Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ly hôn và những hệ luỵ:
Kỳ 1: Gia tăng tỷ lệ ly hôn
Thứ ba: 23:06 ngày 05/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm gần đây, tình trạng ly hôn giữa các cặp vợ chồng trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Điều đáng lo ngại là ly hôn ở giới trẻ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số án hôn nhân gia đình hằng năm. Vì vậy, việc quan tâm công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật hôn nhân gia đình về ly hôn và những hậu quả khi ly hôn là hết sức cần thiết.

Phát huy vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình (ảnh minh hoạ) 

Ly hôn vì nhiều lý do

Chị T.K (ngụ huyện Châu Thành) chia sẻ, vợ chồng chị vừa mới ly hôn cách đây khoảng vài tuần. Cưới nhau được hơn một năm, chị sinh con đầu lòng, mâu thuẫn vợ chồng từ đó cũng bắt đầu. Mặc dù nhiều lần chị có ý định ly hôn nhưng vì thương con nhỏ nên lại bỏ qua.

Cha mẹ hai bên gia đình cũng hoà giải nhiều lần nhưng những cuộc tranh cãi giữa vợ chồng tiếp tục xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn. Không chịu được cảnh vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” kéo dài suốt 3 năm, nên chị K quyết định ly hôn.

“Có lẽ ly hôn là quyết định đúng đắn, bởi khi vợ chồng không còn sống cho nhau, không quan tâm, chia sẻ và cùng xây hạnh phúc thì nên cho nhau một lối đi. Đối với tôi, giờ đây đứa con là chỗ dựa tinh thần, giúp tôi vượt qua khó khăn của cuộc sống hôn nhân”- chị K nói.

Hay như trường hợp của chị N.T.L.C (ngụ huyện Tân Biên) chia sẻ, vợ chồng chị kết hôn từ năm 2012. Quá trình chung sống không hạnh phúc do chồng chị thường xuyên uống rượu. Mỗi lần say xỉn, anh thường hay đánh đập chị. Sau nhiều năm cố gắng chịu đựng, cuối cùng chị quyết định nộp đơn ly hôn để thoát khỏi cảnh đòn roi.

“Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, tôi cũng đã lường trước được cuộc sống sẽ khó khăn như thế nào nên khi gặp chuyện, tôi mạnh mẽ vượt qua và chấp nhận. Nhưng tôi không thể nào tiếp tục chung sống với người chồng vô tâm, làm tổn thương tôi quá nhiều” - chị C bộc bạch.

Trường hợp chị P.T.T.L và anh T.V.T (cùng ngụ huyện Tân Châu) lại ở khía cạnh khác trong cuộc sống vợ chồng. Anh chị chung sống với nhau từ năm 1996 và có đăng ký kết hôn tháng 6.2002. Trong quá trình chung sống, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, gây gổ dẫn đến xô xát với nhau nhiều lần.

Thời gian gần đây, anh T thường uống rượu về chửi mắng, đe doạ đánh chị nên gia đình không còn hạnh phúc. Anh T cho rằng mâu thuẫn vợ chồng là do chị L vay tiền, góp hụi đều không cho anh biết.

Nhưng chị L khẳng định việc chị làm ăn thất bại, gây nợ nần, góp hụi, vay tiền thì anh T đều biết. Cha mẹ ruột của chị L có khuyên can, phân tích đúng sai cho hai vợ chồng nhưng chị L vẫn quyết định ly hôn.

Mỗi cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình (ảnh minh hoạ)

Trẻ hoá độ tuổi ly hôn

Từ năm 2019 đến năm 2021, TAND hai cấp đã thụ lý và giải quyết 18.375 vụ án ly hôn (trong đó, ly hôn do mâu thuẫn gia đình 15.868 vụ; bạo lực gia đình 385 vụ; ngoại tình 415 vụ; ma tuý, rượu, cờ bạc 460 vụ; kinh tế 162 vụ; ly hôn có yếu tố nước ngoài 339 vụ, nguyên nhân khác 746 vụ).

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Toà án hai cấp giải quyết 1.321 vụ/2.241 vụ hôn nhân và gia đình. Qua công tác thụ lý giải quyết cho thấy, tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao hơn so với người chồng. Điều đáng lo ngại là trên 80% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ có độ tuổi từ 18 đến 30 và hầu hết con cái vẫn còn nhỏ.  

Theo ông Phan Thanh Tùng- Phó Chánh toà phụ trách Toà Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng như tình trạng yêu nhanh, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, thiếu sự chuẩn bị tâm lý, cũng như chưa được trang bị về kiến thức tiền hôn nhân, các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống vợ chồng.

Vì vậy, khi cuộc sống gia đình với nhiều khó khăn, xảy ra mâu thuẫn, họ thường không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, sau khi kết hôn, các đôi vợ chồng trẻ phải tự lo cho cuộc sống gia đình trong khi chưa có nghề nghiệp ổn định cùng với đó là sinh con sớm, điều kiện kinh tế chưa bảo đảm dễ dẫn đến hụt hẫng, bất mãn, tranh cãi, mâu thuẫn không thể tháo gỡ.

Ngược lại, nhiều vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khá giả, nhưng lo làm ăn, thiếu quan tâm đến nhau, từ đó tình cảm dần phai nhạt, sinh ra nghi kỵ, ghen tuông phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.

Một cán bộ Hội Phụ nữ xã Thái Bình (huyện Châu Thành) cho biết thêm, bạo lực gia đình cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ly hôn ngày càng tăng. Khi bạo lực xảy ra, bản thân người trong cuộc bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, thể chất, nên không còn tìm thấy sự hoà hợp trong cuộc sống mà chỉ còn sự ức chế, sợ hãi nên họ không thể chịu đựng và dẫn đến ly hôn.

Không chỉ vậy, nhiều vụ việc ly hôn cũng xuất phát từ nguyên nhân do ngoại tình. Việc ngoại tình có thể xuất phát từ cả hai phía, hoặc một trong hai người, nhất là trường hợp người chồng hoặc vợ đi làm ăn xa nhà, thiếu quan tâm vun đắp tình cảm, nên dễ dẫn đến chuyện ngoại tình và ly hôn là điều không tránh khỏi.

Ngoài ra, xu hướng lấy chồng ngoại của một số cô gái, bất chấp rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, quan niệm sống hay các thành viên trong gia đình thiếu quan tâm lẫn nhau hoặc chồng thường nhậu nhẹt, vướng vào ma tuý, cờ bạc… cũng là một trong những nguyên nhân khiến hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ. 

UBND xã Thái Bình (huyện Châu Thành) khen thưởng cho gia đình văn hóa tiêu biểu nhân ngày liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” năm 2022 tổ chức ngày 22.6.2022

Ngoài ra, việc thụ lý giải quyết các vụ việc ly hôn quá dễ dàng, không cần thông qua các bước hoà giải ở cơ sở cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng cao hiện nay.

Một thẩm phán TAND TP. Tây Ninh cho biết, những cặp vợ chồng muốn làm thủ tục ly hôn chỉ cần nộp đơn trực tiếp tại TAND hoặc qua đường bưu điện, thư điện tử kèm theo giấy chứng minh nhân dân, giấy kết hôn và hộ khẩu là đủ điều kiện để TAND thụ lý giải quyết. Người đến xin làm thủ tục giải quyết ly hôn cũng không cần bắt buộc phải thực hiện các bước hoà giải, hàn gắn đoàn tụ tại cơ sở.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu trước khi nộp đơn ly hôn tại Toà án, vụ việc ly hôn được hoà giải ở cơ sở để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hôn nhân.

Vì thông qua tiếng nói, phân tích đúng sai của những hoà giải viên, người có uy tín trong cộng đồng có thể giúp vợ chồng cùng nhau nhìn lại quãng thời gian chung sống, nhận ra những lỗi lầm, bất đồng trong đời sống hôn nhân để cùng nhường nhịn, chung tay vun đắp, hàn gắn hạnh phúc gia đình. Còn khi đã đến toà án dù vẫn được thực hiện thủ tục hoà giải nhưng phần lớn là không thành.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục