PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chơi hụi và những rủi ro
Kỳ 1: Ðiệp khúc “vỡ hụi”
Thứ bảy: 01:00 ngày 25/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hụi (họ, biêu, phường) là một loại giao dịch dân sự để huy động vốn trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng hình thức chơi hụi để lừa đảo, khiến không ít người rơi vào cảnh “trắng tay”.

Người dân bức xúc vì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi.

Nhiều vụ vỡ hụi lớn

Năm 1998, bà Lê Thị Hẩn (sinh năm 1955, nơi cư trú: xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) làm chủ thảo hụi để hưởng hoa hồng, tổ chức nhiều dây hụi. Năm 2015, lợi dụng việc hụi viên tin tưởng, không đến khui và muốn mua hụi để hưởng lãi nên bà Hẩn đã gian dối bằng cách mở ra nhiều dây hụi với các phần không có thật, lấy tên của hụi viên trong dây hụi để lĩnh; không đưa hụi viên vào danh sách hụi nhưng vẫn thu tiền; thu tiền đóng hụi cao hơn với số tiền khui; bán hụi không có thật cho các hụi viên để chiếm đoạt tiền của 113 hụi viên.

Đến ngày 16.9.2017, Hẩn tuyên bố vỡ hụi trong khi vẫn còn 24 dây hụi chưa mãn. Quá trình điều tra, xác định tổng số tiền Hẩn chiếm đoạt của các hụi viên hơn 2,2 tỷ đồng. Bà Hẩn bị TAND tỉnh tuyên án 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Hay như chủ hụi Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1974, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) ghi tên hụi viên “ma” để thực hiện hành vi lừa đảo. Năm 2002, bà Hằng đứng ra tổ chức nhiều dây hụi.

Đến khoảng tháng 1.2010, để có vốn nuôi heo, Hằng ghi tên nhiều hụi viên không có thật hoặc lấy tên của các hụi viên tham gia hụi (nhưng họ không hề hay biết) để hốt hụi. Ngoài ra, khi cần tiền trả cho các hụi viên mà mình đã mạo tên để lĩnh hụi trước đó, Hằng bịa tin là có hụi viên cần tiền nên bán hụi để chiếm đoạt tiền của những người mua hụi.

Đến tháng 6.2014, Hằng tuyên bố vỡ hụi. Kết quả điều tra thể hiện từ ngày 5.10.2012 đến tháng 6.2014, qua 11 kỳ mở hụi, Hằng chiếm đoạt tiền của các hụi viên hơn 9,2 tỷ đồng. Với hành vi trên, Nguyễn Thị Hằng bị TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt 20 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tương tự, chủ hụi Lê Thị Mộng Thuý (sinh năm 1970, ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành) lấy tên hụi viên để lĩnh hụi mà không được hụi viên đồng ý. Từ năm 2014, Thuý tổ chức góp nhiều dây hụi để hưởng hoa hồng.

Lợi dụng việc hụi viên tin tưởng, không đến khui hụi nên tự ý lấy tên của hụi viên trong dây hụi để lĩnh hụi, đến khi tuyên bố vỡ hụi tháng 3.2017, Thuý đã chiếm đoạt số tiền hơn 650 triệu đồng của 23 hụi viên. Với hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, Lê Thị Mộng Thuý phải trả giá bằng bản án 10 năm tù.

“Trắng tay” vì bị giựt hụi

Đã có rất nhiều trường hợp “mất trắng” tiền chơi hụi khi chủ hụi tuyên bố không có khả năng thanh toán. Một người tên T.L ngụ huyện Châu Thành chia sẻ, bà đã từng bị giật hụi 3 lần, số tiền hơn mấy chục triệu đồng. Số tiền đó do vợ chồng bà dành dụm để chơi hụi, mong muốn có tiền phòng thân lúc tuổi già đau ốm, nhưng không ngờ mất hết. Bây giờ, thay vì chơi hụi, bà L đem tiền gửi ngân hàng, dù lãi suất thấp nhưng bảo đảm an toàn.

Chị L.T.D (ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh) cho biết, năm 2020, chị có tham gia 2 dây hụi, mỗi dây 5 triệu đồng/tháng. Đến tháng 7.2021, chủ hụi tuyên bố vỡ hụi, sau đó, chị có gọi điện yêu cầu trả tiền nhưng không được. Chị D đã đóng hai dây hụi 11 tháng 110 triệu đồng.

Hay mới đây, không ít người dân ở huyện Châu Thành, TP. Tây Ninh hoang mang, lo lắng khi chủ hụi T.T.B.T (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) “vỡ hụi”. Chị T.T.T (ngụ ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, chị tham gia 3 dây hụi do bà T.T.B.T làm chủ, mỗi dây từ 2-5 triệu đồng/tháng, với tổng số tiền đã đóng hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, chủ hụi T còn còn vay mượn 200 triệu đồng của chị T.T.T từ tháng 6.2021 đến nay vẫn chưa trả.

“Tôi có liên hệ bà T yêu cầu trả tiền, nhưng bà đều hứa hẹn, không rõ thời gian sẽ trả. Không biết đến khi nào tôi mới có thể lấy lại được số tiền đã đóng hụi cũng như tiền cho vay”- chị T.T.T bức xúc.

Đã có rất nhiều trường hợp “mất trắng” tiền chơi hụi khi chủ hụi tuyên bố không có khả năng thanh toán.

Còn bà N.T.K.H (sinh năm 1955, ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) mấy ngày liền mất ăn, mất ngủ, lo lắng vì tiền tích góp, dành dụm hơn 650 triệu đồng đổ vào chơi hụi và cho bà T.T.B.T mượn, hy vọng đến lúc hốt hụi sẽ dư dả chút ít để có tiền phòng thân khi “trái gió, trở trời”, thế nhưng nay lại có nguy cơ mất trắng.

Chơi hụi dựa vào niềm tin

Một số người chơi hụi cho hay, hiện nay, việc chơi hụi diễn ra khá phổ biến. Các chủ hụi đều là những người có kinh tế khá giả, uy tín, tạo được lòng tin cho hụi viên. Trung bình mỗi dây hụi có từ 10-25 người; tuỳ vào khả năng kinh tế, người chơi có thể tham gia từng gói hụi khác nhau.

Người ít tiền chơi hụi nhỏ, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/ngày; người khá hơn có thể tham gia dây hụi vài triệu đồng/tháng. Đến thời điểm kêu hụi, người chơi sẽ tập trung bỏ thăm, ai kêu giá cao nhất sẽ được hốt hụi. Khi hốt hụi, chủ hụi sẽ bàn giao tiền, làm giấy tay, thành viên ký tên xác nhận. Thông thường, mọi người chơi đều “nuôi hụi” với hy vọng càng về sau thì càng được lợi.

Anh T.H.T (ngụ xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) cho biết, anh đang tham gia một dây hụi 20 tháng, với số tiền 3 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, anh dành một phần tiền lương để đóng hụi với hy vọng khi hốt hụi sẽ có một khoản tiền để cải thiện cuộc sống, kinh tế gia đình. “Nếu không chơi hụi, biết bao giờ tôi mới tiết kiệm được số tiền lớn”, anh T nói.

Chị Yến Nhi, ngụ thị xã Hoà Thành bày tỏ: “Chơi hụi không có gì bảo đảm, nhưng tôi vẫn thích tham gia. Chủ hụi là họ hàng, gia đình khá giả, chơi hụi cũng đã lâu lại có uy tín. Với lại, tôi tính nuôi hụi để dành tiền tiết kiệm, đợi qua năm sau sửa nhà”.

Một chủ hụi tên N.N, ngụ thị xã Trảng Bàng cho hay, thông thường, việc mở hụi, kêu hụi, giao nhận tiền hụi giữa chủ hụi và các hụi viên thường là thoả thuận miệng dựa trên uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau; không lập hợp đồng, sổ sách, chứng từ, ghi chép, theo dõi rõ ràng. Khi xảy ra vỡ hụi, bị hại thường không có giấy tờ, chứng từ chứng minh số tiền bị chủ hụi chiếm đoạt.

“Khi tham gia chơi, các hụi viên đa phần không muốn hốt hụi sớm, mong muốn nhận lãi suất trong suốt các kỳ mở hụi cho đến kỳ hụi kết thúc. Mọi người cho rằng hoạt động tổ chức hụi có lãi theo hình thức như trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ hụi.

Vì vậy, không ít người chọn cách hốt hụi gần giữa, không dám nuôi đến cuối, vì khả năng bị giật khá cao. Thậm chí, nhiều người chọn cách chơi “hai chân” trong cùng 1 dây, nuôi kha khá thì hốt trước một “chân”, còn “chân” kia để dành”- chủ hụi tên N.N chia sẻ.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục