Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có ý kiến cho rằng “Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và kiến nghị xem xét quyết định hệ thống truyền thanh cơ sở có nên tồn tại hay không? Ý kiến này đã tạo nên làn sóng dư luận trái chiều.
Thời gian qua, hệ thống truyền thanh cơ sở đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, trong đó có công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng truyền thanh cơ sở đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và không còn phù hợp trước sự lớn mạnh của công nghệ thông tin.
Ông Hoàng Minh Phương- Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT cùng lãnh đạo Sở TT&TT Tây Ninh kiểm tra công tác vận hành loa thông minh tại Đài Truyền thanh xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh.
Có thể nói, đây là hệ thống truyền thông tiếp cận gần gũi, cung cấp thông tin thiết yếu sát với nhu cầu của người dân (khác với thông tin báo chí); với khả năng cung cấp thông tin tức thời, truyền thanh cơ sở là công cụ, phương tiện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở và là cầu nối của Đảng với Nhân dân.
Tuy nhiên hiện nay, có ý kiến cho rằng “Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và kiến nghị xem xét quyết định hệ thống truyền thanh cơ sở có nên tồn tại hay không? Ý kiến này đã tạo nên làn sóng dư luận trái chiều.
Truyền thanh cơ sở phát triển cùng đất nước
Trên mạng xã hội, nhất là trên nền tảng Facebook, TikTok, nhiều người cho rằng loa truyền thanh không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Một số người lợi dụng tính năng cắt ghép video, thay thế âm thanh của TikTok để tạo dựng những đoạn video clip ngắn với hình ảnh là chiếc loa phường, rồi lồng ghép vào những đoạn âm thanh có nội dung không đúng sự thật với mục đích gây cười, chế giễu, xuyên tạc.
Không ít người dùng mạng xã hội- nhất là giới trẻ không phân biệt được tin giả - tin thật lại tiếp tục chia sẻ, lan truyền những video clip sai lệch đó, chính điều này càng làm cho vai trò của truyền thanh cơ sở trở nên giảm sút, mất đi sự tin tưởng của nhân dân. Do đó, việc khẳng định vai trò của truyền thanh cơ sở trong xã hội ngày nay có ý nghĩa rất quan trọng.
Hiện cả nước có 9.959 đài truyền thanh cấp xã/10.598 xã, phường, thị trấn với 13.000 nhân sự; 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh với trên 7.000 nhân sự.
Trước tiên cần khẳng định, hệ thống truyền thanh vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong từng giai đoạn cách mạng từ xưa đến nay. Là hệ thống truyền thông cơ sở, nhưng loa phát thanh vẫn đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chính trị là thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các thông tin thiết yếu từ các cơ quan báo chí phát thanh cấp Trung ương, cấp tỉnh và truyền thanh cấp huyện, cấp xã.
Nhiều năm qua, sự ra đời và phát triển của hệ thống loa truyền thanh gắn liền với dòng chảy lịch sử phát triển của báo chí phát thanh, “nối dài cánh sóng” của báo chí phát thanh đến với thôn, bản, làng, xã trên khắp cả nước.
Nhìn về lịch sử, năm 1895, nhà vật lý người Nga, Alexander Stepanovich Popov phát minh ra máy vô tuyến điện, năm 1906 diễn ra buổi truyền thanh đầu tiên của nhà phát minh gốc Canada, R.A Fessenden. Năm 1927, phát thanh phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng đông thính giả. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phát thanh thực sự trở thành một phương tiện vô cùng lợi hại cho các quốc gia, trở thành công cụ tuyên truyền, tổ chức lực lượng, truyền phát thông điệp tình báo, các mệnh lệnh quân sự, tiến hành hoạt động binh vận… chứng tỏ sức mạnh ghê gớm của phát thanh trong lĩnh vực chính trị. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phát thanh phát triển nhanh chóng nhờ những tiến bộ kỹ thuật. Cho đến nay, phát thanh đã tạo ra một mạng lưới dày đặc trên toàn thế giới, trở thành công cụ truyền tải thông tin đắc lực ở mọi quốc gia.
Ở Việt Nam, lịch sử loại hình phát thanh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta chưa có đài phát thanh quốc gia. Cách mạng tháng Tám thành công, nhằm giới thiệu với thế giới hình ảnh đất nước Việt Nam vừa mới giành được độc lập, khẳng định chủ quyền và kêu gọi nhân dân thế giới, Bác Hồ chỉ thị cho Bộ Nội vụ (do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm bộ trưởng), Bộ Tuyên truyền (do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng) xây dựng đài phát thanh quốc gia. Ngày 7.9.1945, Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập. Ngay sau đó, tại Hội nghị cán bộ Bắc kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 10 và ngày 11.9.1945, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết nêu rõ: “Về phương pháp tuyên truyền phải lợi dụng các hình thức công khai để vận động tuyên truyền… Phải biết tìm những dụng cụ về khoa học vào việc tuyên truyền rất có lợi: a) Bật máy thu thanh (radio récepteur) ở các nhà thông tin, câu lạc bộ các trụ sở cứu quốc, nhà hội đồng, nhà độc lập để nhận tin tức trong nước và thế giới. b) Mỗi một tỉnh nên mua máy phát thanh và truyền thanh (micro haut parleur) để có thể truyền thanh những bài diễn văn hô hào, trong các cuộc hội họp”. (1).
Phát thanh vẫn đang phát huy thế mạnh trong công tác tuyên truyền
Ngày 14.10.1954, Đài Phát thanh Hà Nội - đài phát thanh địa phương đầu tiên ra đời ở nước ta. Từ năm 1975 đến nay, 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có đài phát thanh. Cho đến nay, hệ thống phát thanh 4 cấp ở Việt Nam đang được duy trì và phát triển, bao gồm: phát thanh quốc gia; cấp tỉnh, thành phố; phát thanh - truyền thanh cấp huyện, thị; truyền thanh cấp phường, xã. Ở mỗi cấp, các đài phát thanh có phạm vi tác động và nhiệm vụ riêng tương ứng với đối tượng tác động. Ngày 29.8.2009, Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng biển Đông, khẳng định vị trí là cơ quan truyền thông có công suất phát sóng và diện phủ sóng lớn nhất của cả nước.
Còn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 1977 là năm đầu tiên Tây Ninh có một hệ thống phát sóng phát thanh được truyền vào không trung. Ba năm sau đó, tất cả 8 huyện, thị lúc bấy giờ đã xây dựng xong Đài truyền thanh cấp huyện. Đến năm 1980, tiếng nói phát thanh từ Đài tỉnh đã được truyền đi rộng hơn, sâu hơn từ các đài truyền thanh cấp huyện. Năm 1982 mới chỉ có một đài huyện phát sóng FM, đến năm 1987 có thêm hai đài và đến nay 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều đã phát sóng FM. Đối với Đài truyền thanh cấp xã, năm 1992, Đài phát thanh tỉnh đã trang bị được 19 trạm truyền thanh cấp xã, năm 1994 cấp thêm 35 trạm và đến nay loa truyền thanh cấp xã đã phủ kín trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trong tỉnh với 94 Đài.
Nhắc lại lịch sử để thấy rằng, qua các thời kỳ phát triển dù ở thế giới hay trong nước, phát thanh vẫn đã và đang phát huy thế mạnh của mình trong công tác tuyên truyền. Đối với phát thanh Việt Nam nói chung, truyền thanh cơ sở nói riêng đã sống cùng đất nước, đập cùng với nhịp thở của đất nước và phát triển cùng với sự lớn mạnh của đất nước; phát huy vai trò, giá trị to lớn của mình trong quá trình xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng của đất nước, dù trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc hay trong thời bình.
Quang Duy
(còn tiếp)