Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ấm tình người trong nơi phong tỏa
Kỳ 1: Hai lần bị cách ly y tế
Thứ ba: 10:35 ngày 21/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Gần 1 tháng, người dân tại khu vực đường Pasteur (thuộc khu phố 3, phường 2, TP. Tây Ninh) sống trong hàng rào cách ly y tế, phong tỏa cùng đùm bọc, giúp đỡ, động viên tinh thần để vượt qua đại dịch.

Khu xóm tôi ở có 5 tổ (tổ 1, 2, 3, 13, 14 thuộc khu phố 3, phường 2), được UBND Phường 2 thiết lập “vùng xanh” vì khá an toàn. Nhưng chỉ sau một ngày (ngày 21.8.2021), cả khu xóm với 109 hộ dân bất ngờ bị phong tỏa tạm thời khi phát hiện ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 sau đợt tổng sàng lọc diện rộng đợt 1.

14 giờ 00 ngày 26.8, 126 hộ với gần 591 nhân khẩu (tại đường Pasteur, đoạn giáp đường Cách Mạng Tháng Tám với đường 30.4 nối dài đến Nhà thờ Công giáo Tây Ninh) tiếp tục bị phong tỏa tạm thời sau đợt tổng sàng lọc lấy mẫu xét nghiệm lần thứ hai do phát hiện 37 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. 

Hai đầu đường Pasteur là chốt chặn, khu vực Công viên 30/4 bên đường là dây giăng.

Nỗi lo F0

Trước khi bị phong tỏa, tất cả người dân được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhằm truy vết nhanh các F0, bốc tách ra khỏi cộng đồng. Trưa 26.8, sau khi phát hiện ca nghi nghiễm, chốt kiểm soát với hàng rào sắt được dựng lên tại hai đầu đường Pasteur, hẻm nhỏ ra vào khu xóm. Sau hàng rào phong toả, mọi thứ dường như chững lại. Đã có không ít người trong xóm vội vàng khăn gói di tản nơi khác.  

Gia đình phát hiện có ca dương tính đầu tiên là hoang mang nhất, nhưng do không có triệu chứng nên trước đó họ không biết. Rất may là cả ba người trong gia đình này đều ở nhà, không tiếp xúc với ai bên ngoài. 

Chứng kiến chị B.T (45 tuổi) ôm túi đồ ngồi ủ rũ, thất thần trước hành lang đường Pasteur để chờ xe cứu thương đưa đi cách ly điều trị, tôi không cầm được nước mắt. Chị là một trong 29 thành viên gia đình chùm lây nhiễm Covid-19 trong xóm.

Sau đợt tổng sàng lọc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần hai, cả khu xóm bị phong tỏa do phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Chồng ly hôn, một mình chị làm thuê nuôi 2 đứa con, lúc đứa nhỏ mới chập chững biết đi, giờ đứa con gái lớn lên lớp 10, con trai nhỏ vừa vô lớp 9. Nhìn hai đứa con đứng ôm ba lô quần áo ngơ ngác, chị chỉ biết khóc: “Ba mẹ con đều mắc Covid, không biết sau này ra sao nữa. Tôi sợ lắm, thương cho hai đứa nhỏ”- chị nghẹn ngào nói.

Trường hợp bà N.T.K (70 tuổi) càng xót lòng hơn. Hàng xóm không ai ngờ bà lại dương tính với SARS-CoV-2. Bà có người con gái mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, mẹ con nương tựa nhau bằng việc nhặt nhạnh ve chai, thùng giấy cũ, câu cá bán để có chút thu nhập. Khi xe cứu thương cùng đội ngũ y tế đến đưa tất cả 37 bệnh nhân rời đi, bà K xin cho con gái theo mình. “Nó bệnh tật từ nhỏ, tôi bị đưa đi rồi thì ai mà lo cho nó. Để nó ở nhà một mình, tôi không an tâm”- bà K nói.

Nói tới chùm lây nhiễm SARS-CoV-2, vào đêm xe cứu thương đến chờ đầu ngõ, từ trên lầu nhìn xuống là dòng người khệ nệ túi xách, mùng mền, chiếu gối, máy quạt, ... Họ là một gia đình, người lớn, trẻ nhỏ có đủ, có bé còn đang ẵm trên tay.

Phía bên ngoài luôn có lực lượng dân quân gác chốt.

Nhìn cảnh ai cũng thắt lòng. Chỉ cầu mong việc điều trị suôn sẻ, để mọi người sớm khỏe mạnh trở về. Kể từ đêm đó, khu xóm tôi bỗng yên lặng lạ thường. Nhà nào cũng đóng kín cửa, im lìm, cảnh náo nhiệt, tiếng trẻ nhỏ chơi đùa cũng không còn.

Nhịp sống bên trong

Có sống trong khu phong tỏa mới hiểu được những cảm giác của người đang bị cách ly. Từ một khu xóm nhộn nhịp, ồn ào, náo nhiệt, đa số người dân là lao động phổ thông, bán vé số, bán hàng rong, thợ hồ, phụ bếp, giúp việc nhà… Nguồn thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày, giờ đây, hai đầu đường Pasteur là chốt chặn, khu vực Công viên 30.4 đối diện bên đường đã giăng dây.

Lực lượng y tế, tình nguyện viên đến “gõ cửa từng nhà” để xét nghiệm Covid-19.

Qua hàng rào phong tỏa, chỉ thấy những cánh cửa đóng kín, im lìm, không ai ra ngoài, tất cả đều “tạm ngưng”, nhịp sống không còn hối hả như những ngày trước. Ở hai đầu đường Pasteur luôn có lực lượng công an, dân quân, bảo vệ dân phố trực gác chốt. Cứ 2-3 ngày, người dân trong xóm lại gặp lực lượng y tế, tình nguyện viên đến “gõ cửa” để xét nghiệm Covid- 19.

Nhà nào cũng đóng kín, im lìm, không ai ra ngoài

Con hẻm cùng nhỏ xíu chỉ có nhà tôi và nhà cô Út sinh sống, nhà nào cũng có người già, trẻ em. Xung quanh nhà tôi ở đều có các F1, F2 liên quan, nên hàng ngày đều thấp thỏm không yên. Những lúc ấy, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, thường thăm hỏi nhau qua Zalo, Facebook, có người còn í ới nhau qua tường rào để thông tin tình hình dịch bệnh xung quanh, số các ca nhiễm trên báo, đài đã đưa tin trong ngày.

Rất may, mỗi lần xét nghiệm, gia đình tôi 3 người đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Đêm đầu tiên, tôi đã nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi hỏi han, chia sẻ, đồng cảm từ anh chị, bạn bè, đồng nghiệp. Phóng viên Hà Khánh đang công tác tại VOV TP. Hồ Chí Minh nhắn tin dồn dập, đến nỗi tôi không kịp trả lời lại: “Chị và gia đình hãy ở yên trong nhà. Không được ra khỏi cửa. Bình xịt khử khuẩn lúc nào cũng có. Nhà em đã trải qua giai đoạn bị phong tỏa nên hiểu cảm giác của chị lúc này. Ở Sài Gòn căng gấp ngàn lần, nhưng gia đình em vẫn an toàn…”

Cô Nguyễn Thị Nhành (63 tuổi) cho biết mình đã ở khu xóm hơn 40 năm, chưa bao giờ chứng kiến cảnh đường phố vắng lặng, nghe tiếng còi xe cứu thương mà giật mình.

Theo tôi, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, nhất là trong khu vực “nóng” Covid-19, tốt nhất phải giữ bình tĩnh, ở yên trong nhà và luôn tuân thủ đúng các khuyến cáo của ngành chức năng.

Theo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thiết lập 717 vùng phong toả, trong đó đang phong toả 207 vùng, 510 vùng đã giải toả.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục