con gái của mình. Thoát ly chưa bao lâu chị đã là Trung đội trưởng Trung đội Biệt động, lại còn kiêm luôn chức Hội trưởng Hội Phụ nữ Thị xã.

Sau Chiến dịch Mậu Thân, cuộc chiến ngày càng khốc liệt, lực lượng kháng chiến ở Tây Ninh cũng như trên khắp miền Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, gian khổ. Cơ quan Thị uỷ thị xã Tây Ninh, nơi chị Hai công tác, không trú đóng cố định một chỗ nào lâu. Khi thì ở Giồng Cà, sát nách Thị xã, khi thì rút sâu vô rừng Trà Vong, lúc lại chuyển sang bên kia sông Vàm Cỏ Đông, lên tận vùng biên giới Bến Cầu. Riêng chị vẫn như con thoi, lên căn cứ, xuống địa bàn, làm công tác vũ trang tuyên truyền. Hoạt động của chị không chỉ nhằm diệt ác phá kìm, mà còn phải đi sát dân, giữ vững phong trào, củng cố niềm tin tất thắng cho bà con cô bác đang sống trong vùng tạm chiếm trung tâm tỉnh lỵ.

Biết bao lần chị đột nhập vào tận bót Bình Trung, bót Thái Vĩnh Đông, chỉ một mình chị với vài ba anh du kích mật cũng đánh tan, bức rút những trung đội bảo an, bình định. Chị táo bạo hoá trang cùng với một anh ở Tỉnh đội vào tận cổng Toà hành chính tỉnh (trụ sở UBND tỉnh ngày nay), xéo góc tiểu khu Tây Ninh (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) trừ khử hai tên cảnh sát dã chiến giữa ban ngày.

Chị dẫn cả Trung đội chia làm hai mũi theo đường Thái Vĩnh Đông xuống phố Gia Long, cắt ngang con hẻm vào trước nhà lồng chợ Tây Ninh, gần đầu cầu Quan, dùng B40 diệt gọn một tiểu đội lính nguỵ đang ăn nhậu tại “phố ăn đêm”. Chị dũng cảm nghi binh thu hút hoả lực ngay trước rạp hát Thanh Sơn cho một đồng đội trừng trị tên Trưởng ấp Bình Trung khét tiếng ác ôn, chuyên khủng bố bà con xóm làng nhà chị…

Hành tung “xuất quỷ nhập thần” của chị Hai Lan khiến bọn biệt kích ở Tua Hai, bọn chỉ huy địch ở tiểu khu Tây Ninh thất điên bát đảo. Chúng tung bọn biệt kích, thám báo đi lùng sục, quyết bắt sống chị.

Có lần từ căn cứ Cà Tuông, chị cùng ông Bí thư vùng 1 đi về Thị xã để gặp cơ sở, bất ngờ bị địch phục kích cặp đường mòn trong rừng. Chị đi trước bị hai tên địch xông ra chĩa súng vào hông. Thà hy sinh chứ không để địch bắt, chị bất thần chộp lấy hai nòng súng đẩy lên cao, hai tên địch phản ứng siết cò, khi dứt tiếng nổ của hai băng đạn tiểu liên cực nhanh, chị hất súng hai tên địch dạt ra hai bên và bỏ chạy thẳng vào đội hình phục kích của địch.

Bọn địch hoang mang không dám nổ súng vì sợ bắn vào nhau, trong khi chị nhờ thông thuộc địa hình nên biết nơi chúng phục kích có một trảng cỏ tranh, chạy đến bìa trảng chị lủi nhanh vào đám tranh bít bùng và chạy thoát.

Trước đó, khi chị bất ngờ chạm địch, ông Bí thư vùng 1 đi sau đã kịp nhanh chân chạy thoát khỏi ổ phục kích. Chị và người đồng chí trở về căn cứ an toàn, nhưng hai bàn tay chị đã bị phồng rộp lên vì bỏng nặng.

Mấy năm sau, đến “mùa hè đỏ lửa 1972”, chị đã bước sang tuổi hăm hai. Như một nhành lan nở tươi, ngào ngạt toả hương trong thăm thẳm rừng sâu chẳng cần ai hay biết, chị vẫn hồn nhiên sống vui cùng đồng đội trong những ngày tháng ác liệt khó khăn. Có một đồng đội về căn cứ Thị uỷ công tác, vừa đến nơi thì lăn ra sốt, rét run cầm cập. Chị đang tíu tít lo tìm cách hạ sốt chăm sóc cho anh bệnh binh thì giặc càn tới. Nơi chị trú đóng lại là mũi tiến công chính diện của địch. Lúc này ở đây chỉ có năm người kể cả anh bệnh binh, gồm ông Trần Hồng Tư, Bí thư Thị uỷ, một chiến sĩ bảo vệ kém chị vài tuổi, một chú liên lạc tuổi mới mười ba và chị Hai Lan.

Cả năm người chỉ có hai tay súng là chị và anh bảo vệ. Nghe tiếng rừng động chị biết giặc rất đông và đang đến rất gần. Chị vội vàng vừa rải dây gài mìn claymore, vừa ra lệnh cho anh chiến sĩ đưa ông Tư về tuyến sau, còn chị ở lại chiến đấu, vừa cản đường tiến công của địch bảo vệ lãnh đạo rút đi an toàn, vừa lo lắng người bệnh binh đang sốt mê man trong hầm.

Chú bé liên lạc không chịu bỏ chị một mình, nằn nì xin chị cho ở lại, không có súng thì đánh mìn. Chị đưa cốt mìn cho chú bé và dặn khi nào chị hô bấm thì bấm. Giặc xung phong đợt đầu, quả mìn nổ vang thổi chúng dội ngược lại, cả chục thằng bỏ mạng. Giặc xung phong đợt hai, chị ngồi dưới công sự, được che chắn bởi một thân cây lụt, siết cò lia súng quét chặn được đợt tấn công thứ hai. Bọn địch đền tội khoảng chục tên nữa.

Đến đợt tiến công thứ ba của chúng khi chị phát hiện thì kẻ địch đã bò tới rất gần, nghĩ rằng dùng súng cá nhân khó đẩy lui được giặc nên chị quơ vội khẩu súng M72 của địch bỏ lại từ đợt xung phong trước, nhưng vì chưa từng sử dụng loại binh khí này nên chị bấm cò súng không nổ, chị lại bị trúng đạn vào bụng dưới.

Trước đợt xung phong kế tiếp của địch, chị cắn răng lấy khăn rằn ép vào bụng, bảo chú liên lạc đưa anh bệnh binh lui về tuyến sau, rồi đau quá chị ngất đi, nhưng chỉ thoáng qua chị tỉnh dậy vừa kịp lia súng AK chặn đứng đợt tấn công của giặc. Lúc này trời tối dần, giặc không tràn vào được sau bốn đợt xung phong, nên trút đạn như mưa về hướng công sự của chị rồi rút đi.

Mấy lần chị ngất đi tỉnh lại khi chiến trường lặng im tiếng súng. Chị cố lê về hướng tuyến sau, nhưng chỉ được vài trăm mét thì hôn mê luôn…

NGUYỄN TẤN HÙNG

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục