Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ðể học sinh đến trường an toàn
Kỳ 1: Gia tăng tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông
Thứ hai: 00:04 ngày 27/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh diễn ra khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng quan tâm là những “khoảng trống” trong quản lý, giáo dục học sinh và sự thiếu gương mẫu của người lớn.

Xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, các bộ, ngành, cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT ngày càng phổ biến, có nhiều diễn biến phức tạp.

Học sinh tích cực tham gia trả lời câu hỏi trong buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT.

881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh

Từ ngày 15.12.2022 đến 14.10.2023, trên địa bàn cả nước, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc). So với cùng kỳ năm 2022, tăng 8 vụ (+0,92%), giảm 33 người chết (-6,31%), giảm 34 người bị thương (-3,95%). Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, trong 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi là người đi bộ, người điều khiển phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông, có 2 vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; 25 vụ tai nạn rất nghiêm trọng; tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra 322 vụ; ít nghiêm trọng và va chạm giao thông 388 vụ. Phương tiện liên quan trong các vụ tai nạn gồm: xe mô tô trên 175cm3 (chiếm 0,44%), xe mô tô từ 50-175cm3 (chiếm 71,31%), xe hai bánh dưới 50cm3 (chiếm 15,93%), xe đạp (chiếm 4,88%), xe đạp điện (chiếm 4,09%), xe máy điện (chiếm 3,01%), xe ba bánh (chiếm 0,35%).

Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra do đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường quy định (chiếm 21,41%), không chú ý quan sát (chiếm 19,39%), chuyển hướng không đúng quy định (chiếm 11,77%), tránh vượt không đúng quy định (chiếm 7,06%), không nhường đường (chiếm 4,71%), không giữ khoảng cách an toàn (chiếm 3,36%), sử dụng rượu bia (chiếm 2,69%), vi phạm tốc độ (chiếm 2,69%), không chấp hành biển báo hiệu đường bộ (chiếm 3,14%), đi bộ qua đường không đúng quy định (chiếm 3,14%), còn lại đang điều tra (chiếm 14,91%).

Ngoài ra, còn xảy ra 3 vụ đua xe trái phép, tạm giữ 57 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 51 xe mô tô; 201 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 395 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 537 mô tô. Xảy ra 16 vụ chống người thi hành công vụ, làm bị thương 10 đồng chí, đã bắt giữ 16 đối tượng trong lứa tuổi học sinh bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý.

Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh gây nhiều lo ngại, làm gần 500 em chết mỗi năm và hơn 800 em bị thương, để lại những hậu quả nặng về đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội. Tình trạng học sinh THCS, THPT đi học bằng xe máy điện, xe máy, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi lái xe, đặc biệt là hành vi điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Qua thống kê, lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là tai nạn giao thông liên quan đến hành vi điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.

Ảnh minh họa

Còn nhiều “khoảng trống”

Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh diễn ra khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng quan tâm là những “khoảng trống” trong quản lý, giáo dục học sinh và sự thiếu gương mẫu của người lớn.

Một số phụ huynh có con em đang là học sinh cấp THCS, THPT cho biết: “Hiện nay, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt hiệu quả cao, nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông”; “một số phụ huynh, nhà trường chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn cho học sinh” hay “một số cơ sở giáo dục chưa bố trí được điểm dành cho phụ huynh dừng, đỗ xe chờ đón con em, dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự tại khu vực trường học”…

Theo thống kê, số liệu đăng ký xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện, trung bình mỗi năm đăng ký mới tăng khoảng 0,3%. Trong khi đó, việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT còn chưa hiệu quả, thiếu trách nhiệm dẫn đến khi học sinh ra khỏi nhà, gia đình xem là việc của xã hội, nhà trường; khi học sinh ra khỏi trường, nhà trường xem là việc của xã hội, gia đình.

Ông Nguyễn Văn Đức- Bí thư Đoàn trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP. Tây Ninh) cho biết: “Tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn diễn ra phổ biến như: không đội mũ bảo hiểm, tụ tập chạy hàng hai, hàng ba, lạng lách đánh võng trên đường. Có nhiều em đi xe máy đến trường nhưng chưa có bằng lái xe.

Thực trạng này rất đáng lo ngại, là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông trong học sinh tăng. Một số trường hợp phụ huynh gây khó dễ cho lực lượng chức năng khiến việc xử lý chưa đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATGT cho học sinh cần phải được nhà trường, phụ huynh và cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt hơn”.

Theo đánh giá của Bộ Công an, công tác giáo dục ATGT đã được các cơ sở giáo dục lồng ghép vào chương trình chính khoá nhưng chưa có khung chương trình chuẩn cho từng cấp học. Các nội dung giảng dạy trong trường học cơ bản giới hạn ở phần lý thuyết, khối lượng thực hành còn hạn chế, do trường không có đủ điều kiện thực hiện; phần thực hành kỹ năng tham gia giao thông và điều khiển các phương tiện của học sinh chủ yếu phụ thuộc vào việc quan tâm giảng dạy của cha mẹ học sinh, người giám hộ, trong khi đó, một số gia đình chưa quan tâm, còn phó mặc cho con em mình tự tìm hiểu, tự thực hành dẫn đến thiếu kỹ năng.

Một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con. Có hơn 71% vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh là do điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối- đây là hệ quả của việc cha mẹ giao xe cho con điều khiển không đúng quy định; chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm quy định về TTATGT, nhất là khi chở con em mình trên xe như: chở trẻ không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia khi lái xe... làm ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức và hành vi của các em.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức giao thông tại khu vực các cổng trường học đang có nhiều vấn đề đặt ra như: ùn tắc giao thông vào giờ đến trường, tan học, nhiều trường có vị trí gần hoặc nằm dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, gần khu họp chợ. Phụ huynh đưa, đón con đến trường cũng vi phạm các quy định của pháp luật về TTATGT như: dừng, đỗ xe lấn chiếm cả lòng đường, lề đường đứng chờ con, chen lấn nhau di chuyển không tuân theo quy tắc giao thông…

Những vi phạm này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và chính bản thân các em học sinh. Các điểm đen, điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn tại khu vực trường học được xác định nhưng chưa khắc phục kịp thời.

Mặt trái của internet và các trang mạng xã hội tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ hiện nay. Nhiều người trưởng thành, thậm chí người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội có những hành vi không chuẩn mực, quay video clip đua xe, bốc đầu, đánh võng đăng tải lên mạng xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ.

Trên địa bàn Tây Ninh, trong 10 tháng năm 2023 xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi 6-18), làm 9 người chết và 6 người bị thương. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh có 14 vụ, làm chết 8 người, bị thương 6 người; tai nạn giao thông do học sinh gây ra 1 vụ, làm chết 1 người, nguyên nhân người điu khiển phương tiện không đủ tuổi, đi không đúng phần đường quy định (lấn trái).

An Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục