Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hồ bơi ở trường học- Chưa phát huy hiệu quả hoạt động
Kỳ 1: Chuyện dạy bơi ở một huyện vùng biên
Thứ sáu: 00:23 ngày 20/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực hiện chủ trương phòng, chống đuối nước cho học sinh, những năm qua, tỉnh đã đầu tư trang bị hồ bơi di động cho một số trường học. Tuy nhiên, qua thực tế, thời gian vận hành của những hồ bơi này rất ít.

Hồ bơi ở Trường TH Thanh Hoà xả cạn nước để tránh trường hợp trẻ em lén lút vào hồ bơi (ảnh chụp ngày 5.5.2022)

Trường tiểu học Hoàng Lê Kha, toạ lạc ấp Suối Muồn, xã Thái Bình là một trong 2 trường của huyện Châu Thành được trang bị hồ bơi với kích thước công trình khoảng 5mx10m, chiều cao khoảng 1,4m. Hồ bơi không xây gạch, xi măng và âm dưới mặt đất như kiểu truyền thống mà lắp ráp di động.

Thành hồ bơi là một khung sắt to, tròn, phủ bạt dày và rộng có tác dụng chứa nước. Xung quanh hồ bơi có nhiều ống sắt dựng bên ngoài để chống đỡ. Hồ bơi có cầu thang hình chữ A, thiết kế trùm lên thành hồ để học sinh bước vào, ra. Ngoài ra, hồ còn có máy bơm nước, hệ thống lọc nước và 2 van xả nước thải. Bên trên có lớp lưới che nắng, xung quanh là lưới B40 và cổng rào chắc chắn.

Sáng 5.5, khi chúng tôi đến tham quan thì thấy khu vực hồ bơi khoá cổng im lìm. Bên ngoài hồ bơi rong rêu trơn trượt. Bên trong hồ không có nước. Hai bên thành hồ, ống sắt oằn xuống và có xu hướng ngã vào trong. Xung quanh hàng rào có nhiều cây cỏ dại mọc um tùm, một số dây leo bò lên khung rào.

Ông Trần Văn Hoài- Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Lê Kha cho biết, trước khi xảy ra dịch Covid- 19, trường thông báo cho học sinh khối 4 và 5 đăng ký học bơi. Có một số học sinh đăng ký học, nhiều em biết bơi, được cấp giấy chứng nhận; có vài em còn tham gia thi đấu môn bơi lội tại Hội khoẻ Phù Đổng vòng huyện. Mặc dù không đạt thành tích cao tại Hội khoẻ Phù Đổng nhưng bước đầu cho thấy công trình hồ bơi góp phần "xoá mù" kỹ năng bơi lội cho học sinh khá hiệu quả.

Dịch Covid- 19 bùng phát, Tây Ninh cũng như các tỉnh, thành trên cả nước áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16 của Chính phủ, học sinh ở nhà học online. Từ đó đến nay, hồ bơi ngưng hoạt động. Hiện nay, học sinh đã trở lại trường học, để bảo đảm sức khoẻ cho học sinh, nhà trường tạm ngưng tổ chức dạy bơi.

Dự kiến đến năm học sau hồ bơi mới hoạt động trở lại. Ngoài lý do khách quan nêu trên, qua thực tế sử dụng hồ bơi cho thấy, về thiết kế, hồ bơi có dung tích nước khá lớn, nhưng 2 van xả nước của hồ quá nhỏ. Mỗi lần xả nước phải mất thời gian 1 ngày mới cạn. Để rút ngắn công đoạn này, nhà trường phải sử dụng thêm một máy bơm để bơm nước trong hồ ra bên ngoài.

Để dạy bơi cho học sinh, nhà trường phải nhờ giáo viên thể dục dạy và không có khoản chi trả tiền công cho giáo viên. Nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả đưa con em đến học bơi ở những hồ bơi tư nhân chứ không vào trường học.

Từ thực tế nêu trên, ông Trần Văn Hoài khẳng định: phòng, chống đuối nước cho học sinh là chủ trương đúng đắn cần thực hiện, nhưng không nhất thiết trường nào cũng xây dựng hồ bơi. Đối với những địa phương đã có hồ bơi tư nhân thì thuê hồ cho các em học bơi là thuận tiện nhất. Đối với những trường ở vùng sâu, vùng xa, không có hồ bơi tư nhân mới thật sự cần trang bị hồ bơi cho học sinh.

Trường tiểu học (TH) Thanh Hoà, ấp Thanh Hoà, xã Thanh Điền (điểm phụ của Trường TH Thanh Trung, ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) cũng được lắp đặt một hồ bơi với kích thước tương tự như ở Trường TH Hoàng Lê Kha. Cô Lê Thị Ngọc Thu- Hiệu trưởng Trường TH Thanh Trung cho biết thêm, thời gian đầu mới đưa hồ bơi vào hoạt động, nhiều em học sinh đăng ký, phụ huynh cũng quan tâm đưa đón con em đến học bơi.

Qua thời gian sử dụng, ống sắt của thành hồ đã bị gãy và nghiêng vào bên trong hồ. Nhà trường phải khắc phục tình trạng này bằng cách thuê thợ hàn nối lại ống sắt và lắp đặt thêm một số thanh sắt khác để kéo ống sắt ra ngoài, đúng vị trí thiết kế ban đầu. Hệ thống lọc nước bị hư hỏng.

Mỗi khi cần thay nước, nhân viên bảo vệ của trường dùng máy bơm nước giếng xả trực tiếp vào hồ. Tấm lưới nylon che nắng bên trên hồ bơi rách te tua, đã được thay thế bằng tấm che nylon khác nhưng lại tiếp tục hư hỏng. Do ảnh hưởng dịch Covid- 19, suốt 2 năm nay, hồ bơi ngưng hoạt động. Để tránh tình trạng các em lén lút vào bơi, nhà trường đã cho xả cạn nước trong hồ và rút cầu thang khỏi thành hồ.

Hai bên thành hồ bơi của Trường TH Hoàng Lê Kha, ống sắt bị oằn xuống và có xu hướng ngã vào trong (ảnh chụp ngày 5.5.2022)

Ông Phan Văn Minh- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Châu Thành cho biết: 2 trường TH nêu trên được trang bị 2 hồ bơi và đưa vào sử dụng giữa năm học 2018-2019. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo 2 trường TH Thanh Trung và TH Hoàng Lê Kha sử dụng hồ bơi tổ chức dạy bơi chính khoá, ngoại khoá cho học sinh.

Hướng dẫn 2 đơn vị quản lý, khai thác sử dụng bể bơi chính khoá, ngoại khoá theo công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021-2022, để tất cả học sinh được tiếp cận với môn bơi, nâng cao kỹ năng bơi cho học sinh. Hiện 2 hồ bơi trên được các nhà trường bảo quản tốt. Cả 2 đơn vị đều có kế hoạch khai thác, sử dụng bể bơi và tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Cụ thể, Trường TH Hoàng Lê Kha đã xây dựng kế hoạch và chức tổ chức dạy bơi chính khoá năm học 2021-2022 cho học sinh lớp 3, 4, 5, đồng thời tổ chức các lớp bơi ngoại khoá cho học sinh có nhu cầu. Trường TH Thanh Trung đã xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy bơi chính khoá năm học 2021-2022 cho học sinh lớp 3, 4, 5.

Thời gian qua, việc sử dụng 2 hồ bơi phát sinh một số tồn tại, vướng mắc, do dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường học trực tiếp, nên việc dạy bơi trong nhà trường không thể duy trì thường xuyên. Hệ thống xả để thay nước mới các lỗ thiết kế quá nhỏ, quá ít, mất rất nhiều thời gian xả thải.

Hồ bơi bằng nhựa, kích thước nhỏ không thu hút nhiều học sinh học bơi tại trường. Trong khi đó, bên ngoài có nhiều hồ bơi tư nhân, xây gạch, kích thước rộng, được đầu tư hoành tráng, hấp dẫn học sinh tham gia.

Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc phòng, chống đuối nước cho các em, nên không cho học sinh học bơi. Trường không có kinh phí để đầu tư xử lý nước hồ hằng tuần, nâng cấp mái che, bồi dưỡng cho giáo viên giảng dạy và nhân viên chịu trách nhiệm quản lý hồ bơi.

Từ thực tế nêu trên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành kiến nghị cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn cùng ngành Giáo dục thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó chú trọng kiến thức về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Sở GD&ĐT hỗ trợ nguồn kinh phí xử lý nước, mái che hồ, bồi dưỡng giáo viên trực tiếp dạy bơi và nhân viên phục vụ.

Đại Dương

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục