Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, ngành Tư pháp đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng các yêu cầu đề ra trong kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi số.
Đoàn viên hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa của UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành.
Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, ngành Tư pháp đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng các yêu cầu đề ra trong kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi số, đạt một số kết quả đáng ghi nhận.
Theo phụ lục I về danh mục các thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Tư pháp có 4 dịch vụ gồm đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn và cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, đơn vị đã và đang triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, bên cạnh những ứng dụng, phần mềm phổ biến được các cơ quan, đơn vị thống nhất áp dụng như: hệ thống văn phòng điện tử (eOffice), phần mềm một cửa, phần mềm họp không giấy… Sở còn triển khai một số phần mềm thuộc lĩnh vực tư pháp như phần mềm hộ tịch, lý lịch tư pháp, phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, đấu giá, công chứng… Việc thực hiện các phần mềm ngày càng ổn định và phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay đã thực hiện liên thông phần mềm lý lịch tư pháp quốc gia do Bộ Tư pháp quản lý với phần mềm một cửa của tỉnh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng chữ ký số, sử dụng hộp thư điện tử công vụ luôn được Ban Giám đốc Sở chú trọng, chỉ đạo thực hiện trong toàn cơ quan, đơn vị. Hệ thống hội nghị trực tuyến đã được lắp đặt và triển khai thực hiện ổn định. Hiện nay, Sở đang tiến hành rà soát, thống nhất dữ liệu tích hợp về Trung tâm IOC tỉnh (Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế xã hội); rà soát, bổ sung, cập nhật các trường thông tin trên phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; thực hiện scan và nhập dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa của tỉnh…
Tăng cường cập nhật thông tin nội bộ cơ quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả về việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính của ngành lên cổng thông tin điện tử của Sở; kịp thời cập nhật văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật nhằm phục vụ chuyển đổi số. Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh thường xuyên cập nhật và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; thông tin, tuyên truyền các nội dung pháp luật, thủ đoạn phạm tội, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tin hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật… để tuyên truyền kịp thời, rộng rãi đến với cán bộ và nhân dân trên toàn tỉnh.
Số hoá hồ sơ, giấy tờ, thủ tục
Trong năm 2023, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 của Sở Tư pháp năm 2023. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp và đẩy mạnh việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, rà soát cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống máy tính, máy in… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong việc triển khai 2 nhóm thủ tục trên. Sở đã có văn bản triển khai đến Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề 06 với những nội dung cụ thể; đề nghị Phòng Tư pháp cấp huyện quan tâm, nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đăng ký hộ tịch tại địa phương chủ động sử dụng một trong các phương thức theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để kiểm tra thông tin nơi cư trú của công dân, không yêu cầu công dân nộp/xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú khi giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch và không được từ chối yêu cầu đăng ký hộ tịch khi người dân không xuất trình được giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Đơn vị có văn bản đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp xã nghiên cứu và chủ động tích cực phối hợp triển khai thực hiện Quy trình số 1050/HTQTCT-QLHC ngày 9.11.2022 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội về việc thực hiện đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Để triển khai thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính, UBND tỉnh thành lập tổ tập huấn gồm lãnh đạo và chuyên viên các sở, ngành (Công an, Tư pháp, Bảo hiểm xã hội, Lao động - Thương binh và Xã hội) để tập huấn cán bộ trực tiếp thực hiện từ cấp huyện đến cấp xã. Về phía Sở Tư pháp, đã cấp tài khoản hộ tịch cho văn thư, lãnh đạo UBND cấp huyện và UBND cấp xã để thực hiện triển khai việc cấp giấy khai sinh bản điện tử và trích lục khai sinh điện tử. Ngoài việc phối hợp với Công an, các sở, ngành có liên quan tập huấn nghiệp vụ 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông theo kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp còn xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ năng chuyên sâu cho cán bộ, công chức tham gia xử lý, giải quyết hồ sơ 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, hướng dẫn sử dụng phần mềm dịch vụ công liên thông, hướng dẫn cài đặt cấu hình ký số đối với 2 nhóm thủ tục hành chính, hướng dẫn kiểm tra hồ sơ nộp hồ sơ trực tuyến, hướng dẫn cập nhật số định danh cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hướng dẫn thay đổi số điện thoại nhận mã OTP… cho 9 huyện, thị xã, thành phố, kể cả cán bộ, công chức cấp xã.
Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ, ngành có 2 phần mềm liên quan trực tiếp trong việc giải quyết thủ tục hành chính đó là hệ thống quản lý hộ tịch và lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý. Hiện nay, 2 phần mềm này đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống một cửa của tỉnh. Sở đã thực hiện xong việc tái cấu trúc các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn (thực hiện xong trong năm 2022), cấp phiếu lý lịch tư pháp (thực hiện xong trong 6 tháng đầu năm 2023).
Đối với hệ thống quản lý hộ tịch, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã thực hiện kết nối, chia sẻ. Sở có công văn đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực- Bộ Tư pháp đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Theo đó, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực- Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời Sở Tư pháp về toàn bộ dữ liệu đăng ký khai sinh trên địa bàn tỉnh từ ngày 1.1.2016 đến 20.4.2023 cho Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an để thực hiện đối chiếu theo Quy trình số 1050/HTQTCT-QLHC. Hiện nay, ngành Tư pháp và ngành Công an đang tiến hành đối chiếu dữ liệu do Bộ Công an đổ về địa phương.
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân cài đặt các app tiện ích, app thanh toán trực tuyến.
Tạo thuận lợi cho người dân
Ông Lưu Trung Đan- Phó trưởng Phòng Tư pháp TP. Tây Ninh cho biết, những năm qua, Thành phố trang bị đầy đủ (100%) thiết bị công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức. Hầu hết các cơ quan, đơn vị sử dụng đường truyền internet tốc độ cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và trao đổi công việc. Hệ thống truyền tải dữ liệu dùng chung được triển khai kết nối từ tỉnh đến UBND Thành phố và UBND xã, phường. Thành phố bước đầu xây dựng chuyên mục chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử Thành phố kết nối với Bộ Thông tin và Truyền thông qua địa chỉ https://chuyendoiso.tayninh.gov.vn để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin về chuyển đổi số.
Đơn vị triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại 10 phường, xã, và ở khu phố, ấp; qua đó, tuyên truyền giúp đỡ người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính qua mạng như: tạo tài khoản dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến và sử dụng các ứng dụng tiện ích được cung cấp trên các ứng dụng di động, thiết bị thông minh. Kể từ ngày 1.11.2022, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Thành phố và phường, xã thực hiện tiếp nhận, giải quyết 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Thành phố được công bố trên Cổng dịch vụ công Tây Ninh. Kết quả tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công và số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở cấp phường, xã.
Theo ông Lê Lam Điền- Phó Chủ tịch UBND phường 3, TP. Tây Ninh, trên cổng thông tin điện tử địa phương (địa chỉ https://phuong3.tayninh.gov.vn) đã thiết lập bộ thủ tục hành chính và hướng dẫn thực hiện các quy trình tiếp cận thông tin và nhận kết quả, có mở chuyên mục riêng về trợ giúp pháp lý cho cộng đồng, mở chuyên mục Phổ biến pháp luật - Tiếp cận thông tin đến người dân. Đến nay, Cổng thông tin điện tử phường 3 có hơn 10.600 lượt tiếp cận bộ thủ tục trong các lĩnh vực từ công an, nội vụ, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội, giáo dục, văn hoá… Đầu năm đến nay, UBND phường đăng ký khai sinh 287 trường hợp; đăng ký kết hôn 84 trường hợp; đăng ký khai tử 82 trường hợp; xác nhận tình trạng hôn nhân 734 trường hợp. Toàn bộ 100% hồ sơ điện tử được đồng bộ hoá từ điện tử một cửa lên Dịch vụ công quốc gia vào tài khoản định danh cá nhân.
Với số lượt tương tác Cổng thông tin điện tử phường 3 trung bình 20.000 lượt/ngày, bước đầu áp dụng Nghị định 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng có hiệu quả, vừa thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, vừa tiếp cận được các thông tin chính thống từ cơ quan quản lý Nhà nước. Những kết quả này góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giảm thủ tục hành chính, thời gian, chi phí; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.
Từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.5.2023, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 4.853 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (trong đó, tiếp nhận trực tuyến 826 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 17,02%), đã giải quyết xong 4.561 hồ sơ. Ở cấp huyện, xã, hồ sơ đăng ký khai sinh 7.815 trường hợp (trực tuyến là 3.125 hồ sơ); đăng ký khai tử 4.186 trường hợp (trực tuyến là 2.874 hồ sơ); đăng ký kết hôn 4.246 đôi (trực tuyến là 3.397 hồ sơ).
Phương Thảo - Thiên Di