Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo tư liệu lịch sử, để nắm tình hình địch và kịp thời tổ chức lực lượng cách mạng ở ngay trung tâm Thị xã - Châu Thành, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã xây dựng một cơ sở chỉ đạo bí mật tại nhà của ông Nguyễn Văn Đạt, chỉ cách cơ quan đầu não của địch chưa đầy 300 mét.
Trong những ngày mang ý nghĩa lịch sử trọng đại, chúng tôi có dịp đi cùng ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ đến tham quan 2 cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Tỉnh uỷ Tây Ninh giữa lòng quân địch. Qua đó mới thấy để có được hoà bình, độc lập, ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay, các thế hệ cha ông đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, mất mát.
Trong giai đoạn cách mạng 1954-1960, ở Tây Ninh, Mỹ-Diệm thực hiện chính sách “Tố cộng”, “Diệt cộng”… cùng với khẩu hiệu “Thà giết lầm hơn bỏ sót”, chúng liên tục tăng cường tổ chức các cuộc hành quân càn quét, bắt bớ, chém giết thẳng tay khiến cho máu của đồng bào liên tục đổ xuống. Trước tình thế đó, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh phải đấu tranh trực diện với kẻ thù, vừa đấu tranh chính trị, vừa xây dựng lực lượng các mạng trong điều kiện vô cùng cam go để giành lại hoà bình và bảo toàn lực lượng cách mạng.
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và các thành viên trong đoàn nghe thuyết minh về di tích lịch sử cơ sở Tỉnh uỷ.
Hoạt động sát cơ quan đầu não của địch
Theo tư liệu lịch sử, để nắm tình hình địch và kịp thời tổ chức lực lượng cách mạng ở ngay trung tâm Thị xã - Châu Thành, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã xây dựng một cơ sở chỉ đạo bí mật tại nhà của ông Nguyễn Văn Đạt, chỉ cách cơ quan đầu não của địch chưa đầy 300 mét. Đây là khu vực dân cư đông đúc nên vừa dễ nắm tình hình địch, vừa thuận lợi cho việc tuyên truyền vận động cách mạng. Nơi đây, các đồng chí Tỉnh uỷ viên như Võ Văn Truyện (Tám Hoà- Bí thư Tỉnh uỷ), Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình- Tỉnh uỷ viên), Đặng Văn Lý (Mười Đôi- Thị xã uỷ), Hoa Sen (Thị xã uỷ), Hoàng Lê Kha… nhiều lần về hội họp, liên lạc với các cơ sở cách mạng, truyền đạt Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù.
Từ cơ sở chỉ đạo bí mật này, ông Hoàng Lê Kha đã gắn bó với phong trào, sâu sát với cơ sở, ẩn mình trong lòng địch, cùng với nhân dân lao động nghèo tổ chức đấu tranh với kẻ thù. Cùng với một số cán bộ chủ chốt, trung kiên, ông Hoàng Lê Kha âm thầm tích cực chuẩn bị và gầy dựng cơ sở nội tuyến trong Trung đoàn 32, thuộc Sư đoàn 13 nguỵ, đóng quân tại Tua Hai, góp công lao to lớn để tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ sở, tạo ra nền móng ban đầu cho Đồng khởi vũ trang Tua Hai vào ngày 26.1.1960, “phát pháo lệnh” mở đầu cho cao trào Đồng khởi ở Nam bộ, cổ vũ quần chúng nhân dân vùng dậy đấu tranh, đánh mạnh vào hệ thống chính quyền cơ sở địch. Đó còn là tiền đề cho những trận thắng lớn của quân và dân ta ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngày 26.8.1959, ông Hoàng Lê Kha đến dự hội nghị Thị xã uỷ. Tại cuộc họp này, ông đã phân tích diễn biến tình hình, âm mưu thâm độc của Mỹ-Diệm sẽ đẩy mạnh “Tố cộng”, “Diệt cộng” bằng những biện pháp trắng trợn hòng tiếp tục tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, đồng chí chỉ đạo một số chủ trương cấp bách, vận động nhân dân chống lại âm mưu đen tối của địch, bảo toàn lực lượng cách mạng. Theo kế hoạch, sau hội nghị Thị xã uỷ, ông Hoàng Lê Kha sẽ đến dự và phổ biến chủ trương chỉ đạo của Tỉnh uỷ cho huyện Châu Thành. Nhưng kế hoạch không thành, vì bọn mật vụ đã phát hiện, cố vây bắt cho bằng được ông Hoàng Lê Kha. Trước nguy cơ sống còn của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thị xã uỷ, ông Hoàng Lê Kha ra lệnh: “Tất cả chiến đấu mở đường máu rút lui, bảo toàn lực lượng, hoặc chấp nhận hy sinh, không để địch bắt". Biết rõ kẻ thù chỉ phát hiện được mình chứ chưa phát hiện cuộc họp có đủ thành viên Thị xã uỷ, khi địch ập tới, ông Hoàng Lê Kha hô to: “Các vị trí chiến đấu nổ súng đánh địch". Bọn cảnh sát và mật vụ nghe tiếng hô, tưởng rằng tổ chức cách mạng có phòng bị nên chúng có ý chần chừ. Lợi dụng phút giây đó, các đồng chí chạy thoát, riêng ông Hoàng Lê Kha bị địch bắt và đưa về giam giữ ở khám Chí Hoà.
Sau nhiều lần đánh đập, tra khảo hết sức dã man nhưng không khuất phục được ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản, tháng 10.1959 (cùng thời gian triển khai công bố Luật 10/59), kẻ thù đã đưa nhà yêu nước, nhà cộng sản trung kiên Hoàng Lê Kha về Tây Ninh tuyên án tử hình. Để trả thù cho sự kiện Tua Hai và trấn áp cao trào cách mạng đang bùng lên ở Tây Ninh, sáng 12.3.1960, kẻ thù bí mật đưa ông Hoàng Lê Kha đến ấp Tam Hạp, huyện Châu Thành và chúng đã hành hình đồng chí bằng máy chém. Sau này, ông Hoàng Lê Kha được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Trưng bày di ảnh và hình ngôi nhà cũ của ông Nguyễn Văn Đạt tại di tích lịch sử cơ sở Tỉnh uỷ.
Phục dựng di tích lịch sử
Trải qua thời gian và các biến cố lịch sử, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Đạt không còn, chỉ còn lại căn hầm bí mật- nơi nuôi giấu đồng chí Hoàng Lê Kha. Trên nền đất của ngôi nhà cũ, năm 1989, UBND tỉnh Tây Ninh đã xây lại ngôi nhà mới bằng các chất liệu bền vững như gạch, xi măng, gỗ, lợp fiprociment, xây tường rào bao quanh. Một số hạng mục cũng đã được trùng tu, xây dựng lại bao gồm cổng chính, đường dẫn vào di tích… Toàn bộ ngôi nhà cấu trúc theo kiểu Nam bộ 3 gian, 2 mái được thiết kế có lan can bao quanh nhà trước, 4 cửa sổ, 2 cửa phụ, 1 cửa chính, nền nhà được lát gạch tàu. Trong gian nhà chính là thờ tổ tiên, gian bên trái là nơi có hầm bí mật, đào sâu xuống lòng đất, phía trên hầm bí mật là bộ ván để nằm và để nguỵ trang. Từ cửa hầm đến nơi trú ẩn đi theo hình chữ L. Đây cũng là hình thức bí mật để che mắt quân thù. Năm 1999, nơi đây được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh (theo Quyết định số 139/QĐ-CT ngày 27.9.1999 của Chủ tịch UBND tỉnh).
Theo năm tháng, di tích này bị xuống cấp, năm 2023, nơi đây được thành phố Tây Ninh đầu tư phục dựng lại gần với nguyên bản xưa. Ngôi nhà mái lợp tranh, vách đất trộn rơm, nền nhà được lát gạch tàu. Trong nhà, các vật dụng gắn với sinh hoạt của đồng chí Hoàng Lê Kha và các đồng chí Tỉnh uỷ trong thời gian sinh sống và hoạt động tại cơ sở cách mạng này được trưng bày, như chiếc nồi (dùng để nấu cơm nuôi đồng chí Hoàng Lê Kha trong giai đoạn 1955-1960), lọ thuỷ tinh (đồng chí Hoàng Lê Kha dùng đựng thuốc trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ năm 1958), cây cuốc (đồng chí Hoàng Lê Kha và các đồng chí Tỉnh uỷ dùng để đào hầm bí mật trong giai đoạn 1954-1956), khạp đựng tài liệu, bàn làm việc, phục dựng hình ảnh sinh hoạt trong nhà ông Nguyễn Văn Đạt… Giữa nhà có chiếc tủ thờ bằng gỗ, trên đó thờ di ảnh của ông Hoàng Lê Kha. Đường đến di tích này cũng được nâng cấp tráng bê tông xi măng, thuận lợi để du khách đến tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử của di tích.
Di tích cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh (số 20, đường 30.4, phường 2, TP. Tây Ninh) có giá trị lớn về khoa học, quân sự, chứa đựng sự sáng tạo khoa học dựa vào thế đất, ẩn trong lòng đất, lợi dụng các yếu tố tự nhiên để bám trụ và phát động chống lại kẻ thù. Bà Lê Thị Ngọc Diễm- Trưởng Phòng Văn hoá Thông tin TP. Tây Ninh cho biết: “Những năm qua, có nhiều đoàn khách, thầy cô giáo, học sinh các trường trong tỉnh đến “Địa chỉ đỏ” này để tham quan, tìm hiểu lịch sử”.
Đại Dương